Công nhân Boeing đình công, các hãng bay châu Á khó nhận tàu đúng hạn

Cuộc đình công tại nhà máy Seattle làm tê liệt hoạt động sản xuất của Boeing đang gây ra sự chậm trễ trong việc giao hàng 737 Max trên khắp châu Á

 Boeing gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ giao hàng cho các đối tác. Ảnh: Bloomberg.

Boeing gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ giao hàng cho các đối tác. Ảnh: Bloomberg.

"Chiếc Boeing 737 Max đầu tiên của Vietjet có thể bị chậm trễ trong việc giao hàng. Chúng tôi đang liên lạc với Boeing để thực hiện bất kỳ điều chỉnh phù hợp nào liên quan đến lịch giao tàu bay và các điều khoản liên quan khác, đồng thời đảm bảo sự gián đoạn tối thiểu đối với kế hoạch tăng trưởng của hãng", đại diện Vietjet chia sẻ với Bloomberg.

Tháng 9/2023, Vietjet Air và Boeing đã thống nhất bổ sung các nội dung của hợp đồng đặt mua 200 máy bay 737 Max trị giá 25 tỷ USD được giao trong 5 năm tiếp theo. Dự kiến 12 máy bay đầu tiên sẽ được Boeing giao cho hãng hàng không Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên đến nay, hãng vẫn chưa được giao chiếc nào.

Theo Bloomberg, cuộc đình công tại nhà máy Seattle đã làm tê liệt hoạt động sản xuất của Boeing đang gây ra sự chậm trễ trong việc giao hàng các đơn hàng 737 Max trên khắp châu Á. Khu vực này vốn là nơi có số đơn hàng tồn đọng lớn nhất đối với nhà sản xuất máy bay hàng đầu này.

Theo dữ liệu từ Cirium, nhà sản xuất máy bay của Mỹ dự kiến phải bàn giao máy bay phản lực 981 Max cho nhiều hãng hàng không ở châu Á, dẫn đầu là Air India và Lion Air của Indonesia, vào năm 2030. Con số này chiếm gần 1/3 tổng số máy bay được giao theo lịch trình trên toàn thế giới trong giai đoạn nói trên.

Tuy nhiên, Boeing đang bất đồng quan điểm với Hiệp hội Công nhân Máy móc và Hàng không Vũ trụ Quốc tế. Do đó, đại diện cho khoảng 33.000 nhân viên của Boeing đã đình công trong gần 2 tuần.

Tương tự Vietjet, Korean Air và Japan Airlines cũng cho biết họ đang phải chịu sự chậm trễ trong việc giao hàng do cuộc đình công, dự kiến máy bay sẽ đến muộn hoặc việc bàn giao sẽ bị trì hoãn. Những hãng khác bao gồm Singapore Airlines cho biết đang làm việc với Boeing về lịch trình giao hàng trong bối cảnh nhà máy đóng cửa.

Air India và Lion Air, hai hãng hàng không tại châu Á có số lượng máy bay 737 Max lớn nhất trong thập kỷ này không chia sẻ gì thêm với Bloomberg. Giám đốc điều hành của Ryanair Holdings Michael O’Leary cho biết có tới 10 máy bay dự kiến được giao trong 6 tháng đầu năm sau có thể bị kéo dài sang nửa cuối năm.

Chuỗi cung ứng hàng không vẫn bị đứt gãy do đại dịch và các hãng hàng không châu Á đang phải vật lộn để có đủ máy bay đáp ứng nhu cầu. Cuộc đình công nói trên của công nhân Boeing chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Và khi các hãng hàng không thiếu hụt máy bay, giá vé thường tăng cao. Theo công ty tư vấn hàng không IBA, tranh chấp kết hợp với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và khó khăn kinh tế khiến việc giao máy bay trên toàn thế giới sẽ bị đình trệ vào năm 2024. Thị trường hàng không sẽ không thể quay lại mức đỉnh trước đại dịch - thời điểm năm 2018 - cho đến năm 2026.

Boeing đã không trả lời yêu cầu bình luận về bất kỳ sự chậm trễ nào đối với việc giao hàng máy bay ở châu Á.

Bloomberg nhận định việc giải quyết cuộc đình công nhanh chóng là rất quan trọng đối với Boeing để tránh gây thêm thiệt hại cho tình hình tài chính căng thẳng của hãng.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/cong-nhan-boeing-dinh-cong-cac-hang-bay-chau-a-kho-nhan-tau-dung-han-post1500216.html
Zalo