Công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hướng về cơ sở
Từ đầu năm 2024 đến nay, công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền tập trung hướng về cơ sở. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, phát huy tích cực vai trò chủ thể, nòng cốt của đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia thực hiện các công trình, phần việc tại đơn vị, địa phương. Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy khóa XI về tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận đến năm 2025.
Nổi bật, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn, người bị tai nạn lao động nhân Tháng Công nhân - Tháng An toàn vệ sinh lao động năm 2024. Các cấp Công đoàn xây dựng, bàn giao nhà “Mái ấm Công đoàn”, ký kết chương trình phúc lợi cho đoàn viên với một số cơ sở chăm sóc sức khỏe, tổ chức các phiên chợ hàng Việt về khu, cụm công nghiệp... gắn với chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024). Tháng Công nhân 2024, Công đoàn các khu công nghiệp, khu kinh tế Đồng Tháp phát động và phối hợp Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, công ty trực thuộc tổ chức “Bữa cơm Công đoàn”. Có 9 đơn vị tham gia hưởng ứng, tổ chức “Bữa cơm Công đoàn” dành cho hơn 7.500 đoàn viên, người lao động ở các khu công nghiệp, khu kinh tế Đồng Tháp không chỉ được thụ hưởng bữa ăn ngon, mà còn có cơ hội kết nối tình thâm với lãnh đạo Công đoàn, doanh nghiệp.
Ghi nhận thực tế cho thấy, “Bữa cơm Công đoàn” do Công đoàn phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức với chất lượng cao. Bình quân giá trị từ 50.000 - 55.000 đồng/suất, tăng thêm 30.000 - 35.000 đồng/suất so với bữa ăn ca hàng ngày. Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, khu kinh tế Đồng Tháp, chia sẻ: “Bữa cơm Công đoàn” không chỉ bổ sung nhiều món ăn giàu đạm, chất xơ như: thịt, cá, trứng, rau xào, canh củ quả, tráng miệng trái cây, sữa chua... mà còn được đầu tư chế biến đa dạng như: xào, hầm, kho... Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu bổ sung dinh dưỡng, tái tạo sức lao động, đa dạng hóa sự thích nghi khẩu vị của đoàn viên, người lao động.
Điển hình như “Bữa cơm Công đoàn” tại Công đoàn cơ sở Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex II đãi 1.300 đoàn viên, người lao động hay bữa ăn của Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung thực đơn đa dạng các món: vịt xào gừng, cá điêu hồng chưng tương, bắp cải xào tôm khô, canh rau thập cẩm thịt bầm và tráng miệng trái cây, sữa chua... Đây là điều mà trước đó nhiều người lao động thâm niên cũng chưa có được.
Đoàn viên Kim Anh - Công ty CP thủy sản Trường Giang (Khu công nghiệp Sa Đéc), cho biết: “Không chỉ được chiêu đãi bữa ăn ngon miệng, chúng tôi còn cảm giác như được thụ hưởng bữa tiệc tinh thần. Trong bữa cơm, không có bất cứ sự khác biệt nào giữa suất ăn dành cho lãnh đạo và suất ăn dành cho người lao động. Đặc biệt, lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn và người lao động cùng ngồi ăn chung bàn là dịp để trao đổi và lắng nghe những ý kiến đề xuất về an toàn lao động, chế độ thai sản, ngày nghỉ phép và ân cần thăm hỏi đời sống gia đình... Điều này không chỉ mang lại không khí ấm áp, mà còn tăng thêm sự gần gũi giữa người lao động với cán bộ Công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp”.
Đồng chí Lý Trọng Khang - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex II, cho biết: “Trong “Bữa cơm Công đoàn”, chúng tôi lồng ghép vào nhiều nội dung như tặng quà, “Cám ơn người lao động” và truyền tải nhiều thông điệp động viên tinh thần người lao động, như một kênh nâng cao hơn nữa ý thức lao động, chung tay sẻ chia trách nhiệm với người sử dụng lao động”. Ngoài ra, “Bữa cơm Công đoàn” không chỉ cung cấp bữa ăn ngon miệng, mà còn là nơi kết nối tình thâm để tổ chức Công đoàn có thêm kênh mới trong củng cố niềm tin của đoàn viên đối với tổ chức Công đoàn; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp. Từ đó, vun đắp môi trường làm việc chuyên nghiệp, an toàn năng động, gắn kết sẻ chia quyền lợi - trách nhiệm bền vững, lâu dài.
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có gần 1.200 mô hình mới, cách làm hiệu quả do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai, thực hiện. Những mô hình điển hình, cách làm hay trong lĩnh vực kinh tế, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện đời sống người dân. Cùng với đó, các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực xã hội huy động được các tập thể, cá nhân tích cực đóng góp tài lực, vật lực nhằm làm tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương. Từ đó, tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhân dân trên quê hương Đất Sen hồng.