Công nghiệp chế biến, chế tạo bứt phá nhờ 'lực kéo' FDI

Khu vực công nghiệp nói chung và ngành chế biến, chế tạo nói riêng không chỉ là nền tảng kinh tế quốc gia mà còn là sức hút mạnh mẽ đối với các dòng vốn đầu tư.

Sức hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo Bộ Công Thương, năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 8,4% so với năm trước. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng nhanh trong quý II và quý III, có xu hướng tăng trưởng chậm hơn trong quý IV.

ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế. Ảnh:TT

ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế. Ảnh:TT

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận, Việt Nam đã có những thành công đáng ghi nhận trong việc thu hút các dự án FDI lớn vào các ngành công nghiệp. Nhiều dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, phát triển hệ thống doanh nghiệp cung ứng nội địa, giải quyết việc làm tại địa phương và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Một số tập đoàn lớn đã mở rộng nhà máy và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam như Samsung, Apple, Marvell, NVIDIA, BYD.

Đánh giá về sức hấp dẫn nguồn vốn FDI với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng: Việt Nam có sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài tập vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Thực tế, cũng có nhiều dự án FDI lớn của những tập đoàn toàn cầu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.

Đây là một tín hiệu tốt, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp của Việt Nam, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hàng Trung ương Đảng khóa XIII xác định” -ông Nguyễn Văn Toàn cho biết.

Dưới góc độ địa phương, ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế TP. Hải Phòng chia sẻ: "Đã có các doanh nghiệp đầu tư sản xuất chip, bán dẫn nhỏ tại Hải Phòng. Theo đó, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang đến Thành phố tìm hiểu và đặt vấn đề có thể sẽ đầu tư những nhà máy lớn hơn, những công đoạn lớn hơn trong vấn đề đóng gói sản xuất chip và chất bán dẫn".

Hiện nay, trong tổng số hơn 41.720 dự án FDI còn hiệu lực tính đến tháng 11/2024, thì có 17.754 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 303,874 tỷ USD, chiếm hơn 61% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước.

Đánh giá về những kết quả này, theo Bộ Công Thương, những kết quả tăng trưởng của công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng nêu trên đã phản ánh một bức tranh rất tích cực của nền sản xuất trong nước. Có thể thấy được sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023, đang có đà tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, một quốc gia mà không có công nghiệp, không thể gọi là quốc gia mạnh. Khu vực công nghiệp nói chung và ngành chế biến chế tạo nói riêng không chỉ là nền tảng kinh tế quốc gia mà còn là sức hút mạnh mẽ đối với các dòng đầu tư, bao gồm đầu tư công, đầu tư tư cũng như đầu tư nước ngoài.

"Chúng ta thấy rằng đầu tư nước ngoài đã tạo ra những cú hích cực mạnh cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu, luôn luôn xuất siêu. Thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp chế biến chế tạo luôn luôn chiếm khoảng 80-90%, hơn nữa ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm từ 78-80% giá trị tăng thêm của toàn bộ ngành công nghiệp”- chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bày tỏ.

Năm 2025, hướng tới các dự án FDI chất lượng

Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế. Thậm chí, trong một thời gian dài, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn trở thành ngành dẫn đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một trong những nguyên nhân lớn tạo nên sự thu hút dòng vốn FDI đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo là Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động đông đảo và chất lượng, kết hợp cùng chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường thông thoáng, an toàn…

Bộ Công Thương cũng đánh giá, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, là ngành quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của đất nước trong nhiều năm qua, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Với việc tiếp tục thu hút đầu tư FDI và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, các ý kiến cho rằng Việt Nam cần khắt khe hơn trong lựa chọn dòng vốn FDI, tập trung thu hút các dự án FDI có chất lượng, có sức lan tỏa, hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là mục tiêu được Bộ Chính trị đưa ra tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, cụ thể: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...

Để khắc phục thực trạng này, bà Trương Thị Chí Bình - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đàm phán với các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung để đề xuất được cung ứng những sản phẩm giá trị cao hơn. Giúp doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu của các đối tác đầu tư mới tại Việt Nam để có sự chuẩn bị và đón đầu.

Phân tích kỹ hơn Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nêu, nếu không có các chính sách thiết thực, đủ mạnh và kịp thời để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ bỏ lỡ các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.

Bên cạnh đó trong tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút và giữ chân dòng vốn FDI là bài học kinh nghiệm thành công điển hình của các quốc gia trong khu vực mà tiêu biểu là Thái Lan. Thực tế, trong thời gian trước đây cũng như hiện tại, nhiều nhà đầu tư trong trong các ngành sản xuất đã lựa chọn Thái Lan hoặc Indonesia vì hệ thống cung ứng nội địa của Việt Nam kém cạnh tranh hơn nhiều so với các quốc gia này.

Có thể thấy, Việt Nam vẫn là một môi trường kinh doanh thuận lợi, giàu tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài ra, làn sóng dịch chuyển, phân tán nguồn vốn của giới đầu tư trên phạm vi toàn cầu cũng là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều tập đoàn, công ty nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến nhằm đa dạng hóa địa bàn đầu tư để gia tăng cơ hội, né tránh rủi ro…

Để tiếp tục thu hút dòng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương đưa ra giải pháp cụ thể, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo các định hướng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ. Từ đó, tạo ra một hệ thống cung ứng tại chỗ đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-nghiep-che-bien-che-tao-but-pha-nho-luc-keo-fdi-370981.html
Zalo