Công nghiệp văn hóa: Thúc đẩy các ngành nghệ thuật sáng tạo
Việt Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa với 12 lĩnh vực đã được xác định.
Công nghiệp văn hóa được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, đồng thời góp phần quảng bá, bảo vệ, phát triển bản sắc dân tộc. Việt Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa với 12 lĩnh vực đã được xác định.
Đầu vào năng lực, đầu ra sản phẩm
Ngày 8/9/2016, Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030” nhằm thúc đẩy phát triển 12 lĩnh vực: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương), các ngành công nghiệp văn hóa thể hiện xu thế kinh tế và văn hóa thấm sâu vào nhau, có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa đem lại lợi ích kinh tế.
Công nghiệp văn hóa sử dụng nguyên liệu “đầu vào” là năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn trí tuệ, để tạo “đầu ra” là các sản phẩm - dịch vụ văn hóa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa ngày càng mạnh mẽ và đa dạng của người dân.
Ở các nước và vùng lãnh thổ phát triển, công nghiệp văn hóa mang lại nguồn thu khổng lồ. Hồng Kông với 85% thu nhập có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình và quảng cáo.
Nhật Bản - đất nước có ngành công nghiệp văn hóa tầm cỡ trong việc viết truyện, xuất bản, làm quà lưu niệm, anime và game từ các tác phẩm... với doanh thu trung bình tới 2 tỷ USD. Hàn Quốc lại nổi tiếng với những nhóm nhạc, bộ phim được các phương tiện truyền thông lan tỏa toàn cầu.
TS Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, sản phẩm và dịch vụ của mỗi ngành công nghiệp văn hóa có đặc điểm riêng nhưng về cơ bản, các ngành công nghiệp văn hóa có quy trình hoạt động chính: Sáng tạo, sản xuất, phân phối dịch vụ và tiêu dùng sản phẩm văn hóa.
Những lý do này sẽ thúc đẩy nghề nghiệp mới xung quanh nghệ thuật - sáng tạo tại Việt Nam. Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho hay, năm 2022 các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đóng góp ước đạt 4,04% đối với GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội.
Doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong cả nước tăng lên.
Nhiều sản phẩm, dịch vụ sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế.
Mở “nút thắt” phát triển tiềm năng
Nghệ sĩ Trương Uyên Ly - Giám đốc Hanoi Grapevine cho biết, những năm gần đây chúng ta chứng kiến sự phát triển mở rộng của ngành văn hóa nghệ thuật sáng tạo, với nhiều tổ chức tư nhân, không gian nhỏ độc lập, cá nhân tham gia. Với sự gia tăng các xu hướng kiến tạo ngành nghề mới, việc định danh nghề nghiệp đã trở thành một vấn đề nhưng ít được đề cập.
Bởi vậy trong tháng 8/2024, Hanoi Grapevine đã mở buổi đàm luận “Tiềm năng nghề nghiệp trong ngành nghệ thuật - sáng tạo tại Việt Nam”. Buổi đàm luận thuộc nhánh chương trình dành riêng cho học sinh - sinh viên và người đi làm, muốn tìm hiểu về môi trường ngành nghề nghệ thuật - sáng tạo, với mong muốn hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả, bền vững.
Nắm bắt tiềm năng nghề nghiệp trong ngành nghệ thuật - sáng tạo, phục vụ công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, thời gian gần đây một số trường đại học cũng mở các chương trình đào tạo chuyên ngành Công nghiệp văn hóa và sáng tạo.
Trong đó, nổi bật với hoạt động đào tạo thạc sĩ Công nghiệp văn hóa của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Đối với thị trường Việt Nam, nguồn lực trí tuệ và năng lực sáng tạo của người Việt được đánh giá rất lớn. Cả thế giới từng biết đến hai bộ phim hoạt hình nổi tiếng “Mèo Oggy” hay “Cao bồi Lucky Luke” được gia công hoàn chỉnh tại Việt Nam bởi các họa sĩ người Việt. Đây chính là tiền đề tri thức, là nguồn vốn “tay nghề” sáng tạo có thể phục vụ sản xuất phim hoạt hình Việt.
Thời gian qua, công chúng cũng chứng kiến Sconnect - một trong những đơn vị có tiếng trong lĩnh vực sáng tạo tại Việt Nam, đã thành công sản xuất hàng loạt series phim hoạt hình nổi tiếng. Trong đó thành công nhất là bộ phim hoạt hình về chú sói Wolfoo được phát hành đa nền tảng trên toàn cầu.
Nối tiếp Wolfoo, hoạt hình “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” quy mô 450 tập, sản xuất bằng công nghệ 3D hiện đại, hứa hẹn được phát hành đa nền tảng ở nhiều quốc gia. “Không chỉ là dự án phát triển chất lượng cao, trong tương lai nhóm dự án sẽ thực hiện bộ phim dài với chất lượng chiếu rạp”, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng cho biết.
Theo số liệu từ Box Office Vietnam, đến thời điểm giữa tháng 8/2024 doanh thu các dự án điện ảnh nội địa tăng trưởng vượt mốc 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt, hai tác phẩm của đạo diễn Lý Hải (Lật mặt 7: Một điều ước) và Trấn Thành (Mai) đã chiếm tới hơn 2/3 tổng thị phần. Đáng chú ý, các tác phẩm này còn được chiếu rạp ở nhiều quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa và nền điện ảnh Việt Nam ra thế giới.
Không chỉ có tiềm năng nghề nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh, các lĩnh vực khác mà đề án chiến lược công nghiệp văn hóa đã xác định cũng đem lại cơ hội phát triển rộng khắp.
Tuy nhiên, để xây dựng hệ sinh thái với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… đòi hỏi những nỗ lực từ việc đổi mới cơ chế, chính sách, gỡ bỏ các “nút thắt” trong việc đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong tương lai.
Chiến lược với tầm nhìn đến năm 2030 kỳ vọng công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP. Trong đó, doanh thu điện ảnh đạt 250 triệu USD, doanh thu ngành thiết kế đạt 1 tỷ USD, thủ công mỹ nghệ đạt mức kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD, nghệ thuật biểu diễn 31 triệu USD, du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% tổng số doanh thu từ hoạt động du lịch, mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm 125 triệu USD, phần mềm và các trò chơi giải trí 50 tỷ USD…