Công tác dân vận hướng về cơ sở:Đổi mới cách làm, hiệu quả thiết thực

Đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận hướng về cơ sở, tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân là những nỗ lực mà hệ thống dân vận thành phố Hà Nội triển khai trong những tháng đầu năm 2024. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo về công tác dân vận được các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện gắn với các nhiệm vụ chính trị, mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, huyện Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao và đang trong giai đoạn hoàn thiện các tiêu chí cuối cùng để thành quận.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, huyện Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao và đang trong giai đoạn hoàn thiện các tiêu chí cuối cùng để thành quận.

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, trong 7 tháng năm 2024, công tác dân vận trên địa bàn thành phố được tiến hành theo hướng sâu sát cơ sở, đổi mới cách làm, tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính trong giải quyết những vụ việc phát sinh trong nhân dân. Đáng chú ý, phong trào thi đua "Dân vận khéo" tiếp tục được triển khai sâu rộng ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ cấp cơ sở đến cấp thành phố đã xây dựng, thực hiện được 24.254 mô hình “dân vận khéo”, gắn với việc triển khai các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó của địa phương.

Đơn cử, quận Hoàn Kiếm đã đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, chính quyền số, xã hội số, công dân số. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Khánh cho biết, quận đã xây dựng các mô hình: Thủ tục hành chính không tiền mặt, tuyến phố kinh doanh không tiền mặt, chi trả an sinh xã hội, lương hưu không tiền mặt… Đặc biệt, quận cũng lắp đặt và đưa vào sử dụng máy quét thẻ căn cước công dân gắn chíp phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các phòng khám.

Nhờ sử dụng các ứng dụng công nghệ số khi tham gia khám bệnh bảo hiểm y tế tại quận Hoàn Kiếm, chị Nguyễn Hoàng Lan cho biết, thay vì phải mang nhiều giấy tờ khi đi khám bệnh bảo hiểm y tế, đến nay, người dân chỉ cần mang căn cước công dân. Thủ tục đăng ký khám cũng diễn ra nhanh chóng và được số hóa nên tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cho người dân.

Trong khi đó, theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Thị Thu Huyền, công tác dân vận của huyện tập trung cho nhiệm vụ xây dựng huyện thành quận. Đến nay, Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao và đang trong giai đoạn hoàn thiện các tiêu chí cuối cùng để thành quận.

Chia sẻ những cảm nhận của mình, chị Nguyễn Thị Loan (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì) cho biết, được đội ngũ cán bộ dân vận tích cực tuyên truyền, vận động, nhân dân đồng tình, ủng hộ và nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua, triển khai các dự án trên địa bàn cùng chung tay, góp sức xây dựng huyện thành quận.

Là địa phương được thành phố giao thực hiện nhiều dự án quan trọng, quận Hai Bà Trưng xác định công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải thực hiện bảo đảm cân bằng lợi ích của cả chủ đầu tư và người dân, tránh xảy ra tình trạng tranh chấp kéo dài. Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng, quận đã hoàn thành nhiều dự án, trong đó phải kể đến 2 dự án lớn: Trụ sở Bộ Công an tại số 44 phố Yết Kiêu và dự án trụ sở Bộ Công an tại số 30 phố Trần Bình Trọng.

Để công tác dân vận thực sự là “cầu nối”

Biểu dương, ghi nhận những kết quả mà hệ thống dân vận thành phố đã đạt được trong những tháng đầu năm, song tại hội nghị sơ kết công tác dân vận thành phố vừa diễn ra, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là việc nắm tình hình nhân dân có lúc, có nơi chưa được kịp thời; chưa phản ánh đầy đủ những băn khoăn, bức xúc, chưa nhận định chính xác những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, hệ thống dân vận thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về triển khai thực hiện Luật Thủ đô với 99 đầu việc đã được xác định thuộc thẩm quyền của thành phố Hà Nội. Ban Dân vận các cấp ủy kịp thời tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, giải quyết những vấn đề vướng mắc, tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng…

Để công tác dân vận thực sự là “cầu nối” góp phần củng cố mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với nhân dân, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn cho biết, những tháng cuối năm 2024, hệ thống dân vận thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác dân vận, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Trong đó, hệ thống dân vận sẽ tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, hệ thống dân vận phải tích cực phối hợp nắm tình hình nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác dự báo tình hình và tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh, bức xúc trong nhân dân… Bên cạnh đó, toàn hệ thống tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của thành phố trong năm 2024.

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cong-tac-dan-van-huong-ve-co-so-doi-moi-cach-lam-hieu-qua-thiet-thuc-679010.html
Zalo