Công nhận và thực thi quyền của người di cư: Điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sự phát triển bền vững
Nhiều người di cư ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần nghèo nàn, đời sống xã hội hạn chế, thiếu thốn tình cảm gia đình... Do đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo quyền được công nhận, bảo vệ và hòa nhập cộng đồng của người di cư ở những địa phương tiếp nhận lao động di cư. Đây là một số phát hiện và kết luận chính từ nghiên cứu được chia sẻ tại Tọa đàm chuyên đề 'Di cư nội địa ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long: Vấn đề hiện nay và hàm ý chính sách' do Viện Phát triển Bền vững (thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp thực hiện, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) thông qua Chương trình nghiên cứu Hiệu quả quản trị và hành chính công ở Việt Nam (PAPI) của UNDP tại Việt Nam.
Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh hai vùng ĐBSH và ĐBSCL có quy mô công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra rộng khắp nhưng có sự khác biệt về không gian nên tạo ra những vùng với sức “kéo” và “đẩy” di cư khác nhau, dẫn tới những thách thức trong quản trị di cư nội vùng tại hai vùng đồng bằng lớn nhất Việt Nam. Nghiên cứu đã được thực hiện ở 9 tỉnh, thành phố, trong đó bốn địa phương thuộc ĐBSH - Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Nam Định; bốn địa phương thuộc ĐBSCL - Cần Thơ, Long An, An Giang và Sóc Trăng; và, một địa phương thuộc Đông Nam Bộ - Bình Dương, cũng là tỉnh tiếp nhận nhiều người di cư từ các tỉnh ĐBSCL.
Di cư mang đến đóng góp và cả thách thức cho phát triển kinh tế xã hội và công tác quản lý ở các địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy, công tác quản lý di cư được thực hiện sát sao ở ĐBSCL và có biểu hiện quá tải ở ĐBSH. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý cư trú và quản lý lao động chưa chặt chẽ. Tuy hầu hết người di cư đều thực hiện khai báo tạm trú, đăng ký cư trú nhưng người di cư chưa hiểu rõ và phân biệt giữa đăng ký tạm trú và thông báo lưu trú. Ngoài ra, chính sách ban hành và thực hiện ở cấp địa phương, cấp tỉnh còn có sự phân biệt giữa người thường trú và người tạm trú. Thậm chí nhiều chính sách chỉ quan tâm đến đối tượng hỗ trợ là người thường trú.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Sabina Stein - Trợ lý Đại diện Thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: chúng ta cần thiết lập môi trường thúc đẩy sự hòa nhập của người di cư với các cộng đồng địa phương nơi đến, xây dựng cầu nối thúc đẩy gắn kết xã hội và thịnh vượng cho tất cả mọi người. Cơ hội học tập bình đẳng cho con em của người di cư tại các địa phương đến sẽ hỗ trợrất nhiều cho quá trình hòa nhập...
Theo kết quả nghiên cứu, đa số người di cư trong mẫu nghiên cứu chưa được hưởng các phúc lợi xã hội cơ bản. Nhiều người di cư không có chuyên môn nên thường làm lao động đơn giản trong các công ty hoặc làm tự do với công việc theo mùa vụ; không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kể cả bảo hiểm xã hội tự nguyện; và chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội ở địa phương điểm đến.
Đáng chú ý, phần lớn người lao động di cư sống trong các khu nhà trọ không đủ tiêu chuẩn, chật chội, ẩm mốc, không đủ đồ dùng cơ bản, và đặc biệt không đảm bảo tiêu chuẩn về phòng chống cháy nổ. Đời sống tinh thần, tình cảm gia đình của người di cư bị chia cắt và đây là nguyên nhân của nhiều vấn đề xã hội cần được quan tâm giải quyết. Về tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông cho con cái, nhiều người di cư khó tiếp cận dịch vụ giáo dục công lập. Các cơ sở giáo dục công lập ở nhiều địa phương có biểu hiện quá tải bởi không dự báo được chính xác số lượng trẻ đến tuổi đi học trong năm học. Trẻ em di cư phải học tập trong cơ sở mầm non tư nhân với chi phí đắt đỏ hơn. Từ góc độ giới, người nữ di cư phải đối mặt với nhiều thách thức về tâm lý, xã hội và hòa nhập cộng đồng hơn người nam di cư.
