Công tác phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả tích cực

Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều hoạt động chuyên môn, với sự tham gia tích cực của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, góp phần giảm nguy cơ lan truyền bệnh, khống chế không để dịch xảy ra.

Phun hóa chất, khống chế ổ dịch sốt xuất huyết. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Phun hóa chất, khống chế ổ dịch sốt xuất huyết. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham mưu các cấp, các ngành ban hành văn bản triển khai biện pháp đáp ứng kịp thời, phù hợp trước nhận định, dự báo tình hình bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng có khả năng sẽ bùng phát; tăng cường các hoạt động nâng cao sức khỏe, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo chuyên môn của Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế cho tuyến dưới; phối hợp các ban ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Sử Hòa Khánh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Năm cho hay: “Thị xã Ngã Năm luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm theo hướng dẫn của ngành cấp trên. Điều đó, khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”.

Tăng cường hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Tăng cường hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát, điều tra côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết chủ động tại 10 xã, phường, thị trấn; giám sát, điều tra chiến dịch diệt lăng quăng chủ động vòng 1 năm 2024 tại 8 huyện, thị xã; giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại các địa điểm xảy ra dịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện thường xuyên công tác giám sát, xử lý ca bệnh tại những địa phương có ghi nhận ca mắc sởi (huyện Mỹ Xuyên), rubella (huyện Kế Sách), ho gà (thị xã Vĩnh Châu), viêm não Nhật Bản (huyện Kế Sách, Long Phú); giám sát xử lý dịch tay - chân - miệng (các huyện: Châu Thành, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thành phố Sóc Trăng). Từ đó, bệnh sốt xuất huyết Dengue trong năm 2024 giảm so với cùng kỳ. Đến ngày 30/8/2024, toàn tỉnh ghi nhận 774 ca sốt xuất huyết Dengue, giảm 1.784 trường hợp so cùng kỳ; ghi nhận 433 ổ dịch, giảm 661 ổ dịch so cùng năm 2023; không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Song song đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện tốt hướng dẫn về chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ, làm tăng tỷ lệ trẻ được bú sớm trong một giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tăng cường ưu tiên lồng ghép với can thiệp chăm sóc, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bao gồm cả bổ sung vi chất dinh dưỡng, tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B, giang mai cho phụ nữ mang thai; triển khai giám sát y tế trường học; thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho 16 công ty, trường học mầm non; đo quan trắc môi trường lao động cho 6 công ty.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn “Giám sát, phòng, chống và lấy mẫu đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi; thực hiện giám sát hỗ trợ hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; triển khai kế hoạch truyền thông về Ngày vi chất dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất; tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao, cân đo, tẩy giun cho trẻ toàn tỉnh đạt trên 99%.

Đồng thời, công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân được tăng cường. Qua đó, người dân nhận thức sâu sắc hơn về sự nguy hiểm của dịch bệnh và tự giác phòng, chống để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bác sĩ Trầm Thanh Nhân - Trưởng Trạm Y tế xã Lâm Kiết (huyện Thạnh Trị) thông tin: “Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn xã đạt nhiều kết quả; hoạt động phòng, chống dịch bệnh cũng luôn được quan tâm và thực hiện tốt. Đặc biệt, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe luôn được triển khai thường xuyên, liên tục với nhiều nội dung và hình thức phong phú”.

Bà Lâm Thị Hường, người dân ở thị trấn Phú Lộc (huyện Thạnh Trị) chia sẻ: “Trạm Y tế thị trấn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn tôi và người dân các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, tay - chân - miệng và các bệnh khác. Tôi luôn làm theo hướng dẫn của trạm y tế”.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thêm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thời gian qua, hoạt động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp; sự phối hợp, hỗ trợ, hợp tác của các sở, ngành, đoàn thể, sự phối hợp tốt của bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố nên công tác phòng, chống dịch bệnh và các hoạt động về y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng dân số, góp phần vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; củng cố, phát triển hệ thống kiểm soát bệnh tật từ tỉnh đến huyện”.

Biến đổi khí hậu như hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, ý thức bảo vệ sức khỏe của một bộ phận người dân còn hạn chế, lực lượng cán bộ y tế dự phòng còn thiếu, nên nguy cơ bùng phát các dịch bệnh là rất lớn nếu không có sự chung tay phòng, chống dịch của các cấp, các ngành và của từng hộ dân, từng người dân. Vì vậy, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh là biện pháp hữu hiệu nhằm giảm nguy cơ lan truyền bệnh, khống chế không để dịch xảy ra.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/suc-khoe-va-doi-song/202409/cong-tac-phong-chong-dich-benh-at-ket-qua-tich-cuc-40141a4/
Zalo