Công ty Cảng Phước An muốn đầu tư 7.572,5 tỷ đồng vào phân kỳ 2 dự án cảng Phước An

Chuẩn bị đưa phân kỳ 1 vào vận hành, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (Cảng Phước An -mã PAP - UPCoM) lên kế hoạch đầu tư phân kỳ 2 từ năm 2024 đến năm 2026.

Cảng Phước An vừa thông qua kế hoạch đầu tư xây dựng phân kỳ 2 của dự án cảng Phước An với quy mô diện tích xây dựng khoảng 50,9 ha, chiều dài cầu cảng 1.070 m, chiều rộng cầu cảng 48 m và dự kiến đầu tư từ năm 2024 đến năm 2026.

Trong đó, phân kỳ 2 dự kiến sẽ đầu tư với tổng vốn lên tới 7.572,5 tỷ đồng (gồm vốn vay và vốn chủ sở hữu), được chia làm hai phân kỳ nhỏ gồm phân kỳ 2.1 với vốn đầu tư 6.481,5 tỷ đồn và phân kỳ 2.2 với vốn đầu tư 1.091 tỷ đồng.

Cảng Phước An cho biết thêm phân kỳ 2.1 sẽ xây dựng 1.070 m chiều dài cầu cảng, tổng diện tích dự án 31,62 ha; và phân kỳ 2.2 sẽ xây dựng bãi container, đường giao thông nội bộ, cây xanh… với tổng diện tích 19,38 ha.

Theo tìm hiểu, cảng Phước An là một cảng container hiện đại, với quy mô 3 phân kỳ gồm 9 bến container, tổng chiều dài 2.830 mét. Đây là cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu container lên đến 4.500 TEU (~ 60.000 tấn) và có công suất khai thác 5 triệu TEU mỗi năm.

Trong đó, phân kỳ 1 dự kiến đi vào vận hành cuối năm 2024 và đầu năm 2025, phân kỳ 1 sẽ đưa vào khai thác cảng cầu số 5 và 6, với chiều dài 670 m, năng lực khai thác là 2,2 triệu Teu và 4 triệu tấn hàng hóa tổng hợp mỗi năm, khả năng đón tàu lên tới 60.000 DWT.

Được biết, Cảng Phước An được thành lập để thực hiện việc đầu tư khai thác cảng tổng hợp Phước An. Trong đó, cổ đông sáng lập ban đầu gồm Petrovietnam sở hữu 79,54%; Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp sở hữu 17,05%; các cổ đông khác sở hữu 3,41% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, từ năm 2016, Cảng Phước An liên tục phát hành riêng lẻ khiến sở hữu nhà nước bị pha loãng: Năm 2016, phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn để tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng; năm 2017, tiếp tục phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng; năm 2021, phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng; và năm 2022, Công ty chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng; và tháng 8/2024 tiếp tục phát hành riêng lẻ tăng vốn điều lệ lên 2.320 tỷ đồng.

Trải qua 5 lần tăng vốn từ 440 tỷ đồng lên 2.320 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu của Petrovietnam sở hữu tại Cảng Phước An vẫn không đổi (35 triệu cổ phiếu), nhưng tỷ lệ sở hữu đã giảm từ 79,54%, về 15,09% vốn điều lệ, tức giảm 64,45% vốn điều lệ.

Trong đó, đỉnh điểm lần tăng vốn năm 2016, Công ty phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn, đơn vị này trở thành công ty mẹ của Cảng Phước An thay cho Petrovietnam.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2024, Cảng Phước An tiếp tục không có doanh thu, doanh thu tài chính đạt 10,54 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.

Ngoài ra, cũng trong quý III, Cảng Phước An chỉ phát sinh chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 0,63 tỷ đồng so với cùng kỳ 1,66 tỷ đồng, tức giảm 1,03 tỷ đồng.

Như vậy, mặc dù không có doanh thu nhưng nhờ doanh thu tài chính ghi nhận đột biến, kết thúc quý III, Cảng Phước An vẫn ghi nhận lãi trở lại 9,92 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1,66 tỷ đồng.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2024, Cảng Phước An ghi nhận doanh thu tài chính đạt 10,02 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận; lợi nhuận sau thuế đạt 6,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 4,96 tỷ đồng, tức tăng thêm 11,46 tỷ đồng.

Mặc dù có lãi, tính tới 30/9/2024, Cảng Phước An vẫn còn lỗ lũy kế 7,42 tỷ đồng, bằng 0,3% vốn điều lệ.

Về diễn biến cổ phiếu, cổ phiếu PAP gần như không có thanh khoản, đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/12, cổ phiếu tăng 2.800 đồng lên 29.000 đồng/cổ phiếu và thanh khoản trung bình 20 phiên chỉ hơn 1.000 cổ phiếu khớp lệnh trên phiên giao dịch, mức tương đối thấp và rất khó giao dịch đối với nhà đầu tư bên ngoài.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cong-ty-cang-phuoc-an-muon-dau-tu-75725-ty-dong-vao-phan-ky-2-du-an-cang-phuoc-an-d232265.html
Zalo