Công tác đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội:Chờ thêm những 'cú hích'

Thương hiệu của 'lò' đào tạo bóng đá trẻ thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) thêm một lần được nhắc tới khi đóng góp nhiều cầu thủ cho đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2024, gồm Quang Hải, Duy Mạnh, Thành Chung, Việt Anh, Tuấn Hải. Vai trò quan trọng của những cầu thủ này trong thành công của đội tuyển là động lực của những người làm công tác huấn luyện với hy vọng tạo ra những 'cú hích' mới.

Thầy trò đội U13 thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tú

Thầy trò đội U13 thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tú

Niềm vui của những người thầy

Những ngày đầu năm 2025, không khí ở “lò” đào tạo thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội - được nhiều người gọi vui với cái tên “Hoàng Anh Gia Lâm” do địa điểm tập luyện thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm - sôi động hơn với những câu chuyện về lứa cầu thủ từng được đào tạo ở đây, nay có đóng góp quan trọng cho đội tuyển bóng đá Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2024. Nói như các thầy ở “lò” đào tạo này thì đến giờ họ vẫn đang “hái quả”.

Bắt đầu từ năm 2018, “Hoàng Anh Gia Lâm” được biết đến rộng rãi khi có nhiều cầu thủ trưởng thành từ nơi đây (Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Đức Huy, Thành Chung) góp mặt trong đội hình U23 Việt Nam giành HCB giải U23 châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc). Sau đó, trong những thành công tiếp theo của bóng đá Việt Nam như chức vô địch AFF Cup 2018, HCV SEA Games năm 2019 và 2021 đều có bóng dáng của những cầu thủ từng được đào tạo ở “Hoàng Anh Gia Lâm” - ngoài những cái tên kể trên thì còn có tiền vệ trung tâm Đỗ Hùng Dũng.

Ở kỳ AFF 2024, ngoài Quang Hải, Duy Mạnh, Thành Chung, Việt Anh, “lò Hoàng Anh Gia Lâm” còn góp Tuấn Hải, người đã đặt dấu ấn đặc biệt trong trận chung kết lượt về giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan.

Nhắc đến thành công của học trò, Phó Trưởng bộ môn Bóng đá (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Nguyễn Trọng Hồng không giấu được sự tự hào. Không tự hào sao được khi ông là một trong những HLV đầu tiên góp phần xây dựng hệ thống đào tạo tại Gia Lâm. Ông nói: “Thành công của các em cũng là niềm vui của các thầy ở đây. Đó là động lực để chúng tôi làm việc tốt hơn, tạo thêm nhiều cầu thủ tài năng cho bóng đá nước nhà”.

Theo HLV Phan Tú Anh, người trực tiếp tham gia đào tạo Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Thành Chung, Tuấn Hải… thì các thầy luôn theo dõi sự phát triển của họ, kể cả khi học trò chưa nổi tiếng, mới được chuyển giao cho đội Hà Nội T&T (sau này là Hà Nội FC) cũng như khi các em thành danh. Đội tuyển giành chức vô địch AFF Cup 2024, những người thầy đều cảm thấy ấm lòng.

Hy vọng mới

Gần 3 năm trước, các lứa của “lò” đào tạo thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội đã chuyển từ Gia Lâm về cơ sở tập luyện chính tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm). Khi tập trung tại Trung tâm, các cầu thủ trẻ có được sự chủ động hơn về sân tập cũng như việc học tập bởi Trường Văn hóa - Thể thao nằm ngay trong khuôn viên.

Tất nhiên, việc chuyển đổi môi trường là không dễ dàng khi các tuyến trẻ đã có cả chục năm quen với cách sinh hoạt, tập luyện tại Gia Lâm. Tất cả phải thích nghi, đặc biệt là với giờ học văn hóa, giờ tập luyện mới bởi khi chuyển về Mỹ Đình 2, việc trùng giờ học văn hóa với giờ tập luyện khiến ngay cả các HLV cũng phải điều chỉnh giáo án.

Ít tháng sau khi về Mỹ Đình, tuyến trẻ của bộ môn có nguồn đầu ra là CLB Công an Hà Nội. Theo “đặt hàng” từ phía CLB Công an Hà Nội, tuyến trẻ ban đầu với 3 lứa tuổi là U11, U13, U15 nay tăng thêm 2 lứa khác là U9, U17... Tháng 12-2024, “lò” đào tạo tổ chức tuyển chọn lứa cầu thủ U9-11, thu hút đông đảo em nhỏ tham dự.

Thực tế, trong gần 3 năm kể từ khi chuyển về khu vực Mỹ Đình, các tuyến trẻ bóng đá của Trung tâm chưa có thêm dấu ấn đặc biệt. Tất cả đều có nguyên nhân mà những người trong cuộc đều hiểu rằng họ cần thời gian để khắc phục, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc ăn ở, tập luyện của VĐV.

Những ngày đầu tháng 1 này, khi nhìn về chặng đường trước mắt, ông Nguyễn Trọng Hồng cho rằng có rất nhiều việc phải làm, đương nhiên trách nhiệm cũng nặng nề hơn nên từ lãnh đạo bộ môn đến các HLV đều động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để có những “sản phẩm” xứng đáng với thương hiệu “Hoàng Anh Gia Lâm”. Tất cả hy vọng rằng trong thời gian tới, khi việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống nhà ở, nhà ăn tại đại bản doanh ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội hoàn thành, công trình được đưa vào sử dụng sẽ giúp các VĐV thêm an tâm phấn đấu. Quan trọng hơn, mặt cỏ của hệ thống sân tập được nâng cấp cũng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho công tác huấn luyện kỹ - chiến thuật, tạo cú hích mới để hệ thống đào tạo tiếp tục cho ra mắt nhiều cầu thủ tài năng.

Minh An

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cong-tac-dao-tao-bong-da-tre-ha-noi-cho-them-nhung-cu-hich-690965.html
Zalo