Công nghiệp Việt Nam đầy dư địa và tiềm năng hút đầu tư

Dư địa và tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp về ô tô, khoáng sản, cơ khí chế tạo, hàng không vũ trụ, sản xuất máy bay... giữa Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều để hợp tác cùng phát triển.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa hai bên.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa hai bên.

Đó là thông tin được đưa ra trong chuỗi sự kiện Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Việt Nam đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc Kim Tráng Long.

Khẳng định dư địa

Điểm lại tình hình phát triển ngành công nghiệp Việt Nam trong những năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, nhất là trong giai đoạn 10 năm (từ 2011 - 2020), công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam duy trì ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, ngành công nghiệp của Việt Nam được cơ cấu lại theo hướng giảm tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng.

Cùng với đó, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao.

“Lợi thế về vị trí địa lý gần gũi và việc Việt Nam đã tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các đối tác rộng lớn như EVFTA, CPTPP, RCEP đã giúp cho chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Trung Quốc gần gũi hơn, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của hai nước” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.

Hai Bộ trưởng tại sự kiện.

Hai Bộ trưởng tại sự kiện.

Đề ra phương hướng để thúc đẩy hợp tác công nghiệp nhanh, mạnh hơn nữa giữa Việt Nam và Trung Quốc, bên cạnh việc triển khai hiệu quả Bản thỏa thuận mới ký, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị:

Thứ nhất, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ô tô. Thúc đẩy hợp tác với một số tập đoàn/doanh nghiệp có quy mô lớn đã đầu tư tại Việt Nam, hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam trong việc triển khai sản xuất các sản phẩm xe thương mại phù hợp với định hướng của Chính phủ và thị trường Việt Nam.

Thứ hai, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng. Theo Bộ trưởng, ngành thực phẩm của Trung Quốc đang áp dụng các công nghệ tiên tiến như 5G và trí tuệ nhân tạo để cải thiện hoạt động kinh doanh trong ngành chế biến thực phẩm. Việc sử dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất của các công ty chế biến đã đem lại những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp thực phẩm tại Trung Quốc...

Cùng đó, đề nghị phía Trung Quốc phối hợp tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi và phát triển, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình áp dụng, nâng cấp dây chuyền công nghệ, giảm thiểu mức độ lãng phí nguyên liệu trong khâu chế biến thực phẩm.

Thứ ba, trong lĩnh vực khoáng sản, hai bên có thể thúc đẩy hợp tác về khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất tài nguyên, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường, phù hợp với các quy định pháp luật, tiêu chuẩn của Việt Nam.

“Bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các dự án khai thác chế biến khoáng sản có yêu cầu công nghệ và thiết bị tiên tiến, hiện đại, đảm bảo môi trường và có thị trường tiêu thụ sản phẩm” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Thứ tư, trong ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam đề nghị hai bên tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cơ chế chính sách cấp trung ương và địa phương về phát triển chuỗi cung ứng. Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp FDI Trung Quốc và doanh nghiệp nội địa Việt Nam.

Ngoài ra, đề nghị phía Trung Quốc tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài; chia sẻ thông tin, tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ cán bộ, chuyên gia của Việt Nam trong quản lý và phát triển các ngành công nghiệp.

“Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp nước ngoài quan tâm, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cơ khí, công nghiệp chế tạo... và cả những lĩnh vực năng lượng mới. Vì vậy, rất mong thúc đẩy hợp tác giữa hai bên” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất và đề nghị hai bên tập trung thúc đẩy hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng).

Hợp tác để phát triển

Đánh giá cao những đề xuất từ phía Việt Nam, Bộ trưởng Kim Tráng Long cho rằng, doanh nghiệp hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm như vật liệu thô, công nghiệp ô tô, công nghiệp điện, phối hợp phát triển hệ thống các khu công nghiệp...

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc Kim Tráng Long.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc Kim Tráng Long.

“Hiện nay nhiều hãng ô tô lớn tại Trung Quốc đã lên kế hoạch mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh vào Việt Nam. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, dựa trên nhu cầu của mỗi nước” - Bộ trưởng Kim Tráng Long thông tin và đề nghị phía Việt Nam cũng dành cho các doanh nghiệp Trung Quốc những cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp phát triển.

Liên quan đến đề xuất hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ trưởng Kim Tráng Long khẳng định, đây là lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng. “Chúng tôi sẵn sàng cùng Việt Nam đi sâu trao đổi, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên nghiên cứu, thực hiện các dự án hợp tác trong công tác thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên nguyên tắc tuân thủ các chính sách pháp luật của hai nước” - Bộ trưởng Kim Tráng Long khẳng định.

Khẳng định hợp tác ngành công nghiệp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều dư địa, Bộ trưởng Kim Tráng Long đề xuất, hai bên cần thúc đẩy, xây dựng phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp; thúc đẩy hợp tác lĩnh vực công nghiệp điện, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, và thúc đẩy phát triển công nghệ hàng không vũ trụ...

“Trung Quốc đã có trạm không gian vũ trụ riêng, do Trung Quốc tự chủ. Vừa rồi, Thái Lan cũng đã tham gia vào trạm không gian vũ trụ của Trung Quốc. Chúng tôi mong muốn, thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ là một thành viên trong đó” - Bộ trưởng Kim Tráng Long đề xuất.

Đồng thời cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam trong giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ cùng nhau thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hàng không.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, những lĩnh vực hợp tác phía Trung Quốc đưa ra đều có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu, đặc biệt trong hợp tác hàng không vũ trụ.

Do vậy, trong nhiệm vụ chức năng và quyền hạn, Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện hết sức tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cong-nghiep-viet-nam-day-du-dia-va-tiem-nang-hut-dau-tu.html
Zalo