Công nghiệp bán dẫn cần bổ sung cơ chế ưu đãi

Để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, nắm bắt được thời cơ phát triển công nghiệp bán dẫn, cần nghiên cứu, bổ sung các cơ chế ưu đãi thực sự vượt trội, có tính đột phá, tạo lợi thế cạnh tranh vào Luật Công nghiệp công nghệ số.

Bổ sung ưu đãi cho công nghiệp bán dẫn

Ngày 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết: tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), thuật ngữ “công nghệ số” tại khoản 1 Điều 3 được chỉnh lý, quy định bản chất, làm rõ nội hàm, không liệt kê công nghệ cụ thể nhằm khái quát, bảo đảm tính ổn định của pháp luật.

Qua nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trườngthấy rằng, tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng. Hiện nay trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau.

Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, thống nhất quy định khung về vấn đề này (Điều 13 và Điều 14) như khái niệm, phân loại tài sản số dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác; giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Về ưu đãi cho công nghiệp bán dẫn (Điều 44 và Điều 59), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, nắm bắt được thời cơ phát triển công nghiệp bán dẫn, cần nghiên cứu, bổ sung các cơ chế ưu đãi thực sự vượt trội, có tính đột phá, tạo lợi thế cạnh tranh.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH, một số quy định ưu đãi đối với công nghiệp bán dẫn trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý. Cụ thể, Điểm c khoản 3 Điều 44 quy định chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu - phát triển lĩnh vực bán dẫn của doanh nghiệp được tính bằng 150% khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điểm e khoản 3 Điều 44 quy định Nhà nước hỗ trợ trực tiếp chi phí không quá 10% tổng đầu tư của dự án để đầu tư xây dựng nhà máy, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị máy móc từ nguồn chi đầu tư phát triển từ ngân sách.

Khoản 5 Điều 59 quy định bổ sung điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, dự án nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn.

Sản phẩm được tạo bởi AI phải có dấu hiệu nhận dạng rõ ràng

Liên quan đến nội dung trí tuệ nhân tạo (AI), có ý kiến đề nghị xác định rõ các tiêu chí hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao, phạm vi tác động lớn, bổ sung quy định về hạn chế rủi ro và các nguyên tắc quản lý rủi ro; ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn về vấn đề quản lý rủi ro.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất quan điểm xây dựng quy định quản lý về AI trong dự thảo Luật dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro đồng thời khuyến khích phát triển, lấy con người làm trung tâm. Nguyên tắc quản lý này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật quy định về quản lý hệ thống AI có rủi ro cao, hệ thống tác động lớn; sản phẩm được tạo ra bởi hệ thống AI phải có dấu hiệu nhận dạng rõ ràng.

Về tiêu chí xác định hệ thống AI rủi ro cao, phạm vi tác động lớn, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ: theo Đạo luật AI của Liên minh châu Âu, danh mục hệ thống AI rủi ro cao được xác định trên cơ sở mức độ ảnh hưởng sức khỏe, sự an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung này (Điều 54), quy định những tiêu chí cơ bản và giao Chính phủ quy định cụ thể về phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý hệ thống trí nhân tạo có tác động, rủi ro cao, trách nhiệm, miễn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm linh hoạt trong quản lý, điều hành.

Về quy định dán nhãn đối với sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi hệ thống AI (Điều 55), dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 1 Điều 55 quy định sản phẩm được tạo ra bởi hệ thống AI phải có dấu hiệu nhận dạng rõ ràng và giao Bộ quản lý chuyên ngành quy định về dấu hiệu nhận dạng. Bổ sung điểm d khoản 2 Điều 56 quy định trách nhiệm của nhà cung cấp phải thể hiện rõ ràng dấu hiệu nhận dạng trên sản phẩm được tạo ra bởi hệ thống AI.

Đồng thời lược bỏ quy định tại khoản 2 Điều 55 liên quan đến quy trình, thủ tục dán nhãn để bảo đảm không phát sinh thủ tục hành chính, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân, phù hợp với pháp luật của nhiều quốc gia.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/cong-nghiep-ban-dan-can-bo-sung-co-che-uu-dai/20250106022213816
Zalo