Công trình nước sạch tại Đắk Nông không hoạt động - Trách nhiệm thuộc về ai?

Hàng loạt công trình nước sạch tại Đắk Nông được đầu tư nhiều tỷ đồng, nhưng hư hỏng, bỏ không. Dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm vấn đề này thuộc về ai?

Cha chung không ai khóc?

Theo Sở NN – PTNT Đắk Nông, hiện nay, toàn tỉnh có 262 công trình nước sinh hoạt tập trung xây dựng từ các chương trình như: Dự án Danida, Chương trình 132, 134, 135; Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình hỗ trợ buôn, bon; Chương trình MTQG về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình WB…

Các công trình đều được đầu tư bài bản, với kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân khu vực nông thôn.

Công trình nước sinh hoạt tập trung bon S'rê A, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (Đắk nông) ngừng hoạt động, bỏ hoang hơn nhiều năm nay

Công trình nước sinh hoạt tập trung bon S'rê A, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (Đắk nông) ngừng hoạt động, bỏ hoang hơn nhiều năm nay

Tuy nhiên, trái với mục tiêu ban đầu, hiện nay có hàng trăm công trình đang “đắp chiếu”, gây lãng phí tiền của của Nhà nước, trong khi người dân thiếu nước sạch sinh hoạt.

Tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, nơi được đầu tư xây dựng 9 công trình nước sạch, nhưng không công trình nào hoạt động, bỏ hoang nhiều năm nay.

Qua tìm hiểu, tất cả các công trình tại xã Đắk Som đều được đầu tư và đưa vào sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 2004 – 2007. Các công trình hoạt động được một thời gian ngắn thì ngừng hoạt động và bỏ hoang cho đến nay.

Nhiều công trình trở nên hoang phế, cỏ cây mọc um tùm, phủ cả bồn chứa nước. Hầu hết các hạng mục của công trình đều hư hỏng, xuống cấp. Các đường ống, bồn chứa nước, chân bồn hoen rỉ do nhiều năm nay không được sử dụng, duy tu, bảo dưỡng.

Đường ống dẫn nước của công trình bon S'rê A, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong bị bỏ hoang

Đường ống dẫn nước của công trình bon S'rê A, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong bị bỏ hoang

Với tình trạng này, những khối sắt của công trình còn vô tình trở thành mối đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Bởi nguy cơ ngã đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chị H’Drong (26 tuổi), bon B’Srê A, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong cho biết, công trình nước được xây dựng trên đất của gia đình chị. Hơn mười năm nay, công trình không còn hoạt động nữa, gia đình đã tự khoan giếng và bơm lên bồn nước của công trình này để sử dụng riêng cho gia đình.

“Tất cả đường ống, đồng hồ đều bị dập nát, hư hỏng nên gia đình bơm nước lên dùng tạm và chẳng thấy ai nói gì đến việc sửa chữa, duy tu”, chị H’Drong nói.

Biểu đồ: Nguyễn Hiền

Biểu đồ: Nguyễn Hiền

Còn công trình sạch nông thôn tập trung bon B’Srê B, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, cũng bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Công trình trị giá hàng trăm triệu đồng, với mục đích ban đầu là nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân, nhưng nay bị bỏ hoang phế, dây leo phủ kín.

Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho rằng: “Trước đây, do tình hình quản lý, sử dụng nước tại các thôn, bon hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, khi công trình hỏng hóc không ai sửa chữa, ở tình trạng “cha chung không ai khóc". Từ đó, các công trình lần lượt ngưng hoạt động và xuống cấp".

Gia đình chị H’Drong ở bon B’Srê A, huyện Đắk Glong khoan giếng bên cạnh công trình để lấy nước sử dụng

Gia đình chị H’Drong ở bon B’Srê A, huyện Đắk Glong khoan giếng bên cạnh công trình để lấy nước sử dụng

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Đắk Glong, hiện nay, toàn huyện có 43 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, phân bổ trên địa bàn 7/7 xã.

