Công nghiệp văn hóa Việt Nam đang ở đâu?
LTS: Gần đây, Công nghiệp văn hóa (CNVH) lại được nhắc tới rất nhiều, với những mục tiêu được đặt ra rất hoành tráng. Nhưng chúng ta thực tế hiểu về CNVH đã đủ đầy chưa và chính cái sự hiểu ấy cũng là nguyên nhân để xác định được CNVH của Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí nào?
Làm văn hóa một cách công nghiệp
Trong lần tiếp xúc với một quản lý ai-đồ (idol) của một công ty giải trí có tiếng ở Việt Nam, lần đầu tiên tôi được biết đến một khái niệm lạ lẫm: công thức nổi tiếng.
Người quản lý này nói với tôi rằng thực sự có một "công thức để một người/nhóm người có thể trở thành idol". Việc của các ê-kíp quản lý chỉ là tìm người phù hợp với công thức đó. Hát cái gì, phong cách (stylish) thế nào, nên đi với ai, và nếu là một nhóm thì nên kết hợp những thành phần ra sao.
"Công thức này thật sự có hiệu quả, dù không phải điều gì đó mới mẻ", anh ta phân tích. Ngành giải trí Việt Nam đã làm theo những gì mà các công ty giải trí Hàn Quốc đã thành thục suốt 30 năm qua: mô hình hóa con đường sáng tạo.
Ví dụ nếu xem một ban nhạc Hàn Quốc biểu diễn, bạn sẽ nhận ra công thức này trong bất cứ band K-Pop thành công nào. Trưởng nhóm thường sẽ là thành viên lớn tuổi nhất, hoặc gắn bó với công ty giải trí lâu nhất, như Taeyeon của Girls' Generation, hay Jihyo của Twice.
Một thành viên sẽ đóng vai trò "visual", là giao diện của nhóm, có tác dụng hút fan bằng thị giác và thu hút quảng cáo. Ví dụ là Yoona của Girls' Generation. Một người khác sẽ là ca sĩ chính, thường gây ấn tượng bằng các đoạn xử lý có kỹ thuật khó, như vai trò của Rose trong Blackpink.
Ngoài ra, một ban nhạc K-Pop thành công phải có một vũ công giỏi (Lisa của Blackpink chẳng hạn), một rapper ấn tượng (vì nhạc rap đang là xu thế) và một "em út" kém nổi bật hơn, nhưng dễ thương nhất trong nhóm (Yuna của nhóm Itzy).
Khi Parasite giành 4 giải Oscar vào năm 2020, những người yêu phim có thể chỉ nhìn nhận nó như một thành công điện ảnh đơn thuần. Nhưng những ai hiểu sâu về công nghiệp điện ảnh đều biết rằng đứng sau nó là CJ, một đế chế giải trí trị giá hơn 4 tỷ USD. Milky Lee, Giám đốc sản xuất của Parasite và đồng thời là Phó chủ tịch của CJ, có một nỗi ám ảnh suốt đời là "quảng bá văn hóa Hàn Quốc".
Trên đỉnh tháp, đây là một nỗ lực thực sự của ngân sách: Giai đoạn 1998 - 2005, thời điểm mà nhiều bộ phim truyền hình Hàn Quốc tràn vào Việt Nam, đầu tư cho văn hóa - nghệ thuật của Hàn Quốc tăng gần gấp đôi, từ 0,6% lên 1,05% ngân sách quốc gia. Đến năm 2023, ngân sách dành cho công nghiệp văn hóa Hàn đã lên đến 1,217 tỷ USD.
Từ bức tranh của văn hóa - nghệ thuật Hàn Quốc, có vài thứ cần rút ra về công nghiệp văn hóa: nó phải nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ lẫn các tập đoàn có kinh nghiệm về kinh doanh, và quan trọng hơn là khả năng mô hình hóa sáng tạo. Hãy tưởng tượng văn hóa là công nghệ lõi, nhưng sản xuất được những sản phẩm với số lượng lớn, kèm chất lượng và sự thỏa mãn thị hiếu bền bỉ, là dây chuyền công nghệ, chính là khả năng biến sự sáng tạo thành một công thức có thể lặp lại, nhưng không nhàm chán.
