Công ty chứng khoán 'lên dây cót', sẵn sàng cho cuộc chơi lớn
Các công ty chứng khoán đang chủ động tìm kiếm nguồn vốn vay với chi phí hợp lý và thời hạn phù hợp, nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và gia tăng lợi ích cho cổ đông...
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn trầm lắng với thanh khoản sụt giảm, các công ty chứng khoán vẫn mạnh tay tăng cường nguồn lực tài chính để đón đầu cơ hội và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ khách hàng.
Không chỉ tăng vốn chủ sở hữu nhằm phục vụ các dịch vụ vay cầm cố cổ phiếu (margin) và ứng trước tiền bán chứng khoán, nhiều công ty còn tích cực tìm kiếm nguồn vốn vay với chi phí và thời hạn hợp lý để triển khai chiến lược kinh doanh.
CÔNG TY CHỨNG KHOÁN NỖ LỰC HUY ĐỘNG VỐN
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán KAFI đã phê duyệt đề xuất hạn mức tín dụng "khủng" lên tới 5.000 tỷ đồng. Trong đó, BIDV Thái Hà cung cấp 3.500 tỷ đồng và Vietcombank Tây Hồ góp 1.500 tỷ đồng, cả hai khoản vay đều có thời hạn 12 tháng.
Số vốn này được KAFI sử dụng cho nhiều mục đích quan trọng như kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, dịch vụ margin, ứng trước tiền bán chứng khoán và các nhu cầu vốn phục vụ hoạt động hợp pháp khác. Đặc biệt, công ty cũng tận dụng nguồn vốn vay để bảo lãnh nhiều hoạt động tài chính, kể cả vay vốn. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi KAFI hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 2.500 tỷ đồng vào giữa tháng 12.
Trong nhóm các công ty chứng khoán tầm trung, Chứng khoán SmartInvest (mã chứng khoán: AAS) cũng không kém cạnh khi nhận gói tín dụng 1.100 tỷ đồng từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB).
Nguồn vốn này sẽ được bổ sung vào hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương phát hành được niêm yết và giao dịch trên HNX, thực hiện giao dịch ký quỹ, đầu tư kinh doanh trái phiếu niêm yết do ngân hàng phát hành... Đáng chú ý, khoản vay này không cần tài sản đảm bảo, thời hạn 12 tháng, giúp SmartInvest gia tăng sức mạnh tài chính bên cạnh vốn chủ sở hữu hiện đạt gần 2.500 tỷ đồng.
Để đa dạng hóa sản phẩm margin và tối ưu hóa nguồn vốn, Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE vừa chào bán 3 triệu trái phiếu, huy động 300 tỷ đồng cho các hoạt động tự doanh và dịch vụ margin. Trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của tổ chức phát hành. Lô trái phiếu này có lãi suất khởi điểm 8,5%/năm. Đợt phát hành này dự kiến kết thúc vào ngày 15/1/2025.
Có thể thấy, dù đối mặt với những thách thức trên thị trường, các công ty chứng khoán vẫn tích cực triển khai các giải pháp tài chính linh hoạt và đa dạng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho sự phục hồi trong tương lai.
Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu khi mở rộng quan hệ hợp tác với các định chế tài chính trong và ngoài nước, thiết lập kỷ lục mới về hạn mức vay tín chấp.
Đối với các tổ chức tài chính trong nước, TCBS đã đạt được các thỏa thuận tín dụng mới, nâng tổng hạn mức vay tín chấp lên khoảng 15.000 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay. Song song đó, trên thị trường quốc tế, TCBS cũng ghi dấu ấn với tổng hạn mức vay tín chấp đạt 425 triệu USD, bao gồm các giao dịch vay hợp vốn trị giá 175 triệu USD, cùng các khoản vay song phương nổi bật như 20 triệu USD từ Ngân hàng Maybank và 10 triệu USD từ Ngân hàng SinoPac Hong Kong.
Nguồn tín dụng dồi dào này cho phép TCBS sẵn sàng đẩy mạnh dư nợ cho vay ký quỹ lên mức tối đa theo quy định, đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư khi thị trường bước vào giai đoạn phục hồi. Báo cáo quý 3 cho thấy, dư nợ cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán của TCBS đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với quý trước, đưa công ty vào nhóm dẫn đầu về quy mô cho vay ký quỹ.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC – mã chứng khoán: HCM) cũng là cái tên đáng chú ý khi đứng thứ 4 về dư nợ ký quỹ cao nhất thị trường. Hiện, HSC đang có tỷ lệ nợ vay sát ngưỡng giới hạn 2 lần vốn chủ sở hữu. Cụ thể, tổng tài sản của HSC đạt 30.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 10.000 tỷ đồng, còn vốn vay lên đến 20.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, 20% khoản vay này đến từ nguồn vốn quốc tế, còn lại là từ trong nước.
