Công ty Trung Quốc bị tố chụp lén nhân viên trong nhà vệ sinh
Một công ty Trung Quốc bị chỉ trích vì chụp ảnh nhân viên sử dụng nhà vệ sinh và công khai như một hình thức xử phạt, dấy lên lo ngại về quyền riêng tư và các quy định pháp lý.
Công ty Lixun Diansheng, có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), đã gây tranh cãi vào ngày 20/1 khi dán những bức ảnh chụp các nhân viên đang sử dụng nhà vệ sinh lên tường.
Đây là biện pháp mà công ty áp dụng để "trừng phạt" những nhân viên bị cho là đã chiếm dụng nhà vệ sinh trong thời gian dài hoặc có các hành vi như chơi game di động hay hút thuốc trong khu vực này, SCMP đưa tin.
Theo công ty, các nhân viên đã sử dụng nhà vệ sinh quá lâu và không trả lời khi có người gõ cửa. Do đó, công ty đã phải đứng trên thang và dùng điện thoại để ghi lại những hình ảnh này. Những bức ảnh sau đó được công khai như một biện pháp nhắc nhở về việc vi phạm nội quy công ty.
Công ty cũng cho biết đã gỡ bỏ những bức ảnh này sau vài giờ vì "không hợp thẩm mỹ". Tuy nhiên, hành động này đã nhận phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng mạng và giới chuyên gia pháp lý.
Luật sư Zhu Xue từ Công ty Luật Celue cho rằng hành động của công ty đã vi phạm quyền riêng tư của nhân viên, đồng thời nhấn mạnh rằng các công ty không nên sử dụng các phương thức không hợp pháp để ghi lại và quản lý hành vi của nhân viên.
Một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng công ty thiếu sự nhận thức về pháp lý khi chỉ chú trọng đến việc những bức ảnh "không đẹp", thay vì xem xét liệu chúng có vi phạm pháp luật hay không.
Trong một trường hợp tương tự, vào tháng 11 năm 2021, nhà bán lẻ thiết bị điện tử lớn của Trung Quốc, GOME, đã công khai thông báo xử phạt 11 nhân viên vì các hành vi chơi game, nghe nhạc và trò chuyện trực tuyến trong giờ làm việc. Công ty thừa nhận đã giám sát việc sử dụng Internet của nhân viên qua mạng wifi công ty, và cho rằng những hành vi này vi phạm quy định trong sổ tay nhân viên.
Thẩm phán Li Huizhuo tại Tòa án Daxing, Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết công ty có thể đã vi phạm pháp luật khi giám sát dữ liệu cá nhân của nhân viên mà không có sự đồng ý.
Ông Li cũng nhận định trong những trường hợp đặc biệt cần giám sát dữ liệu cá nhân, công ty phải đảm bảo có sự đồng ý của nhân viên trước khi thực hiện.
Một sự kiện khác xảy ra vào năm 2022, công ty Sangfor Technologies có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) đã gây tranh cãi khi giới thiệu hệ thống có khả năng phát hiện ý định nghỉ việc của nhân viên. Hệ thống này được cho là có thể giám sát tần suất nhân viên truy cập các trang web tìm việc và gửi hồ sơ xin việc.