Công tác phòng, chống giảm thiểu thiệt hại do thiên tai ở Điện Biên: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Đứng trước tình trạng thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp, khó lường, công tác cảnh báo, di dời người và tài sản khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất luôn được chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc di dời các khu dân cư cũng đang gặp không ít khó khăn bởi thiếu nguồn lực và quỹ đất tái định cư khiến nhiều hộ dân vẫn 'cố thủ' không chịu di dời.

Nhiều hộ dân vẫn ở trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét

Nằm trong vùng đất yếu, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, nhưng 81 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) vẫn hằng ngày phải đối mặt với hiểm nguy rình rập trong mùa mưa lũ. Mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng huyện Tủa Chùa đã chủ động tuyên truyền, vận động các hộ dân này di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, nhưng không hiểu vì lý do gì, các hộ dân vẫn chưa di dời đến nơi an toàn.

Nhiều hộ dân ở bản Búng, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) vẫn sống trong khu vực sạt lở đất dù đã được chính quyền địa phương căng dây, vận động di dời.

Nhiều hộ dân ở bản Búng, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) vẫn sống trong khu vực sạt lở đất dù đã được chính quyền địa phương căng dây, vận động di dời.

Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi có mặt tại bản Là Xa, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa và được biết, dù sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, nhưng hiện gia đình ông Vàng A Su với 5 nhân khẩu vẫn chưa thể di chuyển đến nơi an toàn. Theo lời kể của ông Su và người dân bản Là Xa, nhiều năm nay, mỗi khi vào mùa mưa, khu vực này thường xảy ra sạt lở đất, đá nhưng ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, năm nay mưa nhiều hơn khiến cho các vết nứt sạt trên sườn đồi ngày một rộng, nguy cơ sạt lở lượng lớn đất đá có thể xảy ra nếu mưa to kéo dài. Mặc dù các cấp chính quyền địa phương đã tuyên truyền, cảnh báo, nhưng gia đình ông Su và nhiều hộ dân khác vẫn chưa thể di chuyển được vì không có quỹ đất ở. Vì thế, biết là rất nguy hiểm, nhưng các hộ dân vẫn khắc phục tạm thời qua mùa mưa.

Ngôi nhà anh Mùa A Chinh, ở bản Tả Phìn, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) bị đất đá sạt lở vây quanh.

Ngôi nhà anh Mùa A Chinh, ở bản Tả Phìn, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) bị đất đá sạt lở vây quanh.

Được biết, hiện toàn huyện Tủa Chùa có 132 hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ cao sạt lở và lũ quét. Ngoài ra, còn có 7 trường học, điểm trường và 2 tuyến đường giao thông có nguy cơ bị sạt lở đất, đá vào mùa mưa.

Quá trình tìm hiểu tại một số địa phương khác, chúng tôi được biết, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng là một trong những nơi nằm trong vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng do lũ quét, sạt lở đất. Toàn xã có 187 hộ dân hiện đang sinh sống trong vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét lớn. Trước đó, trận mưa ngày 14-7 đã gây ra tình trạng sạt lở ta luy dương khiến 8 hộ dân của bản Búng, xã Búng Lao bị đất đá sạt lở vào nhà, làm thiệt hại nhiều tài sản. Hiện tại, huyện Mường Ảng có 223 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất. Nhiều năm gần đây, mỗi khi vào mùa mưa, tại các khu vực này thường xảy ra sạt lở đất, đá nhưng ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, nếu mưa to kéo dài, nguy cơ sạt lở, lũ quét cao là điều không thể tránh khỏi.

Nói về những bất cập nêu trên, ông Trần Quang Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Tuy nhiên do gặp khó khăn về mặt bằng, vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất..., nên đến nay các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở vẫn chưa được di dời…”.

Liên quan đến việc bảo đảm an toàn cho 23 hộ dân trong khu vực nguy cơ cao sạt lở đất tại bản Huổi Lắp, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé, UBND tỉnh Điện Biên đã có công văn số 3459 ngày 5-8-2024 về việc kiểm tra, đánh giá và đề xuất phương án đảm bảo an toàn cho người dân. UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo huyện Mường Nhé chủ động bố trí ngân sách dự phòng để kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói; kiểm tra, rà soát, đảm bảo nơi ở tạm của các hộ dân đảm bảo an toàn; chủ động phương án phòng chống bệnh tật và vệ sinh môi trường...

