Công tác xóa mù chữ ở Tây Nguyên: Người lớn tuổi dễ bỏ học

Nhiều địa phương trong khu vực Tây Nguyên đã đẩy mạnh công tác xóa mù chữ với các lớp học miễn phí, song vẫn gặp thách thức.

Trong buổi buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh một trong những việc cần làm ngay là có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, tại nhiều địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên, công tác xóa mù chữ đã mang lại những chuyển biến tích cực, minh chứng qua số lượng lớp học được mở rộng và sự hưởng ứng của cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai của địa phương còn đối diện với một số khó khăn nhất định.

Người lớn tuổi dễ bỏ học vì vẫn phải tham gia lao động sản xuất vào ban ngày

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum nhận định, công tác xóa mù chữ tại địa phương đã đạt được những bước tiến nhất định, song vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế.

 Một lớp học xóa mù chữ của huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: NVCC)

Một lớp học xóa mù chữ của huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: NVCC)

Theo ông Hoàng, hiện nay, trên địa bàn có 4 lớp học với khoảng 97 học viên, chủ yếu là người lớn tuổi. Những lớp học này thường phải triển khai vào buổi tối để phù hợp với thời gian của người học, đa số là những người tham gia lao động sản xuất ban ngày.

Một trong số những khó khăn trong quá trình thực hiện là tài liệu giảng dạy. Mặc dù đã có tài liệu giảng dạy từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng giáo viên vẫn phải linh hoạt điều chỉnh nội dung theo nhu cầu thực tế của người học, từ việc tập trung dạy đọc, viết cơ bản đến hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin sơ cấp.

“Lực lượng giảng dạy chủ yếu hiện nay là giáo viên tại địa phương, tuy nhiên nguồn lực này còn hạn chế, đặc biệt ở những khu vực xa xôi do thiếu sự hỗ trợ từ các tổ chức khác. Ngoài ra, cơ sở vật chất tại các điểm học tập còn đơn sơ, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập lâu dài.

Mặc dù việc học là miễn phí và mỗi học viên được hỗ trợ 500.000 đồng/ chương trình học, nhưng khoản hỗ trợ này không đủ để bù đắp chi phí di chuyển hoặc thời gian tham gia học tập, nhất là đối với những học viên ở xa. Bên cạnh đó, các thầy cô tham gia giảng dạy cũng chưa được hỗ trợ nhiều về phụ cấp, gây khó khăn cho việc duy trì các lớp học.

Chưa kể, nhận thức của một số người dân về tầm quan trọng của việc biết chữ vẫn chưa cao. Do đó, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cần có giải pháp cụ thể để nâng cao nhận thức cộng đồng và đảm bảo việc xóa mù chữ thực sự mang lại hiệu quả lâu dài”, ông Hoàng nêu quan điểm.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khóa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk bày tỏ, công tác xóa mù chữ không chỉ là nhiệm vụ mang tính cấp bách trong công cuộc phát triển giáo dục mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa, kinh tế và xã hội của người dân tại những khu vực khó khăn.

Theo ông Khóa, các lớp học xóa mù chữ ở địa phương thường tập trung vào đối tượng là người lớn tuổi, những người chưa từng được tiếp cận giáo dục chính quy. Đặc biệt, các lớp học thường được tổ chức vào buổi tối để phù hợp với lịch trình lao động của người học. Mục đích của những lớp học miễn phí này không chỉ giúp học viên học chữ mà còn tích hợp dạy các kỹ năng cơ bản để họ có thể áp dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày như đọc thông tin y tế, sử dụng điện thoại di động hoặc quản lý chi tiêu.

Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác xóa mù chữ gặp không ít khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực. Giáo viên ở các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa thường thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Mặc dù các giáo viên tham gia giảng dạy đều tâm huyết, nhưng điều kiện làm việc khó khăn và phụ cấp chưa đủ hấp dẫn khiến việc thu hút và giữ chân giáo viên trở thành bài toán nan giải. Nhiều lớp học xóa mù chữ không có giáo viên chuyên trách mà phải huy động tình nguyện viên hoặc giáo viên từ các trường phổ thông.

Thêm vào đó, cơ sở vật chất tại các lớp học thường rất đơn sơ, thiếu ánh sáng, bàn ghế và tài liệu giảng dạy. Một số địa phương khác còn phải mượn tạm nhà văn hóa thôn hoặc các cơ sở cộng đồng để làm lớp học. Trong khi đó, nhiều học viên lớn tuổi không đủ thời gian hoặc sức khỏe để tham gia đều đặn, dẫn đến tỷ lệ bỏ học cao. Mặc dù học viên đã nhận được khoản hỗ trợ từ nhà nước nhưng không đủ để trang trải chi phí đi lại, sách vở.

 Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Website Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk)

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Website Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk)

"Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực vận động của các cấp chính quyền địa phương, ngành giáo dục và các tổ chức xã hội, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi lao động đã tăng đáng kể và một số khu vực đạt gần 99% người biết chữ trong nhóm tuổi thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, địa phương đã sử dụng các mô hình linh hoạt như lớp học lưu động hoặc dạy học theo nhóm nhỏ góp phần khắc phục khó khăn về địa lý và thời gian cho người học”, ông Khóa nêu quan điểm.

Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Ngọc Thiết - Cán bộ phòng Giáo dục thường xuyên và Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, trong những năm gần đây, công tác xóa mù chữ đã và đang được triển khai tích cực tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa.

Theo ông Thiết, tại một số nơi, số lượng lớp học xóa mù chữ đã tăng lên đáng kể với hơn 250 lớp đang hoạt động, phục vụ gần 6000-7000 học viên. Các lớp học này chủ yếu dành cho những người lớn tuổi, trong độ tuổi lao động và những người không có điều kiện học tập trước đây. Các lớp được tổ chức miễn phí, đồng thời còn có các chương trình hỗ trợ tài liệu học tập, nhằm khuyến khích người dân tham gia.

Tuy nhiên, công tác này cũng gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình triển khai. Một trong những thách thức lớn nhất là việc học viên thường xuyên phải gián đoạn việc học do phải tham gia lao động sản xuất. Do đó, việc cân bằng giữa thời gian học và làm của học viên đòi hỏi sự linh hoạt từ phía các lớp học, trong đó có tổ chức các lớp học vào buổi tối.

Công tác quản lý và vận hành các lớp học xóa mù chữ cũng đặt ra nhiều vấn đề cho địa phương. Trong đó, việc đảm bảo chất lượng giảng dạy, theo dõi tiến độ học viên và động viên học viên duy trì việc học vẫn là bài toán cần giải quyết. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các cơ quan giáo dục, các lớp học vẫn duy trì đều đặn và hoàn toàn miễn phí, giúp người học vừa giảm gánh nặng tài chính vừa tạo động lực để những người chưa biết chữ tham gia học tập, góp phần nâng cao tỷ lệ biết chữ.

“Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các tổ chức xã hội và sự tham gia tích cực của cộng đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đạt mục tiêu xóa mù chữ bền vững, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực, mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho toàn xã hội”, ông Thiết bày tỏ.

Nâng cao nhận thức cho người học về tầm quan trọng của việc biết chữ, biết viết

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum kiến nghị thực hiện đồng bộ một số giải pháp.

Thứ nhất, chính quyền địa phương cần xem xét tăng mức hỗ trợ tài chính cho người học giúp giảm gánh nặng về chi phí đi lại và thời gian tham gia học tập. Đồng thời, các thầy cô tham gia giảng dạy cũng cần được nhận phụ cấp xứng đáng để khuyến khích họ gắn bó với công việc giảng dạy. Từ đó góp phần đảm bảo sự ổn định trong việc tổ chức lớp học, tạo điều kiện để tăng tỷ lệ người biết chữ.

 Các lớp học xóa mù chữ chủ yếu là người lớn tuổi học. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cung cấp)

Các lớp học xóa mù chữ chủ yếu là người lớn tuổi học. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cung cấp)

Thứ hai, địa phương cần nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua việc tổ chức các buổi tuyên truyền tại các thôn, bản về ý nghĩa và lợi ích của việc biết chữ, không chỉ dừng lại ở việc đọc và viết mà còn giúp người dân tiếp cận thông tin, áp dụng công nghệ và cải thiện đời sống. Ngoài ra, địa phương có thể sử dụng các hình thức tuyên truyền sáng tạo như phát thanh, video hoặc các tấm gương điển hình để thúc đẩy tinh thần học tập trong cộng đồng.

Thứ ba, địa phương tích cực huy động nguồn lực xã hội như kêu gọi sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân có tấm lòng để hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất và vật dụng học tập. Ngoài ra, khuyến khích các đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên tham gia hỗ trợ công tác tổ chức lớp học.

Đồng quan điểm trên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đề xuất, để nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ, các địa phương cần chú trọng đầu tư cải thiện cơ sở vật chất tại các điểm học tập, đảm bảo không gian học tập an toàn, sạch sẽ, đầy đủ ánh sáng, bàn ghế và bảng viết. Nếu điều kiện cho phép, các địa phương nên trang bị thêm các thiết bị hỗ trợ như máy chiếu hoặc thiết bị điện tử để tạo sự sinh động, hứng thú trong giảng dạy.

Việc xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên trách cũng là yếu tố then chốt mà địa phương cần tích cực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Ngoài việc tận dụng giáo viên địa phương, địa phương cần có chính sách tuyển dụng, đào tạo giáo viên chuyên trách với kỹ năng giảng dạy phù hợp cho người lớn tuổi và người dân tộc thiểu số.

“Công tác xóa mù chữ cần được gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, thông qua việc lồng ghép các nội dung học tập với kỹ năng thực hành như đọc tài liệu kỹ thuật, quản lý sổ sách, hay áp dụng kiến thức vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, địa phương cũng cần xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá hiệu quả các lớp học, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời, đồng thời thu thập ý kiến phản hồi từ học viên và giáo viên để hoàn thiện chương trình.

Chỉ khi thực hiện tốt những điều này, công tác xóa mù chữ mới thực sự phát huy hiệu quả, mang lại hy vọng về một tương lai không còn người mù chữ, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững cho cộng đồng”, ông Khóa nêu quan điểm.

Thu Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cong-tac-xoa-mu-chu-o-tay-nguyen-nguoi-lon-tuoi-de-bo-hoc-post247670.gd
Zalo