Công nghiệp Văn hóa ở Sóc Trăng: Khởi nguồn từ khát vọng và viễn kiến

Nhiều quốc gia trên thế giới được đánh giá là có tiềm năng lớn trong phát triển Công nghiệp Văn hóa nhờ sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên, nét văn hóa độc đáo, và nguồn lực con người đa dạng. Có nhiều bằng chứng cho thấy tiềm năng và hiệu quả của ngành Công nghiệp Văn hóa trong việc góp phần phát triển kinh tế ở các nước Đông Á gần Việt Nam (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ...). Nhiều nghiên cứu cũng cho rằng Việt Nam có thể theo đuổi Công nghiệp Văn hóa thành công nếu có một quyết tâm chính trị cao và một tầm nhìn xa. Sóc Trăng sẽ đóng góp gì cho hướng phát triển đầy hứa hẹn này?

Công nghiệp Văn hóa là lĩnh vực chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm, dịch vụ mang tính nghệ thuật, sáng tạo hoặc giải trí, chứa đựng giá trị văn hóa và ý nghĩa xã hội sâu sắc. Theo định nghĩa của UNESCO, công nghiệp văn hóa gồm các sản phẩm (như đĩa nhạc, phim ảnh, thời trang, ẩm thực, truyện tranh,...) và các hoạt động (như biểu diễn, triển lãm nghệ thuật, cách làm bánh,...). Sản phẩm của công nghiệp Văn hóa luôn hướng đến toàn cầu, có tính biểu tượng cao (vừa mang giá trị kinh tế vừa chứa đựng ý nghĩa văn hóa); khó đoán định (về khả năng thành công); và mang tính hợp tác xã hội (quá trình sáng tạo và sản xuất có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều yếu tố). Do đó, sản phẩm công nghiệp văn hóa thường sẽ mang tính hệ thống cao, phục vụ nhu cầu đa dạng của người thưởng thức.

Tính đến nay, các lĩnh vực văn hóa có tiềm năng trở thành thế mạnh trong sản xuất công nghiệp văn hóa bao gồm: âm nhạc và giải trí, phim ảnh và truyền hình, thời trang và thiết kế, xuất bản và nội dung số, nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ, quảng cáo và truyền thông sáng tạo, trò chơi điện tử cùng thực tế ảo (VR), và du lịch văn hóa kết hợp sự kiện quốc tế. Ngành âm nhạc K-pop, phim K-Drama trở thành thương hiệu của Hàn Quốc; phim ảnh anime, truyện tranh Manga đã trở thành biểu tượng văn hóa của Nhật Bản. Trò chơi điện tử, với sự hỗ trợ từ công nghệ VR và eSports, đang khẳng định vai trò là một trong những lĩnh vực sáng tạo có giá trị kinh tế cao của Trung Quốc. Du lịch văn hóa kết hợp với các sự kiện quốc tế không chỉ thúc đẩy du lịch mà còn quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới. Điều này là nguyên nhân thúc đẩy các quốc gia tổ chức Olympic hay World Cup đều thi nhau để được đăng cai. Việc đầu tư hợp lý vào các lĩnh vực này sẽ giúp công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế và bảo tồn bản sắc dân tộc.

Nếu chỉ sử dụng ngôi chùa để du khách chiêm ngưỡng thì chỉ làm du lịch. Một hệ thống rất nhiều ngành vận hành xung quanh ngôi chùa, mang đến nhiều sản phẩm cho du khách mới là công nghiệp văn hóa. Ảnh do AI tạo ra.

Nếu chỉ sử dụng ngôi chùa để du khách chiêm ngưỡng thì chỉ làm du lịch. Một hệ thống rất nhiều ngành vận hành xung quanh ngôi chùa, mang đến nhiều sản phẩm cho du khách mới là công nghiệp văn hóa. Ảnh do AI tạo ra.

Trên thực tế, vì sao có nhiều sản phẩm du lịch hoặc trung tâm giải trí ca nhạc hình thành nhưng một thời gian lại không trụ nỗi và thậm chí đóng cửa. Vì sao một số di sản văn hóa tiềm năng của một địa phương được báo chí và bạn bè đánh giá cao nhưng khi khai thác lại không thu hút đông du khách? Làm sao quy hoạch được một ngành công nghiệp phát triển lâu bền? Cách thực hiện dựa vào đâu: từ trên xuống (quan điểm chỉ đạo, chính sách) hay từ dưới lên (từ thực tế đời sống và khoa học về nhu cầu mới tạo ra sản phẩm)?