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, hiện còn gần 2.340 hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất. Bên cạnh đó, hơn 100 trụ sở cơ quan, trường học, tuyến đường giao thông… đang đứng trước nguy cơ cao bị sạt lở, lũ quét.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Chiều 4-8-2024, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã kiểm tra thực địa nơi xảy ra lũ quét tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên. Tại hiện trường, Phó thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của chính quyền địa phương cùng các ban, ngành đã giúp nhân dân di chuyển nhà cửa, tài sản; hỗ trợ tìm kiếm người mất tích và gia đình có người tử vong do lũ quét.

Tiếp tục chỉ đạo việc khắc phục hậu quả thiên tai tại Điện Biên, ngày 5-8, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên. Phó thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Điện Biên cần phát huy kinh nghiệm khắc phục sự cố theo tinh thần "4 tại chỗ", chủ động có phương án di chuyển dân khỏi vùng nguy hiểm.

 Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Điện Biên giúp người dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên khắc phục hậu quả lũ quét.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Điện Biên giúp người dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên khắc phục hậu quả lũ quét.

Đồng thuận cao với kiến nghị, đề xuất của Điện Biên về việc bố trí kinh phí thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư tại xã Mường Pồn, Phó thủ tướng cho rằng sắp xếp tại chỗ là thuận nhất, nhưng cần đánh giá toàn diện để phù hợp thực tế, phong tục tập quán của người dân và đảm bảo thích ứng với các kiểu diễn biến thời tiết cực đoan hơn.

Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên đã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân trong chủ động phòng, chống nguy cơ mất an toàn khi có mưa lũ xảy ra; kiên quyết di dời người và tài sản đối với các hộ có nguy cơ cao mất an toàn về nhà ở. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng các phương án, trong trường hợp phải tháo dỡ nhà ở để bảo vệ tài sản cho người dân, đưa các hộ dân đến ở ghép tại các hộ gia đình người thân, người quen hoặc ở tạm tại các cơ sở trường học bán trú, nhà văn hóa thôn, bản trong thời gian diễn ra mưa lũ lớn kéo dài. Xây dựng kế hoạch di dời, bố trí mặt bằng, quỹ đất tái định cư cho người dân; đẩy mạnh công tác rà soát, thống kê số hộ gia đình trong vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét để tuyên truyền, vận động hỗ trợ di dời người và tài sản đến nơi an toàn…

Một số hộ dân và trường học tại trung tâm xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) hiện vẫn nằm dưới cung sạt lở đất.

Một số hộ dân và trường học tại trung tâm xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) hiện vẫn nằm dưới cung sạt lở đất.

Tuy nhiên, hiện có một số vấn đề đặt ra tại Điện Biên, đó là nguồn lực phục vụ cho các hoạt động này gặp nhiều khó khăn; thiếu quỹ đất tái định cư, trong khi số hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở quá lớn, nên chưa thể giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hộ dân bất chấp nguy hiểm cố tình không di chuyển với lý do không muốn rời xa nơi ở cũ, anh em, họ hàng hoặc ảnh hưởng việc kinh doanh buôn bán, phong tục tập quán… Thậm chí, nhiều hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao khi chính quyền địa phương vận động di chuyển tạm thời đã quay trở lại nơi ở cũ.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết cực đoan, đặc biệt là hiện tượng lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi với mức độ ngày càng gia tăng. Vì vậy, di dời người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, sạt lở là việc làm cấp bách không thể chậm trễ mà các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên cần quyết liệt thực hiện.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của gần 30 đợt thiên tai khiến hơn 25 người chết, mất tích và bị thương; hơn 1.360 nhà bị thiệt hại, gần 1.720ha đất sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, hơn 350 con trâu, bò và 25,33ha thủy sản bị cuốn trôi. Bên cạnh đó, mưa lũ đã gây thiệt hại nhiều công trình hạ tầng về giao thông, thủy lợi…. Ước tổng thiệt hại khoảng 256,5 tỷ đồng (riêng đợt mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất từ ngày 23-7 đến 2-8 thiệt hại khoảng 211,5 tỷ đồng).

Bài, ảnh: HÀ KHÁNH và CTV

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cong-tac-phong-chong-giam-thieu-thiet-hai-do-thien-tai-o-dien-bien-can-nhieu-giai-phap-dong-bo-789640
Zalo