Văn hóa - nghệ thuật Việt Nam từng trải qua các giai đoạn sao chép các mô hình đơn giản, ví dụ như "phong trào" phổ nhạc Hoa những năm cuối 1990 đầu 2000: các ca sĩ chỉ cần phổ lời Việt cho nhạc Hoa và hát là nổi tiếng. Cũng như hiện tại, nhiều sản phẩm lọt vào top trending trên YouTube cũng thường bị dính nghi án đạo nhạc Hàn, Trung, trên nền âm nhạc điện tử và giọng gió bị bóp méo.
Nhưng bảo là chúng ta có nội lực để tạo ra một dạng công thức sáng tạo được mô hình hóa hay không, thì có lẽ là không. Trong top 10 phim nhiều người xem ở Việt Nam trên ứng dụng Netflix, có đến quá nửa là phim Hàn. Tôi đã thử ngồi cố xem hết số này, và thấy rằng dù không có phim đạt điểm 9 trở lên, thì toàn bộ chúng đều ở mức 6-7, và có một bộ nổi bật là "The 8 Show" cũng tạo ra một cơn sốt nhỏ, dù chưa bì được với hiện tượng “Squid Game” 3 năm trước.
Nó cũng giống cảm giác như khi xem phim truyền hình drama tình cảm Hàn những năm đầu 2000: mô-típ sẽ luôn kết thúc bằng một bi kịch kiểu như nhân vật chính bị ung thư, nhưng bạn sẽ không bao giờ cảm thấy nhàm chán. Những sản phẩm được làm từ một dây chuyền quen thuộc với những "chữ ký" rất dễ nhận biết. Nói trắng ra là những sản phẩm kiểu "công nghiệp", nhưng luôn phù hợp với thị hiếu tiêu thụ.
Trong số này, sẽ có những sáng tạo nổi bật, vào một ngày đẹp trời nào đó, và điều này có xác suất xảy ra rất cao, giống như thành công của Parasite vậy. Dù công nghiệp văn hóa không phải là ngồi chờ một kỳ tích kiểu Parasite.
Công nghiệp văn hóa là phải làm văn hóa - nghệ thuật đến một mức độ mà người ta không còn phải phân vân về sự sáng tạo nữa, vì chuyện làm một cái gì đó trong ngành này đã trở thành đơn giản như hít thở hàng ngày, một công việc thuần túy có đầu tư, gian khổ, và thậm chí là cả công thức. Hãy công nghiệp hóa sáng tạo thật sự.
Chúng ta đã có một nền sáng tạo khỏe và có tính công nghiệp cao như thế chưa? Hãy thử nghĩ về một con số: năm 1962, Tổng thống Park Chung-Hee đã ban hành một đạo luật bắt buộc các hãng phim phải sản xuất ít nhất 106 phim/năm. Tại Việt Nam, hiện giờ một năm chúng ta chỉ có khoảng 26 - 50 phim điện ảnh mà thôi.
Phạm An
Bớt hội thảo, thêm hành lang chính sách
Trong một tọa đàm mới đây về CNVH được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, một trong 3 khách mời tọa đàm là một nhạc sĩ tên tuổi. Và ở phần nói chuyện của mình, anh đã nói một câu gây bão dư luận showbiz. Đại ý, anh nhắc nhở nghệ sĩ trẻ Việt Nam về chuyện phải vươn ra thế giới thay vì manh mún "show chậu" trong nước hay livestream bán hàng mưu sinh. Lập tức, nhiều người trẻ đã đáp trả anh rằng "Chú tài năng như thế, tên tuổi lẫy lừng như thế, sao chú không vươn ra thế giới làm gương đi mà chú cứ ngồi chỉ trích như thế".
Chuyện tranh cãi kể trên thật ra cũng chỉ là vô bổ, là bên lề và chóng rơi vào quên lãng. Thực tế, nghệ sĩ Việt Nam, cả trẻ lẫn già, dù không biết một chút nào về khái niệm CNVH đi nữa thì họ cũng đang hoạt động rất mạnh mẽ trong việc tạo ra giá trị gia tăng trong ngành. Và chính họ đang góp phần rất lớn cho CNVH Việt Nam chứ không phải họ chưa làm gì cho CNVH trong nước cả.
