Công nghiệp văn hóa 'vượt ngàn chông gai'
Công nghiệp văn hóa đã xuất hiện nhiều trong các chỉ đạo của ngành văn hóa. Nhưng phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng nào, đi vào chiều sâu hay chiều rộng, hay theo nhiều hướng? Điều này cần có kế hoạch bởi chúng ta không thể cùng lúc đủ tài, đủ lực thực hiện ở diện rộng. Để công nghiệp văn hóa đi vào đời sống, cần biết nắm bắt cơ hội và vượt qua những 'chông gai'...
Nhìn từ những “Anh trai...”
Có lẽ ngay cả những nghệ sĩ tham gia lẫn các nhà tổ chức 2 chương trình như "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Anh trai say hi" khi bắt tay vào thực hiện các chương trình này cũng khó tưởng tượng được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng đương đại như những gì đã diễn ra. Cứ nhìn lượng người mua vé, rồi ùn ùn kéo về địa điểm tổ chức từ nhiều tiếng trước giờ khai mạc cho thấy sức hút và sự thành công của các nghệ sĩ và nhà tổ chức.
Theo thông tin từ đơn vị sản xuất “Anh trai say hi”, chỉ riêng 2 đêm diễn tại TPHCM, hơn 78.000 khán giả đã phủ kín khán đài. Tại Hà Nội, con số này lên đến gần 100.000 người. Với “Anh trai vượt ngàn chông gai”, 2 đêm diễn tại TPHCM và Hưng Yên ước tính thu hút khoảng 50.000 khán giả, doanh thu từ các chương trình ước tính hàng trăm tỷ đồng.
Sự thành công của “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” trong năm 2024 cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam. Mặc dù thành công có yếu tố bất ngờ, song cho thấy sự nỗ lực của nghệ sĩ, và những sáng tạo đáng ghi nhận. Theo phân tích của những người am hiểu lĩnh vực này, thì format của các chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” có yếu tố mới lạ, độc đáo đã kích hoạt được tình cảm yêu mến, hâm mộ của khán giả dành cho các anh tài thuộc bất cứ lĩnh vực nghề nghiệp nào. Miễn là khán giả nhìn thấy ở họ tinh thần cầu tiến và phấn đấu.
Bà Ngô Thị Vân Hạnh - người đứng sau chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” cũng thừa nhận, format gốc của Mango TV (Trung Quốc) đã rất hay và xúc động nên nhà tổ chức chủ yếu chỉ Việt hóa bằng cách đưa yếu tố văn hóa Việt Nam vào và thấy ngay hiệu quả. Do vận dụng đủ các phong cách âm nhạc trong dòng chảy lịch sử Việt Nam, “Anh trai vượt ngàn chông gai” trở thành một gameshow ca nhạc hiếm hoi mà gia đình có thể cùng xem. Qua đó làm nên sự gắn kết thế hệ ngoạn mục.
Trong khi đó, chương trình “Anh trai say hi” là một “bom tấn thuần Việt” khiến nhiều người tò mò về những người tạo nên thành công. “Anh trai say hi” được quảng bá là “chương trình âm nhạc thực tế lần đầu tiên được sáng tạo và tổ chức bởi người Việt, cho người Việt và vì người Việt”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, bản thân rất thích ý tưởng của nhà sản xuất “Anh trai say hi”, từ cấu trúc, sáng tác, cũng như format của “Anh trai say hi” hoàn toàn là của Việt Nam. "Tôi nghĩ đó là văn hóa Việt Nam. Đặc biệt đây là điều mà nền giải trí Việt Nam đang hướng tới để có một cái gì đó của nước Việt, tạo nên sự tự hào của dân tộc. Tôi nghĩ chính điều này tạo nên sự thành công cho một chương trình giải trí" - ông Đông chia sẻ.
Nhân tố đầu tiên lý giải hiện tượng “Anh trai say hi” là việc chương trình này sở hữu những nhân tố hút view và có tầm ảnh hưởng đến phân khúc khán giả GenZ như dàn line-up với 30 gương mặt trẻ cùng với sự tiếp sức cực mạnh của MC Trấn Thành - người dẫn chương trình giải trí số 1 Việt Nam hiện tại. Tuy vậy, những yếu tố đứng phía sau mới là nhân tố quyết định thành công trước khi chương trình diễn ra. Đó là công sức lao động, nỗ lực của cả một êkíp gồm nhiều người đứng sau, trong đó có một nhân vật quan trọng là Tổng đạo diễn Vương Khang. Đây là người “nhạc trưởng” kết nối người chơi, host, quay phim, thiết kế, âm thanh… thành một chương trình giải trí nhất quán. Nếu không có nhân tố đặc biệt này, các bộ phận sẽ bị rời rạc và không thể kết tụ với nhau thành một “Anh trai say hi” hoàn thiện và đình đám như hiện tại. Trước khi làm Tổng đạo diễn của “Anh trai say hi”, Vương Khang cũng đóng vai trò tương tự ở nhiều game show đình đám như “Người ấy là ai”, “Rap Việt”... Vì thế, anh được gọi là “phù thủy top-trending” hay “đạo diễn triệu view”.
