Công thức tính thuế đối ứng của Mỹ
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vừa công bố công thức tính thuế đối ứng sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với toàn bộ đối tác thương mại.

Tổng thống Trump vừa công bố mức thuế đối ứng với hàng chục quốc gia. Ảnh: Reuters.
Theo đó, thuế đối ứng được tính dựa trên mức thuế cần thiết để cân bằng thâm hụt thương mại song phương giữa Mỹ và từng đối tác thương mại. Phép tính này giả định rằng tình trạng thâm hụt thương mại lâu nay là do sự kết hợp của các yếu tố thuế quan và phi thuế quan, khiến thương mại không đạt đến trạng thái cân bằng. Thuế quan có tác dụng trực tiếp làm giảm nhập khẩu.
Mức thuế đối ứng dao động từ 0% đến 99%, với mức trung bình không trọng số là 20% và mức trung bình có trọng số theo nhập khẩu là 41%.
Đưa thâm hụt thương mại song phương về 0
Mỹ đang tính toán mức thuế đối ứng sao cho có thể đưa thâm hụt thương mại song phương về 0.
Theo lý giải từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, mặc dù các mô hình thương mại quốc tế thường giả định rằng thương mại sẽ tự cân bằng theo thời gian, thực tế, Mỹ đã duy trì thâm hụt tài khoản vãng lai liên tục trong 5 thập kỷ. Điều này cho thấy giả định cốt lõi của hầu hết mô hình thương mại là không chính xác.
Sự mất cân đối thương mại có nhiều nguyên nhân, trong đó, các yếu tố thuế quan và phi thuế quan đóng vai trò chính.
“Các rào cản quy định đối với hàng hóa Mỹ, yêu cầu đánh giá môi trường, chênh lệch thuế tiêu dùng, chi phí tuân thủ, thao túng tiền tệ và định giá thấp đều góp phần làm méo mó cán cân thương mại. Hậu quả là nhu cầu tiêu dùng của Mỹ bị chuyển ra khỏi nền kinh tế trong nước sang nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến việc hơn 90.000 nhà máy ở Mỹ phải đóng cửa kể từ năm 1997 và lực lượng lao động sản xuất giảm hơn 6,6 triệu việc làm (hơn 1/3 so với mức đỉnh điểm)”, cơ quan này nhận định.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cũng cho rằng việc tính toán riêng lẻ ảnh hưởng của hàng chục nghìn chính sách thuế quan, quy định, thuế và các chính sách khác của từng quốc gia là rất phức tạp, nếu không muốn nói là bất khả thi. Tuy nhiên, cơ quan này có thể ước lượng ảnh hưởng tổng hợp của các chính sách này bằng cách tính mức thuế có thể đưa thâm hụt thương mại song phương về 0.
Nếu thâm hụt thương mại liên tục do các chính sách thuế quan và phi thuế quan, mức thuế có thể bù đắp các chính sách này là hợp lý, công bằng.
Phương pháp cơ bản
Giả sử Mỹ áp dụng mức thuế suất τᵢ đối với nước i, và Δτᵢ phản ánh mức thay đổi thuế quan. Gọi ε < 0 là độ co giãn của nhập khẩu theo giá nhập khẩu, φ > 0 là mức độ chuyển tiếp từ thuế quan sang giá nhập khẩu, mᵢ > 0 là tổng nhập khẩu từ nước i, và xᵢ > 0 là tổng xuất khẩu. Khi đó, mức giảm nhập khẩu do thay đổi thuế quan là ∆τ_i*ε*φ*m_i<0.
Giả định rằng ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái và cân bằng tổng thể là không đáng kể, mức thuế đối ứng có thể được xác định bằng cách giải phương trình đảm bảo cán cân thương mại song phương bằng 0.
Công thức tính mức thay đổi thuế quan như sau:

Căn cứ tính thuế đối ứng
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết đã sử dụng dữ liệu nhập khẩu và xuất khẩu từ Cục Điều tra Dân số Mỹ năm 2024 để tính thuế đối ứng. Các tham số ε và φ được lựa chọn dựa trên nghiên cứu trước đó.
Độ co giãn của cầu nhập khẩu, ε, được đặt là 4.
Bằng chứng gần đây cho thấy giá trị này dao động quanh mức 2 trong dài hạn. Một số nghiên cứu khác cho rằng ε có thể cao hơn, từ 3-4.
Độ co giãn giá nhập khẩu theo thuế quan, φ, là 0,25.
Các dữ liệu gần đây về thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc cho thấy mức chuyển tiếp thuế quan vào giá bán lẻ khá thấp.
Kết quả
Mức thuế đối ứng được thiết lập từ 0% đến 99%, với một số giới hạn thấp hơn để giảm sự biến động quá mức giữa các quốc gia.
Trung bình không trọng số giữa các quốc gia có thâm hụt thương mại là 50%.
Trung bình không trọng số toàn cầu là 20%.
Trung bình có trọng số theo nhập khẩu giữa các quốc gia có thâm hụt thương mại là 45%. Trung bình có trọng số toàn cầu là 41%. Độ lệch chuẩn dao động từ 20,5 đến 31,8 điểm phần trăm.