Nhưng điều đáng nhắc tới là toàn bộ phần nói chuyện trong hội thảo ấy, chẳng có một chút nào khơi gợi cho giới trẻ hiểu thế nào là khái niệm CNVH. Và chúng ta cứ như thế, tạo ra một màn sương mù mờ về khái niệm trong khi vẫn kêu gọi phải xây dựng CNVH.
Thật ra, để hiểu CNVH không khó. Chiết tự trong tiếng Anh, nó là "Culture Industry", gồm hai phần "culture" (văn hóa) và "industry" (công nghiệp). Để dễ hiểu hơn, trong tiếng Anh còn có các khái niệm nhỏ nằm dưới khái niệm bao trùm "Culture Industry" như khái niệm Music Industry, Film Industry, Fashion Industry… Dịch nghĩa, các khái niệm nhỏ ấy lần lượt là "ngành công nghiệp âm nhạc", "ngành công nghiệp điện ảnh", "ngành công nghiệp thời trang"… Đến đây, có lẽ chúng ta đã dễ hiểu hơn về Culture Industry rồi. Hãy gọi nó là "ngành công nghiệp văn hóa" cho cụ thể hơn và dễ đánh thức sự tìm tòi của khách quan hơn.
Nhắc tới một ngành công nghiệp, chúng ta lập tức hình dung ra ngay các hoạt động, các đối tượng liên quan như hoạt động sản xuất, hoạt động phân phối, hoạt động nghiên cứu thị trường, hoạt động quảng bá… và đối tượng trong đó là sản phẩm, là nhà sản xuất, là khách hàng tiêu thụ… Bây giờ thì có lẽ mấy tiếng CNVH chắc đã không còn xa vời hay mù mịt nữa rồi. Nó rõ ràng là những hoạt động nào, đối tượng nào để góp phần thúc đẩy văn hóa đại chúng tạo ra các sản phẩm cụ thể và hướng tới những người dùng cụ thể.
Mấy năm trở lại đây, các show diễn thực cảnh ở các địa điểm du lịch được tổ chức rất thường xuyên, đều đặn và thu hút lượng khán giả rất lớn. Điển hình như những show thực cảnh ở Hội An, ở Phú Quốc. Đó chính là một hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa. Và nếu nhìn vào các show diễn ấy, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng đều được xây dựng với các mục đích rất chi tiết. Mục đích quảng bá văn hóa bản địa là thứ nhất. Mục đích thu hút du khách là thứ hai. Mục đích tạo ra một môi trường kinh doanh, dịch vụ tấp nập cho địa phương là thứ ba. Và còn vô số mục đích nữa mà các nhà đầu tư có thể kể ra. Họ phải đo lường kỹ lưỡng các nhu cầu để đặt ra các mục đích cụ thể như thế rồi sau đó các chương trình mới được xây dựng thành hình. Toàn bộ chuỗi hoạt động ấy thực tế không có chút gì mang tính nghệ thuật hay văn hóa cả. Nó hoàn toàn là các hoạt động của một ngành công nghiệp thì đúng hơn. Nhưng sản phẩm tạo ra lại là văn hóa. Và điều đó chính là một nét chấm phá của CNVH.
Với doanh thu ngày càng "kịch khung" của các sản phẩm điện ảnh trong nước cũng như nhập khẩu, chúng ta khó có thể phủ nhận được hiện nay, ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam đang khởi sắc thật sự. Song song đó, việc các Nhà hát Hồ Gươm, Nhà hát Lớn Hà Nội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia luôn cháy vé các chương trình nghệ thuật, giải trí đặc sắc cũng cho thấy công nghiệp âm nhạc đang có tiềm năng rất lớn. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch cũng bắt đầu được thiết kế tốt hơn, vượt ra cái lối suy nghĩ thông thường là đi du lịch chỉ để nghỉ dưỡng hay thắng cảnh. Ngành du lịch bắt đầu tăng tốc mạnh hơn nữa để đạt mục tiêu du khách phải quay lại chứ không phải gặp nhau một lần chia tay mãi mãi. Tất cả các hoạt động rầm rộ kể trên đều được thực hiện bởi đa số những con người không nhắc gì tới CNVH, không tham gia hội thảo về CNVH và thậm chí có người trong số họ còn không hiểu CNVH là gì. Nhưng điều đó có quan trọng không? Thực tế là không. Điều quan trọng nhất phải là những người hoạch định chính sách hiểu CNVH là gì còn những người thực hành CNVH có đủ điều kiện để khai thác tối ưu thế mạnh của mình.
