Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi: Một năm may mắn trong thách thức
Những tưởng năm Thìn có nhiều mưa nhưng thực tế, phần lớn thời gian trong năm các hồ đều ở trạng thái sẽ thiếu nước, nên việc sản xuất các mùa vụ đều căng kéo trên toàn tỉnh, nhất là lúa nhưng cuối cùng kết quả mang về đều được mùa, được giá và tháng 12 có thêm may mắn…
Cuối tháng 12/2024, các Chi nhánh thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn nhận thông báo sẽ tiếp tục có mưa. Tình huống đặt ra là mưa vùng Bình Thuận bị ảnh hưởng áp thấp thì bao giờ cũng lớn nên chắc chắn các hồ hầu hết sẽ phải xả lũ. Bởi tất cả sau những cơn mưa bất ngờ trong 3 ngày giữa tháng 12 đã giúp các hồ từ trạng thái không đủ nước sang đầy dung tích, khi có thêm 54,7 triệu m3 nước, nâng tổng lượng nước các hồ lên 1.088,3 triệu m3. Trong đó, riêng vùng Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc đã chiếm 53,75 triệu m3 nước, giúp các nơi này “lật ngược thế cờ” trong sản xuất. Như Tuy Phong vào trước ngày 14/12 phải chấp nhận cắt giảm khoảng 600 ha lúa sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025 vì thiếu nước, sang ngày 18/12 đã cho sản xuất hết, nhờ nước các hồ trên địa bàn huyện đã sắp xỉ đạt 100% dung tích. Đó không chỉ là tin vui cho nông dân mà còn là tín hiệu tốt chốt lại một năm Thìn nhưng Tuy Phong lại khan hiếm mưa khiến các hồ thiếu nước, làm căng kéo mùa vụ ở huyện. Cứ cánh đồng nào có nước thì sản xuất trước, còn cánh đồng nào chưa thì chờ. Vì thế, đến thời điểm này đã vào vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 thì khu Tuy Tịnh đã xuống vụ với cây lúa được 40-45 ngày tuổi; khu Đá Bạc được 15-20 ngày tuổi. Trong khi đó, khu Cây Cà thì lúa vụ Mùa đang chín, đang thu hoạch; khu vực Phan Dũng, lúa Mùa đang trỗ, dự kiến cuối tháng 1 mới thu hoạch xong…
Báo cáo của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận vào ngày 3/12, cho thấy vào thời gian này, các đơn vị đang mở nước tưới cho vụ Mùa năm 2024 và cả kết hợp mở nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2024 - 2025. Lý do bởi thời gian xuống giống kéo dài, một số diện tích nằm ở vùng cao khó lấy nước tưới, diện tích nằm ở vùng trũng thì bị ngập úng phải phá bỏ gieo lại. Vì trong sản xuất mang tính liên quan nhau giữa các vụ nên có thể hình dung điều kiện sản xuất trong năm nay không bình thường như mọi năm mà nhiều trở ngại và đan xen trong đó là những biến động…có lợi.
Như vùng Tánh Linh, Đức Linh là nơi được hưởng sự biến động đó, khi lũ trên sông La Ngà về không nhiều như mọi năm nên người dân đã tranh thủ sản xuất vụ Hè Thu trên những chân ruộng mà bình thường phải bỏ, vì ngập nước hoặc có sản xuất nhưng không hiệu quả. Nhờ vậy, diện tích tưới trong năm đạt 39.536 ha/ 36.771 ha kế hoạch, tăng 2.765 ha.
Ứng phó với khó lường
Dù phải thu hoạch trước sau đủ kiểu nhưng vụ mùa, vụ thường cho năng suất không cao thì năm nay, những nơi đã thu hoạch vụ Mùa đều cho năng suất cao. Như ở khu vực đồng Đá Bạc - Tuy Phong đạt năng suất đỉnh đến 10 tấn/ha, còn phổ biến đạt 8-9 tấn/ha. Vùng Bắc Bình có nơi đạt 6,7 tấn/ha, cao hơn 0,3 - 0,5 tấn/ha so cùng thời vụ năm ngoái… Điều ghi nhận khác cũng là tin vui trong nông nghiệp của năm 2024 là giá lúa tăng cao suốt cả năm, có lúc lên hơn 9.000 đồng/kg đã khiến người trồng lúa chăm chỉ hơn, không ít nơi đã chuyển đất với hiện trạng có thanh long nhưng bỏ hoang hay những cây trồng kém hiệu quả khác sang trồng lúa. Như Bắc Bình, với hơn 2.000 ha thanh long bị bỏ hoang, giờ người dân đã quyết tâm chuyển dần sang trồng lúa. Vì trước đó có tình trạng trồng lúa trên đất từng trồng thanh long, cây lúa không trổ bông, gây tâm lý ngán ngại nhưng năm nay, với sự lan tỏa lợi nhuận từ trồng lúa thu về từ 20-25 triệu đồng/ha đã giúp người dân nơi đây có quyết tâm trên.
Điều đáng quan tâm là giá lúa đã tăng từ vụ Mùa 2023 cho đến bây giờ nên đã củng cố thêm chuyện tăng diện tích trong thời gian tới, nếu như đủ nước. Đến hiện tại, đa số các hồ thủy lợi đã đạt 100% dung tích thiết kế, trước mắt mở ra vụ sản xuất Đông Xuân thuận lợi. Nhưng với đặc thù của thủy lợi luôn diễn biến khó lường bởi thời tiết, nhất là nắng nóng làm tốc độ bốc hơi ở Bình Thuận cao nên nguy cơ hạn hán, thiếu nước vẫn có khả năng xảy ra.
Theo ông Nguyễn Hữu Huệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, để đảm bảo nguồn nước cấp cho sản xuất vụ Đông Xuân năm 2024-2025 và sinh hoạt mùa khô năm 2025, Công ty có kế hoạch để ứng phó với tình hình thời tiết khó lường, trong đó kiến nghị sự phối hợp của các địa phương, đơn vị có liên quan. Đồng thời nhấn mạnh tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết về khả năng có thể xảy ra nguy cơ hạn hán, thiếu nước để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, đúng mức, đúng mục đích.
Ngoài cung cấp nước cho sản xuất, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi còn cung cấp nước cho các nhà máy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 03/12/2024, tổng lượng nước đã cung cấp là 42.588.000/38.000.000 m³, đạt 112% kế hoạch.