Hiện trạng hầu hết các công trình đều ngừng hoạt động, xuống cấp, hư hỏng (chỉ còn 5 công trình đang hoạt động).

Còn tại huyện Krông Nô, tình trạng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung “đắp chiếu” tại nhiều thôn, buôn.

Đơn cử, năm 2011, thôn Nam Dao, xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô, được Nhà nước đầu tư xây dựng một công trình nước sinh hoạt tập trung, với tổng kinh phí là 2,2 tỷ, phục vụ cho 207 hộ dân trong thôn.

Nhưng đến nay, công trình đã ngừng hoạt động, nhiều hạng mục không được bảo vệ bị hư hỏng nặng.

Nhiều hạng mục của công trình nước tập trung thôn Nam Dao, xã Nâm N'đir (Krông Nô) không được quản lý, bảo vệ bị hư hỏng nặng

Nhiều hạng mục của công trình nước tập trung thôn Nam Dao, xã Nâm N'đir (Krông Nô) không được quản lý, bảo vệ bị hư hỏng nặng

Thôn trưởng thôn Nam Dao Đặng Việt Thanh cho hay: “Do giếng nước tập trung bị hư hỏng, không còn sử dụng hơn 5 năm nay, nên người dân đã tự khoan giếng để sử dụng. Trong đợt nắng hạn vừa qua, mực nước ngầm bị giảm mạnh, nên người dân trong thôn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng”.

Theo UBND huyện Krông Nô, trên địa bàn hiện có 46 công trình nước sinh hoạt tập trung. Hiện địa phương đang đề xuất thanh lý 28 công trình do ngưng hoạt động và không có nhu cầu sử dụng.

Ai chịu trách nhiệm?

Đắk Nông có 262 công trình nước tập trung, trong đó có 74 công trình đang hoạt động, 188 công trình ngưng hoạt động, chiếm gần 72%.

Trong đó, Đắk R’lấp có 16/21 công trình hoạt động; Tuy Đức 5/30 công trình; Đắk Song 7/25 công trình; Đắk Mil 4/18 công trình; Đắk Glong 5/43; Cư Jút 20/60 công trình; Krông Nô 13/46 công trình; TP. Gia Nghĩa 4/19 công trình.

Trước tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”, các đơn vị, địa phương đã đề xuất với tỉnh thanh lý 133 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã ngưng hoạt động, không có nhu cầu sử dụng nước hoặc đã có công trình cấp nước khác .

Hệ thống vận hành của công trình nước sinh hoạt tập trung thôn Nam Dao, xã Nâm N'đir, huyện Krông Nô được trang bị hiện đại cũng bị hoen gỉ, hỏng hóc nặng

Hệ thống vận hành của công trình nước sinh hoạt tập trung thôn Nam Dao, xã Nâm N'đir, huyện Krông Nô được trang bị hiện đại cũng bị hoen gỉ, hỏng hóc nặng

Điều này cho thấy, việc thanh lý các công trình nước sinh hoạt tập trung sẽ giúp các địa phương nhẹ bớt gánh nặng. Nhưng qua câu chuyện này, vấn đề còn lại là việc gây lãng phí, thất thoát tài sản công do Nhà nước không thể xem nhẹ.

Theo ông Hoàng Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông, việc thực hiện các công trình tồn tại khá nhiều bất cập. Trong đó, có nhiều công trình chưa được bàn giao tài sản theo quy định, nhưng đang ngưng hoạt động.

Người dân xã Nâm N'đir xuống chân đồi, vùng trũng thấp đào giếng mới có nguồn nước sử dụng

Người dân xã Nâm N'đir xuống chân đồi, vùng trũng thấp đào giếng mới có nguồn nước sử dụng

“Sở NN-PTNT đã yêu cầu một số huyện tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc công trình chưa được bàn giao đưa vào sử dụng đã ngưng hoạt động, không bảo đảm mục tiêu của dự án đã được phê duyệt”, ông Nghĩa cho biết.

Văn Tâm

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/cong-trinh-nuoc-sach-tai-dak-nong-khong-hoat-dong-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-220504.html
Zalo