Công ty than Hòn Gai-TKV kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển
Ngày 15/5, Công ty Than Hòn Gai-TKV long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập (15/5/1955-15/5/2025), đánh dấu chặng đường đầy tự hào của một đơn vị khai khoáng tiêu biểu, cái nôi khai sinh ngành than Việt Nam.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Công ty Than Hòn Gai-TKV.
Cách đây 70 năm, Xí nghiệp quốc doanh Than Hòn Gai tiếp quản cơ sở của Công ty Pháp mỏ Bắc Kỳ FSTC với diện sản xuất rộng lớn kéo dài từ Mông Dương qua Cẩm Phả, Hồng Gai đến Vàng Danh, Mạo Khê, trong đó có 6 mỏ lớn, nhiều mỏ nhỏ, 2 bến cảng bảo đảm cho tàu trọng tải 3.000-10.000 tấn vào ra, một nhà máy điện có công suất 1.000kW, 2 nhà máy cơ khí và nhiều trạm cơ khí nhỏ.

Lãnh đạo Công ty Than Hòn Gai-TKV đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển.
Qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, Công ty than Hòn Gai được thành lập gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của ngành công nghiệp khai thác và hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh than tại Quảng Ninh.
Nhiều giai đoạn, đơn vị phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: máy móc hư hỏng, sản xuất đình đốn, hơn 2.000 công nhân thất nghiệp. Nhưng nhờ phong trào “Công nhân tự quản lấy Xí nghiệp” do Khu ủy Hồng Quảng phát động, chỉ trong tháng đầu tiên, sản lượng đã đạt 100% kế hoạch.
Thành công nhanh chóng trong khôi phục sản xuất, tiêu biểu là việc hoàn thành tuyến đường trục công trường Đèo Nai chỉ trong 19 ngày, gây tiếng vang lớn và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Trường Chinh và Chủ tịch Công đoàn Hoàng Quốc Việt trực tiếp biểu dương, góp phần bảo vệ miền bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho tiền tuyến lớn ở miền nam.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1965-1972), Than Hòn Gai vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đã bắn rơi 9 máy bay, đóng góp 210.000 ngày công, và vận chuyển chi viện cho miền nam.
Bước vào thời kỳ đổi mới 1986 đến nay, Than Hòn Gai không ngừng lớn mạnh, năm 2004, lần đầu sản lượng vượt 1 triệu tấn; 100% lò chợ được thủy lực hóa. Công ty liên tục tái cơ cấu, đầu tư công nghệ và xây dựng mô hình sản xuất hợp lý. Đến nay, công ty có gần 4.000 lao động với 21 đơn vị sản xuất.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam Vũ Anh Tuấn phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam Vũ Anh Tuấn biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những thành tựu to lớn của cán bộ, công nhân viên và người lao động Công ty Than Hòn Gai đã đạt được trong suốt 70 năm qua, góp phần xây dựng tập đoàn vững mạnh như ngày hôm nay.
Đồng thời, ông Vũ Anh Tuấn mong muốn Công ty tiếp tục nỗ lực phấn đấu, bám sát chiến lược phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt coi trọng phát triển sản xuất kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn lao động tuyệt đối.

Công đoàn TKV tặng bức trướng cho tập thể cán bộ, công nhân và người lao động Công ty Than Hòn Gai.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; kiên trì thực hiện chiến lược “3 hóa”: Cơ giới hóa-Tự động hóa-Tin học hóa, tiến tới xây dựng mỏ thông minh, mỏ hiện đại, giảm thiểu lao động nặng nhọc, tăng cường an toàn và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Trải qua 14 lần thay đổi mô hình quản lý, từ Xí nghiệp quốc doanh đến Công ty Than Hòn Gai-TKV ngày nay, đơn vị đã đào tạo nhiều thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước.

Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh.
Với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, Than Hòn Gai đang vươn mình mạnh mẽ, đóng góp trên dưới 2 triệu tấn/năm, doanh thu bình quân 2.600 tỷ/năm, giải quyết hơn 4.000 lao động.
Trải qua 70 năm khôi phục và phát triển, Xí nghiệp Quốc doanh Than Hòn Gai xưa, nay là Công ty Than Hòn Gai, cái nôi khai sinh ngành than Việt Nam vẫn luôn là niềm tự hào của biết bao thế hệ thợ mỏ, là cái gốc của văn hóa, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, điểm tựa cho thế hệ cán bộ, công nhân, thợ mỏ Quảng Ninh.