Dù chi phí vay vốn quốc tế cao hơn, HSC vẫn lựa chọn hình thức này nhờ kỳ hạn phù hợp với cơ cấu kỳ hạn các khoản vay. Tuy nhiên, với tỷ lệ dư nợ vay ký quỹ trên vốn chủ sở hữu gần chạm ngưỡng trần quy định, nhu cầu tăng vốn chủ sở hữu của HSC trở nên cấp thiết. Sau khi tăng vốn thành công, HSC có thể cơ cấu nợ nước ngoài chỉ còn chiếm 10 - 15% tổng nợ để giảm chi phí vốn vay.
Tại Đại hội cổ đông bất thường vừa diễn ra chiều ngày 4/12, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ đối mặt với giá trị giao dịch bình quân sẽ thấp, chứ không cao như trước do nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 4 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay.
Năm sau, kỳ vọng thanh khoản xuống khoảng 15.000 tỷ đồng/phiên so với năm nay là 20.000 tỷ đồng/phiên. Nhu cầu vay ký quỹ không bùng nổ nhưng vẫn còn cao. HSC sẵn sàng cho vay ký quỹ ngay cả khi nhu cầu yếu và nhu cầu mạnh bởi các khách hàng của HSC rất chuyên nghiệp, không sợ hãi khi thị trường biến động mạnh. Nếu có lý do gì đó mà thị trường biến động giảm mạnh thì các khách hàng có thể bán hợp đồng phái sinh phòng ngừa rủi ro thay vì bán chứng khoán cơ sở.
CHUẨN BỊ CHO “CUỘC CHƠI” LỚN
Trong bối cảnh Zero Fee đang lan rộng trong ngành tài chính, đặc biệt là môi giới chứng khoán, các công ty chứng khoán phải đối mặt với một bài toán sinh tồn mới. Khi nguồn thu từ phí giao dịch dần biến mất, dịch vụ cho vay margin nổi lên như "phao cứu sinh", trở thành động lực chính để duy trì lợi nhuận và phát triển.
Cuộc đua Zero Fee đang khiến các công ty chứng khoán nhỏ chịu áp lực lớn khi phải cạnh tranh với những "ông lớn" sở hữu lợi thế vượt trội về vốn và công nghệ quản lý rủi ro. Với nguồn lực hạn chế, các công ty nhỏ nếu không nhanh chóng tăng vốn sẽ đứng trước nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi. Chính vì vậy, làn sóng gia tăng vốn đang lan rộng, đặc biệt ở nhóm công ty chứng khoán nhỏ và vừa, nhằm mở rộng dư địa cho vay margin và giữ vững chỗ đứng trên thị trường.
Tuy nhiên, thách thức không chỉ dừng lại ở việc duy trì nguồn thu. Zero Fee buộc các công ty chứng khoán đầu tư mạnh vào công nghệ để theo kịp bước tiến của thị trường. Nhiều công ty đã tích hợp công nghệ AI và phát triển nền tảng giao dịch tự động nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa vận hành và tạo lợi thế cạnh tranh. Nhưng để hiện thực hóa điều này, họ cần một lượng vốn khổng lồ cho hạ tầng công nghệ, điều mà không phải công ty nào cũng có thể đáp ứng.
Trong cuộc chiến đầy khốc liệt này, chỉ những công ty đủ nhanh nhạy và dồi dào nguồn lực mới có thể vững vàng trước làn sóng đổi thay.
Việc mở rộng quy mô vốn của các công ty chứng khoán không chỉ nhằm tăng cường nguồn lực kinh doanh hay mở rộng dư địa cho vay ký quỹ, mà còn mang theo một chiến lược dài hơi hơn. Theo các chuyên gia phân tích, kế hoạch lần này được xem như bước đệm đón đầu hệ thống giao dịch KRX – một cú hích công nghệ được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo thị trường chứng khoán.
Hệ thống KRX, do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) triển khai, đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Được ví như "ngọn gió đông" thổi vào thị trường, KRX hứa hẹn sẽ không chỉ nâng cao hiệu suất giao dịch mà còn tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiến gần hơn đến việc nâng hạng thị trường. Ngoài ra, sự ra đời của hệ thống này mở ra cơ hội phát triển các sản phẩm tài chính mới, đa dạng hóa danh mục đầu tư và thúc đẩy sự sôi động của thị trường trong dài hạn.
Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), KRX có tiềm năng giúp giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên của VN-Index tăng từ 30 - 70%, so với mức thanh khoản trung bình trong 5 năm qua. Với sự bùng nổ thanh khoản, nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư cũng được dự báo sẽ tăng mạnh, mở ra cơ hội lớn cho các công ty chứng khoán sẵn sàng nguồn lực đón đầu.