Công tác cán bộ nữ: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Hà Thị Nga khẳng định, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ đã rất đầy đủ và toàn diện. Trong thực tiễn, những nơi có tỉ lệ cán bộ nữ cao thì tình hình triển khai, thực hiện nhiệm vụ rất tốt.
Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, đặc biệt của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ nữ đã được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận tại Hội thảo "Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù khu vực miền Nam" diễn ra ngày 23/8 tại tỉnh Sóc Trăng.
Hội thảo do Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Đảng Đoàn TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức.
Tại TPHCM, tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp hầu hết đều đạt và vượt chỉ tiêu. Cụ thể, 100% quận, huyện, Thành ủy Thủ Đức đều có nữ tham gia ban thường vụ. Tỉ lệ nữ trong cấp ủy quận, huyện, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt 33,23%; cấp xã, phường, thị trấn đạt 41,03%; đạt vượt chỉ tiêu tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp từ 36,49% đến 43,62%.
Đánh giá cao vai trò của cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra về công tác cán bộ nữ, thúc đẩy việc thực hiện chiến lược, chương trình Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, TPHCM đã và đang có nhiều chính sách đặc thù về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với công tác quy hoạch và bố trí sử dụng để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển đô thị.
"Để thực hiện tốt công tác phụ nữ trong tình hình hiện nay, TPHCM phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ các nội dung trong Nghị quyết 11, Chỉ thị 21 và các chương trình hành động", Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nói về kinh nghiệm của thành phố trong công tác cán bộ nữ và nhấn mạnh ở đâu mà người đứng đầu có quan tâm, quan tâm thật sự, tạo điều kiện đến công tác cán bộ nữ thì kết quả sẽ tốt.
Cũng theo ông Nguyễn Hồ Hải, để làm thực hiện tốt công tác phụ nữ, người đứng đầu địa phương, cơ quan đơn vị xác định trách nhiệm trong công tác cán bộ, nhất là đối với cán bộ nữ, quan tâm công tác quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; lựa chọn cán bộ có năng lực, uy tín, có nhiệt huyết trong công việc.
Đồng thời, đội ngũ cán bộ Hội phải không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, năng động, sáng tạo, chủ động, nhạy bén, sâu sát cơ sở; đẩy mạnh công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội LHPN các cấp.
Công tác cán bộ nữ phải nhất quán từ các cấp và liên tục
Ông Nguyễn Hồng Trà, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước khẳng định, nhận thức của các cấp ủy và người đứng đầu là yếu tố quyết định đầu tiên đối với công tác cán bộ nữ.
Hiện nay, tổng số Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước có 14 nữ (chiếm 27,45%), Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 5 nữ (chiếm 33,33%) - là tỉnh có tỉ lệ nữ tham gia lãnh đạo quản lý cao nhất trong cả nước.
Theo ông Trà, bên cạnh việc quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ thì cần mạnh dạn bổ nhiệm, nhất quát từ từ tỉnh đến xã để cán bộ có thể thử thách, thể hiện được năng lực.
Nhắc đến trình độ, năng lực của các bộ Hội, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Hồng Trà cho hay còn có tình trạng cán bộ Hội còn chưa mạnh dạn, thiếu tự tin. Do đó, ông cho rằng Hội LHPN Việt Nam phải có khung chương trình đào tạo để giúp cho cán bộ Hội các cấp có đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
"Tôi cho rằng có 3 điều quyết định cho sự thành công trong thực hiện Nghị quyết 11 đó là xác định trách nhiệm của cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu, phải nhất quán từ các cấp và phải liên tục. Phải đảm bảo được bản lĩnh, năng lực của các cấp Hội và các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ cho phụ nữ phải đồng bộ", Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang cho biết, việc quan tâm đến sự phát triển của phụ nữ được đặt trong tổng thể lãnh đạo chung; tất nhiên tỉnh cũng triển khai các đề án riêng cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đồng bào dân tộc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang cho biết, tỉnh cũng hết sức quan tâm, có quy hoạch, bồi dưỡng nhưng kết quả không được như mong muốn. Tại tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh là 16,7%; cấp huyện 19,8% và cấp cơ sở là 27,1%. "Đây là nỗi buồn riêng của phụ nữ nhưng cũng là tâm tư chung của lãnh đạo", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang chia sẻ và khẳng định lãnh đạo tỉnh luôn hết sức quan tâm đến công tác cán bộ nữ. Đồng thời mong muốn Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm đến sự phát triển của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng; qua đó sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ.
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ đã rất đầy đủ và toàn diện. Vấn đề hiện nay là khâu tổ chức triển khai, thực hiện. Thực tiễn hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra như có sự chồng chéo, thiếu sự tương thích, đồng bộ, có tính liên thông giữa các cơ chế, chính sách. Do vậy, cần phải tiếp tục có sự nỗ lực trong việc đề xuất các giải pháp.
Hiện nay, tỉ lệ phụ nữ tham chính ở các cấp còn đang nhiều vấn đề, cấp ủy rất quyết liệt nhưng khi đi vào từng vấn đề cụ thể, xuống từng cấp cụ thể thì tỉ lệ này có sự biến động, không đồng nhất.
"Trong thực tiễn, những nơi có tỉ lệ cán bộ nữ cao thì tình hình triển khai, thực hiện nhiệm vụ rất tốt", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh và mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, người đứng đầu để thúc đẩy các mục tiêu bình đẳng giới; trong đó có vấn đề liên quan đến phát huy vai trò của cán bộ nữ.