Thực tế, chúng ta tổ chức quá nhiều hội thảo về CNVH mà lại chẳng đóng góp gì cho việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa cả. Sự vô bổ của chúng chưa phải là thảm họa mà sự lãng phí cả thời gian lẫn của cải cho các hội thảo vô bổ kia mới là thảm họa. Trong khi ấy, các chính sách hành lang nhằm thúc đẩy các ngành văn hóa có thể công nghiệp hóa chính mình tốt nhất thì lại ít được quan tâm tới. Đơn cử như ở công nghiệp điện ảnh. Những phim nghệ thuật ra rạp thường chắc chắn lỗ nặng. Đầu tư cho một bộ phim, chi phí tiết kiệm nhất cũng phải tính bằng triệu USD. Lỗ thì ai còn dám làm phim nữa. Trong khi đó, áp lực suất chiếu, áp lực cạnh tranh từ phim nhập ngoại thì vô cùng nặng nề. Vậy thì Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính đã có chính sách nào để thúc đẩy các nhà làm phim trong nước đây? Chỉ cần một hỗ trợ như giảm, thậm chí miễn thuế cho phim nghệ thuật sản xuất trong nước cũng đủ để chủ rạp kiên nhẫn hơn với các phim kén khán giả này và không ép chúng phải rời rạp quá sớm. Nhưng gần như chúng đã bị bỏ mặc, để bước vào một cuộc cạnh tranh quyết liệt và không cân sức. Như vậy, CNVH đang được thúc đẩy hay đang bị đặt ra các rào cản vô hình đây?
Tôi có một người bạn quen mà hơn 10 năm nay anh vẫn miệt mài theo đuổi ý tưởng làm một bộ phim hoành tráng, sử thi về dân tộc Việt Nam. Anh muốn nó đồ sộ như phim Hollywood và khi nhìn vào các phác thảo hình tượng các nhân vật của anh, tôi thực sự khâm phục và tin rằng nếu có nhà đầu tư tâm huyết, đó có thể là một bộ phim ở tầm vóc quốc tế. Và cốt truyện của phim cũng rất hấp dẫn, có khả năng thu hút được những người xem thế hệ trẻ, tức là thế hệ tiêu thụ. Nhưng gõ mọi cánh cửa, anh chỉ nhận được sự lắc đầu. Và tôi chợt nghĩ, giá như bớt hội thảo đi, dùng tiền ấy để nhà nước đặt hàng một bộ phim như thế, chắc chắn nó có ích hơn cho ngành CNVH Việt Nam nhiều lần.
Khi đã xác định được CNVH là gì, điều cần thúc đẩy là các nghiên cứu đánh giá về khách hàng tiềm năng để thiết kế các sản phẩm văn hóa phù hợp. Khi đã có một chiến lược dài hơi, mang tính quốc gia về sản phẩm văn hóa với đối tượng tiêu thụ cụ thể, cần có các chính sách mở cửa thông thoáng để các hoạt động sản xuất, kinh doanh những sản phẩm như thế có thể phát huy hết tiềm năng của mình. Đó là điều cần làm hơn rất nhiều cho CNVH Việt Nam chứ không phải các hội thảo mà ngay cả diễn giả của chúng cũng chưa hiểu CNVH cụ thể là như thế nào.
Chỉ một chi tiết nhỏ, chúng ta có thể nhìn thấy CNVH Việt Nam cần những gì. TP Hồ Chí Minh vốn được xem là cái nôi tiêu thụ nhạc nhẹ nói riêng và âm nhạc nói chung của cả nước. Ấy vậy mà bây giờ, Hiệp hội Ghi âm Việt Nam đang làm gì? Sống thực vật. Và cả TP Hồ Chí Minh có được bao nhiêu nhà hát đủ tầm vóc để các chương trình lớn của quốc tế có thể đặt chân tới? Gần như là con số không. Chợt nhớ, cách đây vài năm, nhiều "ngụy biện gia" còn lớn tiếng ngăn cản việc xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm với luận điệu "nhân dân không cần nghệ thuật". Và cũng chính luận điệu đó đã làm chùn tay các nhà quản lý vì họ sợ, họ ngại dư luận. Kết cục, từ một thị trường văn hóa nhộn nhịp, TP Hồ Chí Minh đang tụt hậu dần so với Hà Nội và các đô thị lớn khác.
