Công ty cổ phần xi măng Tân Quang - VVMI: Vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế
Công ty cổ phần xi măng Tân Quang - VVMI là một trong những doanh nghiệp sản xuất xi măng quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng của khu vực. Trải qua nhiều biến động của nền kinh tế, đặc biệt là áp lực cạnh tranh khốc liệt trong ngành xi măng, Công ty vẫn duy trì được sản lượng ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường.
Giữ vững thị phần
Những năm gần đây, ngành xi măng rơi vào tình trạng cung vượt cầu, khiến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn. Các đối thủ trong ngành liên tục áp dụng chính sách giảm giá, tung ra nhiều chương trình kích cầu để tăng sản lượng tiêu thụ và giảm lượng hàng tồn kho. Trước thực tế đó, Công ty cổ phần xi măng Tân Quang đã chủ động điều chỉnh chính sách giá bán để duy trì thị phần.
Từ tháng 3 - 2024 đến nay, công ty liên tục theo dõi sát sao thị trường và có những điều chỉnh kịp thời nhằm giữ vững lượng khách hàng truyền thống. Mặc dù thị trường đầy thách thức, nhưng nhờ chính sách bán hàng linh hoạt, Công ty vẫn giữ vững được thị trường trọng điểm tại các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai. Đặc biệt, thương hiệu VINACOMIN Tân Quang tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng tại khu vực này. Đây là một lợi thế quan trọng, tạo tiền đề để Công ty tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Khu vực Nhà máy xi măng Tân Quang.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất của Công ty trong năm 2024 là sự sụt giảm nhu cầu xi măng rời. Dự kiến sản lượng tiêu thụ xi măng rời sẽ giảm khoảng 20.000 tấn so với năm 2023. Nguyên nhân chính là do các dự án đầu tư xây dựng chậm tiến độ, nhu cầu thị trường suy giảm, trong khi đó các đối thủ cạnh tranh giảm giá mạnh để gia tăng thị phần.
Bên cạnh đó, các thị trường tiêu thụ xi măng rời lớn như Vĩnh Phúc, Phú Thọ có vị trí thuận lợi về giao thông và gần các nhà máy xi măng ở Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa – nơi có công suất sản xuất lớn và giá thành thấp hơn. Điều này khiến xi măng Tân Quang gặp không ít khó khăn khi cạnh tranh về giá bán.

Hệ thống băng chuyền nguyên liệu vào nhà máy sản xuất.
Trước tình hình này, Công ty đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Thay vì tập trung vào thị trường xi măng rời, Công ty đẩy mạnh tiêu thụ xi măng bao, nhất là tại các thị trường chiến lược như Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai. Nhờ những giải pháp đúng đắn, Xi măng Tân Quang vẫn giữ vững và gia tăng thị phần tiêu thụ, góp phần quan trọng vào kết quả kinh doanh năm 2024 và tạo nền tảng cho sự phát triển trong năm 2025.
Đổi mới công nghệ
Trước áp lực cạnh tranh và biến động của thị trường, Công ty cổ phần xi măng Tân Quang đã chủ động đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí và cải thiện hiệu quả hoạt động. Năm 2024, Công ty đã thực hiện hàng loạt cải tiến kỹ thuật, trong đó có nâng cấp hệ thống tháp trao đổi nhiệt giúp giảm định mức tiêu hao than nung clinker. Đồng thời, Công ty đầu tư hệ thống phát điện từ nhiệt khí thải, góp phần tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí sản xuất. Hệ thống lọc bụi tĩnh điện cũng được cải tiến nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải và bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Một công đoạn sản xuất, vận chuyển xi măng Tân Quang được tự động hóa.
Ngoài ra, công tác khai thác mỏ cũng được quản lý chặt chẽ hơn. Công ty đã tiến hành cải tạo và mở rộng mỏ đá vôi Tràng Đà, tối ưu hóa nguồn tài nguyên để phục vụ sản xuất trong dài hạn. Những bước đi này không chỉ giúp Xi măng Tân Quang nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tạo ra lợi thế bền vững, giúp công ty duy trì vị thế trong ngành xi măng.
Linh hoạt chiến lược
Bước sang năm 2025, Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng bằng cách tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện hiệu quả kinh doanh. Về sản xuất, Công ty đặt kế hoạch sản xuất trên 870.000 tấn xi măng, với tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 890.000 tấn. Doanh thu thuần dự kiến khoảng hơn 800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 42,5 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty chú trọng nâng cao thu nhập cho người lao động, đặt mục tiêu mức lương bình quân đạt 14-15 triệu đồng/người/tháng.

Công ty cổ phần xi măng Tân Quang - VVMI xếp xi măng vào xe cho các đối tác trong và ngoài tỉnh.
Về chiến lược tiêu thụ, Công ty tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, áp dụng chính sách bán hàng linh hoạt để duy trì thị phần. Công ty đặt mục tiêu: Giữ vững các thị trường hiện có, đặc biệt là các khách hàng lớn, lâu năm; mở rộng thị trường tiêu thụ tại các khu vực chưa có xi măng Tân Quang; khuyến khích khách hàng thanh toán trước để đảm bảo dòng tiền ổn định; đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, phấn đấu giảm nợ khó đòi xuống dưới 0,5 tỷ đồng vào cuối năm 2025.
Song song với đó, Công ty tiếp tục đầu tư vào các dự án trọng điểm nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Một số hạng mục quan trọng trong năm 2025 gồm: Cải tạo hệ thống lọc bụi nhằm kiểm soát khí thải tốt hơn; nâng cấp nhà văn phòng để cải thiện điều kiện làm việc; đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng xi măng. Ngoài ra, công tác an toàn lao động cũng được đặt lên hàng đầu. Công ty tăng cường các biện pháp bảo hộ, tập huấn định kỳ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động, hạn chế tối đa tai nạn lao động.
Nhờ chiến lược đúng đắn và những giải pháp linh hoạt, Công ty cổ phần xi măng Tân Quang – VVMI tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.