Công tác dân vận trong ứng phó, khắc phục hậu quả bão lụt

Cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân. Qua công tác chỉ đạo ứng phó, quan tâm chia sẻ khó khăn với nhân dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 của tỉnh ta cho thấy công tác dân vận (CTDV) luôn được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương hết sức coi trọng, góp phần củng cố tình đoàn kết, hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn.

Có thể nhận thấy, không chỉ trong phát triển kinh tế - xã hội mà qua việc ứng phó với cơn bão số 3 vừa qua, CTDV càng thể hiện rõ là "cầu nối" giữa cấp ủy, chính quyền với các tầng lớp nhân dân; huy động sự tham gia của cả cộng đồng, tạo nên sức mạnh tập thể trong việc đối phó với bão lụt. Ngay khi có thông tin về cơn bão số 3, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, vận động để người dân nắm vững kiến thức, kỹ năng ứng phó với bão lũ; phòng chống khi bão lũ về đến những công việc khắc phục sau khi thiên tai xảy ra.

Ông Trần Văn Tiến, xóm 2, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục cho biết: Trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể cùng với cơ quan tuyên truyền của tỉnh thông tin về bão lũ tới nhân dân qua nhiều hình thức như: các cuộc họp của chính quyền, hội, đoàn thể, qua Báo Hà Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đài phát thanh, truyền thanh của huyện, xã... Các thông tin giúp người dân hiểu rõ tình hình, cơ chế hoạt động của cơn bão; cung cấp các hướng dẫn cụ thể về việc bảo vệ nhà cửa, chuẩn bị vật dụng thiết yếu, kế hoạch và phương án bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản. Ngoài ra, việc cảnh báo sớm về bão lũ qua các ứng dụng di động và mạng xã hội cũng được các cấp chính quyền trong tỉnh sử dụng để cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác đến người dân, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng để có phương án phòng tránh sớm. Khi bão lụt xảy ra, việc ứng dụng công nghệ đã giúp người dân tương tác trực tiếp với các cấp, ngành. Thực tế cho thấy, chính quyền các cấp đã lắng nghe, phản hồi ngay các tình huống khẩn cấp, hỗ trợ tối ưu người dân trong việc sơ tán, cứu hộ tạo sự tin tưởng, yên tâm trong nhân dân.

Cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn huyện Bình Lục quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn huyện Bình Lục quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Khi nước lũ trên sông Đáy dâng cao, Thanh Liêm là một trong những địa phương bị ảnh hưởng lớn. Trên địa bàn huyện có nhiều nơi ngập sâu thậm chí bị cô lập hoàn toàn bởi nước lũ. Đồng chí Trần Văn Thành, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Liêm cho biết: Huyện ủy, UBND huyện bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp trong việc cập nhật, theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến bão số 3; lũ trên sông Đáy để thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời cho các địa phương; thông báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh theo phương châm “4 tại chỗ”; thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão tại các xã, thị trấn... Khi mưa lụt, cán bộ, chiến sỹ Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện cùng với lực lượng dân quân, cán bộ, hội viên, đoàn viên hội phụ nữ, đoàn thanh niên... trực tiếp xuống giúp người dân vùng ngập lụt và các điểm trường, nhà văn hóa thôn dọn vệ sinh khi nước rút.

Đợt ngập lụt do bão số 3 gây ra, Thanh Liêm có gần 4 nghìn nhân khẩu, trên 42.300 gia súc, gia cầm, vật nuôi được di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra, với sự phối hợp của các lực lượng đã di chuyển khoảng hơn 8.268 vật dụng, tài sản của nhân dân... Như tại thị trấn Kiện Khê, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị trấn đã huy động trên 3 nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, đoàn viên, hội viên và nhân dân di chuyển người, tài sản và tham gia cứu hộ, chống tràn với chiều dài trên 3.165m, với số vật liệu và phương tiện đã huy động trên 2.385 m3 đất đá hỗn hợp...

Cũng trong đợt mưa lũ này, toàn tỉnh có 20 điểm đê, bối, kè xảy ra sự cố ngập lụt tràn nước vào các khu dân cư với tổng số người dân bị ảnh hưởng trên 16.300 hộ dân với khoảng trên 55.680 nhân khẩu; thiệt hại sơ bộ ước tính khoảng trên 793 tỷ đồng. Cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu luôn sát sao chỉ đạo và trực tiếp xuống vùng ngập lụt thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng, tạo nên sự gần gũi, tin tưởng của người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương. Chị Nguyễn Thị Thu (thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý) cho biết: Khi nước trên sông Đáy dâng cao, chúng tôi đã nhận được hướng dẫn di dời và bảo vệ người, tài sản, vật nuôi của chính quyền địa phương. Khi nhà bị ngập lụt, lãnh đạo các cấp trong tỉnh đã xuống tận nơi thăm hỏi, động viên và trao tặng đồ dùng, lương thực thiết yếu. Với sự động viên, hỗ trợ đó giúp chúng tôi bớt lo lắng và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trong đợt mưa lũ do cơn bão số 3 gây ra, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội luôn đi đầu trong tổ chức các hoạt động cứu trợ khẩn cấp như: cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch và thuốc cho nhân dân các khu vực bị ảnh hưởng. Đặc biệt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và lực lượng quân đội, công an trong việc sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm. Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huy động trên 1.250 lượt cán bộ, chiến sỹ (CBCS) lực lượng thường trực và trên 13.300 lượt dân quân, nhiều lượt xe ô tô, xuồng tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ, di dời dân, gia súc, gia cầm, thu hoạch lúa, chuối... CBCS Công an tỉnh luôn là lực lượng đi đầu giúp nhân dân phòng chống và khắc phục hậu quả bão lũ. Đại úy Nguyễn Hồng Nhật, Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh cho biết: Trong đợt mưa lũ 100% CBCS đơn vị trực và về các vùng có ngập lụt giúp nhân dân di chuyển tài sản, vật nuôi đến vùng an toàn. Bản thân tôi trực tiếp xuống giúp bà con nhân dân xã Mộc Nam và Mộc Bắc di dời vật nuôi bị ngập lụt đến nơi an toàn. Qua tham gia giúp đỡ bà con tôi càng thêm trân quý và thấu hiểu sự vất vả của nhân dân, từ đó giúp tình cảm quân dân càng thêm gắn bó.

Bão lũ đã đi qua, công tác khắc phục hậu quả thiên tai cũng đang được triển khai đồng bộ. Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục động viên, thăm hỏi và chỉ đạo các lực lượng, giúp đỡ người dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục lại hệ thống giao thông, điện nước. Đặc biệt, tính đến ngày 26/9, Ủy ban MTTQ tỉnh đã nhận được trên 9 tỷ đồng và nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm trị giá trên 2 tỷ đồng của cán bộ, công chức, viên chức, CBCS LLVT, các nhà hảo tâm, nhân dân đóng góp khắc phục hậu quả bão lũ. CTDV trong bão lụt là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa chính quyền và nhân dân trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cấp, ngành, sự tham gia nhiệt tình của các lực lượng và nhân dân, nhiều vùng bị ảnh hưởng bởi bão lụt đã nhanh chóng khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền.

Nguyễn Hằng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/cong-tac-dan-van-trong-ung-pho-khac-phuc-hau-qua-bao-lut-136063.html
Zalo