CNVH cần hành động chứ không cần nói suông. Cần tăng cường chính sách, tăng cường nghiên cứu, thiết kế sản phẩm. Để tạo ra CNVH mạnh mẽ, cần tạo ra thị trường văn hóa mà ở đó, đối tượng quan trọng nhất luôn phải là người tiêu dùng.
Hà Quang Minh
Nỗi lo sa vào công nghiệp… phản văn hóa
Khi khái niệm "công nghiệp văn hóa" được đề xuất vào giữa thế kỷ trước, thực ra nó được đề cập với tư cách một thế lực phản diện.
Khi hai học giả Đức Theodor Adorno và Max Horkheimer nhắc đến "công nghiệp văn hóa" lần đầu tiên vào năm 1947, họ đặt nó trong một quan hệ tương phản với "văn hóa đích thực". Hiểu đơn giản, quan niệm này cho rằng khi sản phẩm văn hóa được sản xuất công nghiệp, biến thành hàng hóa, thì quần chúng chỉ còn mỗi một việc là tiêu thụ chúng, triệt tiêu khả năng tưởng tượng và suy nghĩ độc lập của con người. Adorno và Horkheimer thậm chí còn tin rằng công nghiệp văn hóa là một công cụ của giai cấp cai trị để kiểm soát đám đông.
Cách định nghĩa này đến nay đã nhiều phần lạc hậu. "Công nghiệp văn hóa" không còn bị giới hạn như những bộ phim hay tiểu thuyết rập khuôn mà các học giả theo trường phái tinh hoa kia nhìn thấy trong thế kỷ 20. Nhiều sản phẩm văn hóa thậm chí trở thành công cụ để người ta phát huy chủ nghĩa cá nhân: đơn cử, các game thủ, cùng "chơi một trò chơi điện tử" nhưng nhiều người trở thành thần tượng truyền cảm hứng nhờ vào sự sáng tạo của họ. Hay những tour du lịch văn hóa về các miền đất có nền văn minh lâu đời như Nepal hay Ấn Độ, thậm chí còn trở thành nơi người ta tìm thấy bản ngã của mình.
Nhưng chỉ cần bạn dành vài ba tiếng trên các nền tảng mạng xã hội, bạn sẽ thấy phản biện của hai học giả người Đức vẫn còn nhiều giá trị suy ngẫm. Chỉ một chút sơ hở, chúng ta sẽ nhân danh văn hóa chỉ để làm công nghiệp, và tạo ra những sản phẩm công nghiệp phản văn hóa.
Bạn bè tôi nhiều người đến tuổi đã đủ tiền mua đất cất nhà. Và rất nhiều người trong số họ tiêu dùng một thứ sản phẩm công nghiệp rất đặc trưng của thời đại: các bản vẽ bán sẵn. Nhanh, tiện, rẻ. Các văn phòng kiến trúc công khai quảng bá các motif nhà cửa được dựng sẵn; không ngần ngại giao cho khách hàng những bản vẽ lấy thẳng từ thư viện - gần như không có hàm lượng cá nhân hóa; hay thậm chí một số công ty còn lập cả "thư viện bản vẽ" để khách hàng lên chọn như mua rau.
Kiểu xây nhà này phản bội mọi hiểu biết của tôi về kiến trúc, trong tư cách một lĩnh vực học thuật. Nó cũng phản bội mọi cảm nhận của tôi về xây nhà, như một tập tính văn hóa của cộng đồng.
Trong tư cách lĩnh vực học thuật, mọi sinh viên bước chân vào cổng trường kiến trúc sẽ được học tôn chỉ đầu tiên của Ludwig Mies van der Rohe và Le Corbusier: "Hình thức đi theo công năng". Họ sẽ được khuyên đọc các cuốn sách về giải phẫu, về mối quan hệ giữa cơ thể con người và không gian sống. Họ được dạy về khí hậu của vùng đất nơi họ sẽ hành nghề. Nôm na, kiến trúc là một lĩnh vực nghiên cứu về cách sống của con người, trong tư cách các cá thể, giữa môi trường sống của riêng họ, chứ không phải là việc trang trí một cái hộp.