Kết quả phỏng vấn người di cư ở hai vùng đồng bằng cho thấy, người di cư hầu như không tham gia quản trị địa phương và các hoạt động cộng đồng, văn hóa, thể thao ở nơi tạm trú. Hiếm khi người di cư tham gia họp và đóng góp ý kiến ở thôn/tổ dân phố và gần như không tham gia bầu cử ở nơi đến.
Dựa trên kết quả nghiên cứu thực địa ở trên và những kinh nghiệm, thực tiễn tốt ở các tỉnh, thành phố được chọn khảo sát, nhóm nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị chính sách tập trung hướng tới bảo đảm ba quyền căn bản của người di cư ở những địa phương tiếp nhận lao động di cư: công nhận, bảo vệ, và hòa nhập cộng đồng.
Để tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người di cư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng cần triển khai thực hiện quy hoạch quỹ đất và cấp phép xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, không phân biệt người thường trú hay người tạm trú. Các cơ quan chức năng tại địa phương tiếp nhận lao động di cư thực hiện đa dạng hóa hình thức cung ứng và loại hình nhà ở cho người lao động (bán, cho thuê, hỗ trợ tiền thuê nhà). Các cơ quan chức năng cũng cần chuẩn hóa và giám sát thực hiện điều kiện tối thiểu của các khu nhà trọ, phòng trọ cho lao động di cư nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, tính riêng tư, phòng chống cháy nổ cho người ở trọ.
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần khuyến khích di cư "con lắc", tạo việc làm trong khu vực nông nghiệp ở các vùng nông thôn nhằm giữ lao động ở lại. Để thực hiện việc này, các địa phương khu vực ĐBSCL cần: Tạo việc làm trong khu vực nông nghiệp, nông thôn để giữ lao động ở lại trong vùng; Thực hiện tốt chính sách giảm nghèo đa chiều và nghèo an sinh thông qua các biện pháp bảo trợ xã hội; Xây dựng mạng lưới đường xá tăng kết nối giao thông đường bộ, tạo điều kiện người di cư đi lại trong ngày giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất khuyến khích di cư theo mạng lưới giúp tăng tính vững chắc về việc làm, cuộc sống, tiếp cận dịch vụ công, bảo đảm đời sống tinh thần và hòa nhập cộng đồng của người di cư ở điểm đến. Kết quả nghiên cứu cho thấy vai trò hết sức quan trọng của chính quyền, người di cư, đơn vị cung ứng lao động, nhà thầu sử dụng lao động và cộng đồng địa phương trong việc hỗ trợ người di cư hòa nhập cộng đồng nơi đến. Đối với vùng ĐBSH, chính quyền ở những địa phương cần công khai thông tin về nhu cầu lao động, phối hợp với các địa phương cung cấp lao động tiềm năng ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Khuyến khích người di cư chủ động tìm hiểu thông tin về cộng đồng nơi đến và hòa nhập cộng đồng. Yêu cầu doanh nghiệp môi giới/cung ứng lao động cung cấp thông tin về điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa nơi đến cho người được tuyển dụng. Thúc đẩy cộng đồng địa phương nơi đến coi người di cư là một bộ phận dân cư không tách rời, thu hút sự tham gia của họ vào các hoạt động của địa phương, tôn trọng tập quán và giá trị văn hóa của người di cư.
PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hy vọng rằng kết quả nghiên cứu sẽ có những đóng góp tích cực đến thực tiễn chính sách dành cho người di cư ở Việt Nam, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ công và nâng cao chất lượng cuộc sống của người di cư ở hai vùng ĐBSH và ĐBSCL.