Công tác kiểm tra giám sát thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ

“Kiểm tra là một nội dung, một khâu không thể thiếu trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Kiểm tra là công việc, là nhiệm vụ trực tiếp thường xuyên của toàn Đảng”, đó là quan điểm xuyên suốt, nhất quán mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho công tác kiểm tra trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.

Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra, nắm tình hình cơ sở và dự “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” tại xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu.

Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra, nắm tình hình cơ sở và dự “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” tại xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu.

Trong những năm đầu cách mạng, nhiệm vụ kiểm tra của Đảng giao cho các cấp ủy, tổ chức đảng trực tiếp thực hiện. Do yêu cầu lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và thực hiện nghị quyết Hội nghị cán bộ (tổ chức từ ngày 3 đến ngày 6/4/1947), xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, cuối năm 1947, đầu năm 1948, Trung ương đã phân công một số cán bộ làm công tác kiểm tra, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Lê Đức Thọ.

Ngày 16/10/1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 29-QN/TW về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương do đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban. Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan chuyên trách đầu tiên của Đảng là một tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và công tác xây dựng Đảng.

Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng 9 tháng năm 2023.

Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng 9 tháng năm 2023.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951) thông qua Chính cương, Điều lệ, Tuyên ngôn của Đảng; trong đó, đã quy định: “Ban Chấp hành Trung ương, các xứ ủy, khu ủy (hoặc liên khu ủy), thành ủy, tỉnh ủy phải cử ra một số ủy viên lập thành ban kiểm tra của cấp mình”. Trung ương cũng quyết nghị: “... Ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiêm Ban Thanh tra Chính phủ, có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội”. Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ mười (tháng 3/1957) chủ trương tách Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ làm hai. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960), Ban Kiểm tra được đổi tên thành Ủy ban Kiểm tra (UBKT); UBKT được thành lập đến cấp quận ủy, huyện ủy và tương đương. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), Điều lệ Đảng quy định đảng ủy cơ sở được cử UBKT, đánh dấu bước phát triển mới khi UBKT được thành lập một hệ thống từ Trung ương đến cơ sở như hiện nay.

Từ ngày thành lập đến nay, qua mỗi nhiệm kỳ, nhiệm vụ, quyền hạn của UBKT được Đại hội toàn quốc của Đảng thảo luận, bổ sung và được ghi vào Điều lệ Đảng, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong từng giai đoạn cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết thống nhất và bảo đảm thực hiện dân chủ trong Đảng; góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giám sát tại huyện Bắc Yên.

Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giám sát tại huyện Bắc Yên.

Qua các thời kỳ cách mạng, đội ngũ các thế hệ cán bộ kiểm tra luôn tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nội bộ đoàn kết, vượt qua gian khổ, liên tục bền bỉ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây đắp nên truyền thống của Ngành: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật” và ngày 16/10/1948, ngày thành lập Ban Kiểm tra Trung ương được Thường vụ Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định là ngày Truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng.

Ngày 9/1/1963, Tỉnh ủy Sơn La lâm thời họp phiên đầu tiên đề ra chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy và cử ra Ban Kiểm tra Tỉnh ủy do đồng chí Hoàng Nó, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II (10/1963), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu Ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 3 đồng chí. Cùng với Ngành Kiểm tra của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh Sơn La đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ do cấp ủy giao, phục vụ nhiều cuộc vận động lớn làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Đảng.

Trao đổi kinh nghiệm về kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng giữa UBKT Tỉnh ủy Sơn La và Quảng Ngãi.

Trao đổi kinh nghiệm về kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng giữa UBKT Tỉnh ủy Sơn La và Quảng Ngãi.

Trải qua 15 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trực tiếp là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy Sơn La và các cấp ủy đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh Sơn La đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ do cấp ủy giao, phục vụ nhiều cuộc vận động lớn để làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Đảng như: Cuộc vận động “3 xây, 3 chống”: về chống và bài trừ tệ lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa; về kiểm tra thực hiện “chế độ lãnh đạo có kiểm tra”; Cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VII; thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Chỉ thị số 03); thực hiện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị số 05); thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa ” trong nội bộ... Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) mở rộng phạm vi, không chỉ xây dựng, chỉnh đốn đảng trong sạch, vững mạnh, mà bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị, cùng với ngăn chặn đẩy lùi, chủ động tiến công mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm suy thoái, tiêu cực và kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi “lợi ích nhóm”, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân..., góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ.

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thuận Châu giám sát tại Đảng ủy xã Chiềng Ly.

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thuận Châu giám sát tại Đảng ủy xã Chiềng Ly.

75 năm qua, đội ngũ cán bộ ngành kiểm tra Đảng luôn ý thức được rằng: Công tác kiểm tra, giám sát phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, thường xuyên lấy đó là mục tiêu để xây dựng phương hướng, chương trình hành động của mình. Mặc dù có nhiều khó khăn về lực lượng, năng lực, đội ngũ cũng như điều kiện hoạt động, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, Ngành Kiểm tra Đảng bộ tỉnh Sơn La đã từng bước trưởng thành.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trao quà cho các hộ nghèo xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trao quà cho các hộ nghèo xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu.

Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành, trước nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn cách mạng mới, Ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường tham mưu giúp cấp ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao tính chủ động, chiến đấu, giáo dục trong kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; tính nghiêm túc, tự giác trong chấp hành của các tổ chức đảng và đảng viên; chú trọng việc xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về công tác kiểm tra, giám sát.

Đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp công tác, bảo đảm thực hiện tốt chủ trương công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy phòng ngừa, lấy xây là chính.

Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 tại Trung tâm Chính trị huyện Mường La.

Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 tại Trung tâm Chính trị huyện Mường La.

Phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; các tổ chức chính trị xã hội và công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan pháp luật, tiến hành đồng bộ, gắn kết với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại địa bàn.

Ủy ban kiểm tra các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng bộ nêu cao ý thức trách nhiệm, đoàn kết, kỷ luật, khắc phục khó khăn, gian khổ, đem hết tinh thần, nghị lực đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần vun đắp, tô thắm truyền thống vẻ vang của Ngành Kiểm tra Đảng.

Ghi nhận những thành tích, UBKT Tỉnh ủy Sơn La được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2008; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2014. Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen tập thể UBKT Tỉnh ủy năm 2003, 2011, 2016. UBKT Trung ương, UBND tỉnh tặng nhiều Cờ thi đua xuất sắc và bằng khen cho UBKT Tỉnh ủy.

Lường Thị Vân Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/thoi-su-chinh-tri/cong-tac-kiem-tra-giam-sat-thuong-xuyen-toan-dien-cong-khai-dan-chu-khach-quan-than-trong-va-chat-che-Ou988CMSg.html
Zalo