Vậy Vương Khang là ai? Vương Khang nổi tiếng từ khi còn bé với tên gọi Tý Đô. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, anh sớm bộc lộ năng khiếu, xuất hiện trong các tác phẩm như “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Nước mắt học trò”, “Cơn lốc cuộc đời”... Khi trưởng thành, Vương Khang theo đuổi con đường ca hát, từng kết hợp cùng nhiều nghệ sĩ như H.A.T, Yến Trang hay Bảo Thy... Vương Khang chính là người đứng sau thành công của Bảo Thy, Yến Trang trong các cuộc thi truyền hình thực tế cũng như ca hát.
Tiếp tục khai mở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn
Theo đánh giá của Bộ VHTTDL, 2024 là năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Trong đó, 2 chương trình “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai” với những con số kỷ lục đã tạo ra “điểm sáng” cho ngành nghệ thuật biểu diễn - lĩnh vực công nghiệp văn hóa trọng điểm của Việt Nam.
Bản thân Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại những cuộc họp quan trong dịp cuối năm cũng thường nhắc đến các đêm diễn "cháy vé" của 2 chương trình này. Theo Bộ trưởng, đối với các đơn vị nghệ thuật trong năm 2025, cần phải vươn ra thị trường, vượt “chông gai” để tìm kiếm, thu hút khán giả như các chương trình "Anh trai"…
Giới chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ của 2 chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” đã tạo cú hích lớn, giúp “phá băng” ngành công nghiệp biểu diễn nội địa, trở thành một bất ngờ lớn với những người đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp biểu diễn và âm nhạc trong năm nay. Đây là tiền đề để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho biết, qua 8 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công nghiệp văn hóa đã có sự chuyển biến tích cực, đóng góp hơn 4% GDP. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới đòi hỏi các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phải có sự thay đổi từ nhận thức đến vị trí của các ngành công nghiệp văn hóa. Theo ông Phong, ngành nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam có nhiều lợi thế, đặc biệt những concert được tổ chức gần đây có sức hút rất lớn. "Chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai” được yêu thích vì lồng ghép được những giá trị truyền thống, văn hóa dân gian. Các nhà nghiên cứu văn hóa cần nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về tác động của các chương trình này để có những định hướng phát triển. Nghệ thuật biểu diễn vẫn có tiềm năng, lợi thế và là món ăn tinh thần đặc sắc" - Thứ trưởng Hồ An Phong nói.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, năm 2024 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Từ chỗ được xem như lĩnh vực phi lợi nhuận, văn hóa giờ đây được nhìn nhận như một động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế. Những ngành như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, và du lịch văn hóa không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống, còn tạo ra giá trị kinh tế lớn. Những concert hoành tráng là minh chứng cho tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp biểu diễn Việt Nam.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, format của các chương trình dù hay đến đâu cũng chỉ đắc dụng trong một thời hạn nhất định. Khán giả luôn đòi hỏi “thực đơn” mới và format cũng sẽ phải thay đổi. Vì thế, để thu hút được công chúng, những nhà sản xuất, nghệ sĩ luôn phải sáng tạo, làm mới mình. Chia sẻ điều này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, để đi được bền vững, cần có một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, đặc biệt là sự chung tay từ các cấp quản lý và cộng đồng. Trong đó, việc tạo điều kiện thuận lợi thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực biểu diễn, những ưu đãi về thuế, nguồn vốn hoặc việc xây dựng các quỹ hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật… sẽ là động lực quan trọng giúp các nhà sản xuất dám nghĩ lớn và đầu tư dài hạn.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhìn nhận, thành công của 2 show “Anh trai” cho thấy sự sáng tạo không ngừng nghỉ của người Việt. Với những thành công này, Việt Nam sẽ có nhiều kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay để tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.
"Luôn phải xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành nghệ thuật biểu diễn, không bao giờ được tách rời khỏi những chất liệu truyền thống và ý thức sáng tạo ra được những sản phẩm mới, độc đáo. Sự kết hợp này luôn phải được thực hiện để duy trì dòng chảy văn hóa đất nước" - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nói.