Viễn kiến về công nghiệp văn hóa cần đặt trên những yếu tố: quan điểm của cơ quan chức năng về công nghiệp văn hóa; đó là sự nghiệp mang tính chiến lược của toàn dân theo phương châm “của dân, do dân, vì dân”. Muốn vậy, việc đánh giá thực trạng một cách khách quan và khoa học cần được áp dụng triệt để. Lý do cần nhấn mạnh vấn đề này là vì mục tiêu của nhà khoa học (là cung cấp cái nhìn khách quan và quy luật của xã hội) thường có khả năng xung đột lợi ích với doanh nghiệp (muốn có cái nhìn tích cực, liên quan đến hình ảnh và lợi nhuận của mình) và cả các nhà văn hóa (muốn lưu giữ những nét đẹp truyền thống). Nếu thực sự có mâu thuẫn mà không đứng trên nhiều góc nhìn khác nhau để đánh giá thì có nguy cơ chủ quan, thiên kiến. Vì vậy, để có một chiến lược hiệu quả phải có đầy đủ các thông số thực tế về tất cả các lĩnh vực. Tầm nhìn xa chỉ có thể xây dựng trên một nền tảng vững chắc từ những luận cứ khoa học chứ không chỉ là những đánh giá mang tính khái quát và ước lượng. Muốn được như vậy, việc xác định thế mạnh của Sóc Trăng trong xây dựng công nghiệp văn hóa không chỉ là dựa trên những gì chúng ta đang sở hữu và duy trì mà còn dựa trên những gì người tiêu thụ sản phẩm văn hóa mong muốn. Khát vọng xây dựng một nền công nghiệp văn hóa phải đi gần với mong muốn hưởng thụ văn hóa của du khách. Đó chính là những người khách quốc tế, đến từ khắp nơi trên thế giới, hoặc sẽ là người nhận sản phẩm của chúng ta gửi đi trên thế giới tới nhiều nơi.

Những sự kiện thể thao hay hội nghị quốc tế được tổ chức ở Việt Nam thì Sóc Trăng có thể tranh thủ kết nối để tổ chức như một cách thức quảng bá địa phương (dĩ nhiên là sau khi hệ thống đường giao thông hoàn thiện). Còn lại, để phát triển cái gì trong thế mạnh của tỉnh nhà, cần phải có những thông tin khảo sát mong muốn của khách hàng. Về mặt nguyên tắc, để có được thông tin khách hàng, hành vi tiêu thụ văn hóa khách du lịch cần được nghiên cứu bằng các phương pháp kinh tế và phương pháp xã hội học chặt chẽ. Việc điều tra xã hội học với đối tượng du khách và người dân phải được một cơ quan nghiên cứu độc lập (các viện, trường đại học) tổ chức thực hiện. Kết quả phải được phân tích kĩ lưỡng trên cơ sở cứ liệu được xử lý qua các phương pháp kiểm chứng được.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, một số quốc gia chưa nhận thức rõ ràng về vai trò của công nghiệp văn hóa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, dẫn đến thiếu đầu tư và chính sách hỗ trợ lâu dài. Hoặc có nhận ra nhưng quá chú ý vào thế mạnh trong nước mà quên tính quốc tế của sản phẩm. Những yếu tố này không chỉ làm chậm tốc độ phát triển mà còn khiến công nghiệp văn hóa khó đạt được vị thế toàn cầu. Vì vậy, để xây dựng một thương hiệu công nghiệp văn hóa cho Sóc Trăng, cần phải có sự “nhập cuộc” của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân. Dựa trên khảo sát khoa học về nhu cầu và sở thích của du khách quốc tế, việc tạo được khát vọng thay đổi quê hương từ người dân là nền tảng để xây nền công nghiệp không khói. Đồng thời, xác định được một chiến lược có tầm nhìn xa (viễn kiến) của cơ quan quản lý nhà nước là yếu tố then chốt để quyết định Sóc Trăng sẽ phát triển như thế nào trong guồng máy công nghiệp văn hóa của Việt Nam trong tương lai.

HUỲNH VŨ LAM

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/202501/cong-nghiep-van-hoa-o-soc-trang-khoi-nguon-tu-khat-vong-va-vien-kien-4de6d8e/
Zalo