Công trình Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang: Phấn đấu hoàn thành vào dịp 30-4-2025
Ngày 15-8, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tiến độ Dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Cùng đi với đoàn có ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công cũng như chính quyền địa phương trong việc xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đưa dự án đi vào hoạt động vào dịp 30-4-2025.
Huy động 30 mũi thi công
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án 7 (chủ đầu tư dự án), hiện nay các nhà thầu đã huy động 30 mũi thi công gồm 21 mũi thi công đường, 9 mũi thi công cầu với 798 máy móc, thiết bị và 1.338 nhân lực. Đến nay, dự án đạt được sản lượng 4.704/7.132 tỷ đồng, đạt 66% giá trị hợp đồng, nhanh 0,2% so với kế hoạch điều chỉnh hoàn thành vào dịp 30-4-2025. Trong đó, gói thầu XL02 do Tập đoàn Sơn Hải và Công ty Vinaconex thi công đang vượt tiến độ 0,8%; gói thầu XL01 do Công ty Lizen, Công Hải Đăng, Công ty Phước Thành và Công ty VNCN E&C thi công đang chậm tiến độ 0,3%.
Ông Trần Đình Tuyên - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 7 cho biết, thời gian qua các nhà thầu đã nỗ lực triển khai để phấn đấu hoàn thành dự án vào dịp 30-4-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiến độ thi công của các nhà thầu cơ bản đáp ứng yêu cầu, riêng chỉ có Công ty Hải Đăng và Công ty VNCN E&C tiến độ chậm khoảng 1% nhưng hiện nay cũng đã cơ bản bắt kịp tiến độ chung của toàn dự án. Nhờ tích cực triển khai các mũi thi công, đến nay Dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang đã giải ngân được khoảng 1.574 tỷ đồng vốn được giao năm 2024, đạt 53,25% kế hoạch.
Khẩn trương giải quyết các vướng mắc
Theo ông Tuyên, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã cơ bản hoàn thành phần tuyến chính cao tốc. Tuy nhiên, còn khoảng 2,4km chưa thi công hoàn thiện được do vướng hạ tầng kỹ thuật và vướng mắc giải phóng mặt bằng một số vị trí cục bộ. Cụ thể, ở khu vực nút giao Quốc lộ 26 còn 4 hộ chưa lập phương án đền bù do kiểm kê thiếu tài sản, vật kiến trúc. Đối với mặt bằng điều chỉnh, bổ sung do điều chỉnh cục bộ ranh giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Dự án 7 đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương từ quý II-2023, nhưng đến nay các địa phương chưa hoàn tất thủ tục đền bù, thu hồi và bàn giao mặt bằng của 129 hộ dân. Vì vậy, nhà thầu chưa thể thi công hoàn thiện một số vị trí mái taluy nền đào, gia cố tứ chân khay taluy một số vị trí cống thoát nước ngang…
Về công tác giải phóng mặt bằng trạm dừng nghỉ ở Km334+900, Ban Quản lý Dự án 7 đã bàn giao cọc và hồ sơ cho UBND thị xã Ninh Hòa vào tháng 6-2024; UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND thị xã Ninh Hòa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện để bàn giao mặt bằng trước ngày 31-8. Tuy nhiên, đến nay thị xã Ninh Hòa chưa phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và thực hiện thủ tục khác có liên quan. Đối với công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đến nay, mới di dời xong 120/164 vị trí. Trong đó, có 3 vị trí trạm biến áp của các dự án điện mặt trời áp mái chưa được địa phương di dời xong, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thi công cao tốc. Khó khăn lớn nhất đối với 17 vị trí điện cao thế chưa di dời xong là do tổng khối lượng xây dựng lớn, công tác nhập vật tư chậm, thời gian đăng ký lịch cắt điện kéo dài. Theo thống kê, hiện nay có 16 vị trí vướng mắc hạ tầng kỹ thuật làm ảnh hưởng chiều dài khoảng 2,4km phải tạm dừng thi công, không thể thi công hoàn thiện các hạng mục công trình được.
Để phấn đấu hoàn thành dự án sớm hơn 8 tháng so với kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại buổi kiểm tra, Ban Quản lý Dự án 7 đề nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với UBND tỉnh chỉ đạo UBND thị xã Ninh Hòa tiếp tục vận động bàn giao mặt bằng trước đối với 4 hộ dân tại khu vực nút giao Quốc lộ 26; đồng thời khẩn trương thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng, phê duyệt phương án đền bù, xem xét phương án ứng trước kinh phí đền bù, vận động nhận tiền đền bù bàn giao mặt bằng trước, phấn đấu xong trước ngày 30-8. Về di dời hạ tầng kỹ thuật, Ban Quản lý Dự án 7 đề nghị UBND thị xã Ninh Hòa chỉ đạo đơn vị khẩn trương đăng ký lịch cắt điện để kịp thời di dời các công trình điện cao thế đảm bảo tiến độ. Đối với 3 trạm biến áp thuộc dự án điện mặt trời áp mái, Bộ Công thương đã có văn bản hướng dẫn; vì vậy, Ban Quản lý Dự án 7 đề nghị UBND huyện Vạn Ninh phối hợp với Sở Công thương giải quyết dứt điểm vướng mắc, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công trước ngày 30-8. Trường hợp, sau thời gian trên vẫn chưa di dời, đề nghị địa phương xem xét phương án bảo vệ thi công hoặc tổ chức cưỡng chế di dời theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm: Hiện nay, công trình đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tiến độ tốt nhất trong 12 dự án thành phần cao tốc đang triển khai trên cả nước. Vì vậy, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải tận dụng lợi thế về mặt bằng hiện có, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình đi vào hoạt động đúng dịp 30-4-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Muốn tiến độ đáp ứng yêu cầu đặt ra, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và sở, ngành liên quan tích cực phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư, sớm có mặt bằng để thi công phần còn lại.
Dự án thành phần cao tốc Vân Phong - Nha Trang qua Khánh Hòa dài hơn 83km (đi qua 4 huyện, thị xã: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh).
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 1-2023.