Công nghiệp chế biến chế tạo - khẳng định vị thế động lực
'Tam giác' Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã tạo nên cực tăng trưởng năng động ở phía Bắc của Tổ quốc. Trên hành trình trở thành cực tăng trưởng thứ tư, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo Thanh Hóa đã khẳng định vị thế động lực và đang mở ra nhiều kỳ vọng trong tương lai!
Trụ cột nền kinh tế
Trong thành quả tăng trưởng GRDP tới 12,16% của Thanh Hóa năm 2024, ngành công nghiệp đóng góp tới 7,37 điểm %. Đó là thành quả khi hoạt động sản xuất hiệu quả, thị trường tiêu thụ rộng mở của nhiều nhà máy trọng điểm trong ngành chế biến chế tạo - lĩnh vực chiếm tới gần 90% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp.
Sau bảo dưỡng tổng thể thành công cuối năm 2023, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã hoạt động với công suất vượt trung bình tới 20% so với thiết kế. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Kazutaka Yamato, cho biết: “Dựa trên 4 giải pháp: đổi mới công tác quản trị; nâng cao hiệu quả sản xuất, điều hành; tái cơ cấu công tác tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại kinh doanh, nhà máy đã vận hành ổn định, an toàn, với sản lượng xăng dầu đáp ứng 40% nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu thành công 6 sản phẩm hóa dầu ra thế giới”.
Cũng trong năm 2024, năng lực của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo Thanh Hóa ghi nhận với sự thành công của nhiều dự án, gói thầu có yêu cầu kỹ thuật phức tạp và chuyên môn cao.
Tại Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí PTSC Thanh Hóa (PTSC Thanh Hóa), sau thành công với vai trò 1 trong 5 nhà thầu chính bảo dưỡng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cuối năm 2023, bao gồm các thiết bị công nghệ cao như nồi hơi, tuabin máy phát điện, đường ống vận hành với áp suất cao, hệ thống thiết bị van điều khiển, thiết bị trao đổi nhiệt, thiết bị điện điều khiển... Tháng 8 năm 2024, PTSC Thanh Hóa đã hoàn thành bàn giao gói thầu 30 trụ chân đế điện gió, với tổng khối lượng 9.000 tấn cho Dự án chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi của Dự án CHW2204 tại Đài Loan.
Theo PTSC Thanh Hóa, để triển khai dự án với thiết kế, sản xuất và nghiệm thu theo quy trình và các tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế, PTSC Thanh Hóa đã có một sự chuẩn bị có thể gọi là “kỷ lục” cho việc đầu tư các máy móc thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ dự án. Đó là 7,7ha bãi thi công được đầu tư; 4.500m2 nhà xưởng được nâng cấp; 9 hệ thống cầu trụ và hệ thống Shelter thi công... Doanh nghiệp đã huy động nhân lực cao nhất là 300 chuyên gia, kỹ sư và thợ lành nghề, với 700.000 giờ làm việc và thực hiện thành công hơn 420 mã nâng hạ lớn an toàn.
“Thành công của dự án CHW2204 được coi là “chìa khóa” mở màn, đánh dấu 1 dấu mốc rất quan trọng để biến các dự định của PTSC Thanh Hóa thành hiện thực trong tương lai gần. Đó là trở thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật gắn liền với cảng biển phục vụ công nghiệp, dầu khí và năng lượng tái tạo ngoài khơi” - Giám đốc PTSC Thanh Hóa Phạm Hùng Phương, chia sẻ.
Thống kê từ ngành công thương, năm 2024, nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục khẳng định vị thế chủ lực trong tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngân sách, như: Điện sản xuất tăng 18,8%; xi măng tăng 7,6%; xăng tăng 31,5%; dầu diesel tăng 37,4%; sáp parafin tăng 75,9%; benzen tăng 55,8%; lưu huỳnh rắn tăng 30,7%; giày thể thao tăng 27%; quần áo may sẵn tăng 19,1%; thép tăng 16,9%...
Đây cũng chính là động lực đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 cán mốc tăng trưởng 19,25%. Trong đó, cơ cấu ngành công nghiệp chế biến - chế tạo liên tục gia tăng; năm 2015 là 81,5%; năm 2020 đạt 87,6% và năm 2030 dự ước đạt tới 92,1%. Điều này khẳng định sự phát triển vững vàng của các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, khoa học - kỹ thuật trong ngành công nghiệp Thanh Hóa.
Kỳ vọng ở tương lai
Năm 2024, cùng với củng cố vị thế, năng lực sản xuất các sản phẩm truyền thống như xăng, dầu, xi măng, may mặc, giày da..., Thanh Hóa đã đón thêm dòng sản phẩm phụ kiện cho ngành may mặc từ Nhà máy Công nghiệp SAB Việt Nam tại Khu Công nghiệp (KCN) Bỉm Sơn - đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phụ trợ cho ngành may mặc đang cấp bách. Nhà máy Sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia (Hoằng Hóa) với tiêu chuẩn sản xuất xanh cũng đã khánh thành, “biến” nguồn nguyên liệu dân dã xứ Thanh thành những hàng hóa xuất khẩu giá trị cao...
Từ đầu năm 2025, ngành công nghiệp tỉnh nhà sẽ đón những dòng sản phẩm công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao hơn. Đó là dòng sản phẩm thép mới theo công nghệ thép DANIELI của Italia hiện đại bậc nhất châu Âu của Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2; sản phẩm lốp ô tô Radial của Công ty TNHH Lốp COFO Việt Nam; các sản phẩm cấu kiện kim loại, gia công cơ khí và lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp... cung ứng cho các công trình trọng điểm quốc gia và trên thế giới từ hóa dầu, công nghiệp nặng, nhiệt điện tới nhà cao tầng, nhà thép tiền chế và các cơ sở hạ tầng công cộng của Nhà máy Cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn.
Cùng với 46 dự án công nghiệp được chấp thuận chủ trương trong năm qua, với số vốn đăng ký 11.730 tỷ đồng và 242,2 triệu USD; trong năm 2025, Thanh Hóa dự kiến sẽ thu hút được các dự án lớn, trọng điểm trong ngành công nghiệp. Đặc biệt, các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN như: Phú Quý với tổng mức đầu tư 55 triệu USD, Giang Quang Thịnh với tổng mức đầu tư 53 triệu USD, KCN phía Tây TP Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 122 triệu USD kỳ vọng sẽ là “đất lành” cho nhiều dự án đầu tư thứ cấp có chất lượng trong lĩnh vực chế biến - chế tạo.
Hàng trăm “cỗ máy” công nghiệp vẫn đang vận hành ngày đêm. Cảng Nghi Sơn tấp nập với những chuyến tàu chở dầu ăn, thép, xi măng, bao bì... đi tiêu thụ khắp mọi miền. Nhiều dự án công nghệ cao, phù hợp xu thế phát triển và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh như điện khí, điện gió... cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia như: JERA Co.Inc (Nhật Bản); GEO (Cộng hòa Liên bang Đức); KOSPO, Daewoo E&C (Hàn Quốc); Gulf Energy Development Public Company Limited (Thái Lan)... sẽ đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo trong tương lai gần.