Công tác dân vận: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể

Thấm nhuần lời dạy của Bác: 'Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công', thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình dân vận phù hợp với thực tiễn từng địa phương, đơn vị. Phương châm 'hướng mạnh về cơ sở, đưa cán bộ, đảng viên đến gần dân hơn' đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

Lan tỏa những mô hình vì dân

Bà Trương Thanh Nga, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết thời gian qua, công tác dân vận (CTDV) của tỉnh đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động nhân dân được đổi mới, bám sát yêu cầu thực tế của địa phương với nhiều chủ trương, chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong mỗi giai đoạn, CTDV có nội dung, phương thức khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung.

Thời gian qua, Bình Dương đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay trong công tác dân vận, hướng đến chăm lo đời sống nhân dân

Thời gian qua, Bình Dương đã có nhiều mô hình, cách làm hay trong CTDV của các cấp ủy Đảng, địa phương, đơn vị. Các mô hình đã thật sự lan tỏa, nhận được sự tin tưởng, hưởng ứng của nhân dân, bởi hầu hết các hoạt động đều hướng đến người dân. Điển hình, các mô hình “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; “Dân vận khéo” gắn với các hoạt động an sinh xã hội mang lại hiệu quả thiết thực, như: “Nuôi heo đất bảo đảm an sinh xã hội”, “Camera an ninh”, “Câu lạc bộ Lý luận trẻ”, “Gần đoàn viên sát cơ sở”, “5 không 3 sạch”, “Cà phê sáng - Trao đổi với nhân dân”, “Thu gom rác vào ban đêm”,… Bên cạnh đó là các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều địa phương làm tốt trong công tác vận động nhân dân, đóng góp điều chỉnh các quy định, chính sách phù hợp với thực tế; trao đổi thống nhất bàn bạc giữa người dân với chính quyền trong việc giải tỏa đền bù…; vận động người dân với sự đồng thuận cao trong việc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, quốc gia.

Hướng về cơ sở

Đổi mới mạnh mẽ CTDV hướng về cơ sở, tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân là những nỗ lực mà hệ thống dân vận của tỉnh đã triển khai, thực hiện tốt trong năm 2024. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo về CTDV được các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện gắn với các nhiệm vụ chính trị, mang lại hiệu quả thiết thực.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Tiên, Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy Thủ Dầu Một, cho biết: “Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Thành ủy Thủ Dầu Một đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện từ thành phố đến cơ sở, góp phần vào việc vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng đô thị Thủ Dầu Một hiện đại - văn minh - giàu đẹp”.

Trong thời gian gần đây, điểm nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy về công tác dân vận là việc ban hành Đề án 02 về “Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025”. Đề án hướng tới xây dựng Bình Dương thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, thành nơi có môi trường sống tốt, đáng sống, Từ đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, hình thành thói quen để xây dựng môi trường sống văn hóa, văn minh. Đến nay, Đề án 02 trên địa bàn tỉnh đã tạo nhiều chuyển biến ấn tượng. Những hình ảnh đẹp về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ngày càng hiện hữu, lan tỏa rộng khắp…

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố được Ban Thường vụ Thành ủy triển khai thông qua phát động thực hiện các chương trình, phong trào, đề án, nhất là Đề án Nâng cao chất lượng Cuộc vận động Xây dựng “Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, gắn với việc thực hiện Cuộc vận động Phủ xanh đô thị, hướng đến xây dựng “Thành phố xanh - Thân thiện” được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào thi đua của các chi, Đảng bộ cơ sở với nhiều nội dung, hình thức phong phú; góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đến nay, các địa phương, đơn vị đã duy trì xây dựng và thực hiện có hiệu quả 47 mô hình mới, tiêu biểu phải kể đến các mô hình như “Nhà trọ nhân ái nghĩa tình”, “Cà phê sáng - Trao đổi với nhân dân” đã mang lại hiệu quả cao, nhận được sự hưởng ứng của đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn thành phố...

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định, tiến bộ càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo đà tăng trưởng kinh tế. Thực tế, ở Bình Dương, CTDV trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều điểm sáng về công tác chăm lo cho người lao động; công tác phát triển đoàn viên, tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, thực hiện tốt quan hệ lao động hài hòa và quy chế hòa giải ở cơ sở…

Bà Trương Thanh Nga, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết để CTDV thực sự là “cầu nối” góp phần củng cố mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với nhân dân, trong CTDV cần lấy nhân dân là trung tâm, là chủ thể. Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy hạnh phúc ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu…

HUỲNH THỦY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/cong-tac-dan-van-nhan-dan-la-trung-tam-la-chu-the-a338959.html
Zalo