Trong tư cách một tập quán, xây nhà cũng là một thảo luận văn hóa trọng đại. Nó không chỉ diễn ra giữa chủ nhà với người xây, giữa các thành viên trong một gia đình, giữa chủ nhà với cộng đồng và thiên nhiên xung quanh, mà còn là cuộc thảo luận giữa chủ nhà với chính nội tâm của mình. Cuộc thảo luận này là một quá trình tự khám phá kỳ diệu mà một kiến trúc sư hiểu biết phải đóng vai bác sĩ tâm lý giúp gia chủ đi qua.
Nhưng nó đã bị biến thành hàng hóa công nghiệp. Và thứ này rất hấp dẫn trong hoạt động tiêu dùng. Nhanh, tiện, rẻ.
Trước khi bàn đến chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, chúng ta cần bàn đến việc mình không cần đầu tư phát triển cái gì. Giống như thị trường thực phẩm sẽ tự đẻ ra những thứ "nhanh, tiện, rẻ" và phản dinh dưỡng; thị trường giải trí cũng sẽ đẻ ra những thứ "nhanh, tiện, rẻ" và phản văn hóa. Tiêu thụ một chút lúc buồn chán cũng chẳng sao, nhưng dùng nhiều ắt suy dinh dưỡng (thể thấp còi hoặc thể béo phì).
Có bao nhiêu thứ ít giá trị như thế đang tồn tại trên thị trường truyền thông, giải trí, kiến trúc và văn học nghệ thuật? Bạn hãy mở mạng xã hội lên và thấy rất nhiều video ngắn theo công thức, những ca khúc nghe một lần rồi quên, các tác phẩm hình ảnh vô hồn (mà chính dân làm truyền thông như tôi cũng bối rối, không biết gọi là "meme" hay là "tranh" nữa). Bạn thậm chí có thể bắt gặp những thứ công nghiệp này ở rạp chiếu phim, trong nhà hát hay trên sóng truyền hình. Bạn bắt gặp nó trong các khu du lịch, công viên giải trí với những hình mẫu lai tạp đắp bằng xi măng. Chúng có giá trị kinh tế, nhưng không thúc đẩy được trí tưởng tượng và khả năng khám phá nội tâm của con người, không làm giàu có cảm xúc, không tạo thành ký ức.
Nếu có một thứ gì đó cần cảnh giác khi xem xét tiêu chí phát triển công nghiệp văn hóa, đó chính là doanh thu. Năm trăm hay một nghìn tỷ đồng doanh thu không khẳng định vai trò lịch sử của một sản phẩm văn hóa. Hãy nghĩ thế này: diễn thuyết của một bậc thầy đa cấp có thể tạo ra một nghìn tỷ, nhưng nó không phải sản phẩm văn hóa. Một livestreamer có bộ kỹ năng và sự xuất chúng của anh ta, nhưng một buổi livestream không phải, hoặc ít nhất không nên được coi là sản phẩm văn hóa.
Và 1 triệu USD doanh thu từ "Thư viện bản vẽ" bán sẵn thậm chí sẽ là một tín hiệu thụt lùi của ngành kiến trúc Việt Nam.
Điều đáng tiếc là chúng ta, trong các văn bản gần nhất, đều đang xác định mục tiêu của "Công nghiệp văn hóa" bằng doanh thu, bằng tỷ lệ trên GDP. Đây không phải là một tiêu chí sai, nhưng là một tiêu chí cần cảnh giác.
Nếu có thể đề xuất, tôi tin rằng, bên cạnh mục tiêu về doanh thu đạt được, nếu có phần mục tiêu về ngân sách chi ngược lại cho nghiên cứu, thảo luận, sáng tạo văn hóa phi lợi nhuận, thì chúng ta sẽ có thêm năng lực cân bằng được "dinh dưỡng văn hóa" của cộng đồng.
Còn nếu chỉ hướng tới mục tiêu công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP, chúng ta cứ việc tính các buổi livestream bán hàng là trình diễn nghệ thuật là xong.