Công nghệ viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên và bảo vệ môi trường

Phát triển hạ tầng và tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám góp phần quản lý tài nguyên, môi trường hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam. Ảnh: Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không Vũ trụ Nhật Bản/JAXA/TTXVN phát

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam. Ảnh: Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không Vũ trụ Nhật Bản/JAXA/TTXVN phát

Theo ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), "Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia” đã được Cục xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2025. Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia lưu trữ toàn bộ dữ liệu, sản phẩm ảnh viễn thám, siêu dữ liệu viễn thám, hỗ trợ cung cấp dữ liệu viễn thám thuận lợi hơn cho các bộ, ngành, địa phương. Hằng năm, Cục tổng hợp và công bố siêu dữ liệu viễn thám thường xuyên, định kỳ. Các thông tin về vị trí, phạm vi phủ trùm dữ liệu, loại ảnh, ngày tháng chụp ảnh và các thông tin kỹ thuật của ảnh được tổ chức thành cơ sở dữ liệu thống nhất.

Cục tiếp tục xây dựng hệ thống dữ liệu viễn thám bao trùm cả nước với tần suất 6 tháng/lần, giúp công tác quản lý được cập nhật nhanh chóng, kịp thời. Cùng với việc xây dựng các phần mềm tìm kiếm thông tin và cổng thông tin điện tử, tất cả các thông tin về dữ liệu ảnh viễn thám trong cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia đã có thể tra cứu trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Cục Viễn thám quốc gia.

Hiện nay, Cục Viễn thám quốc gia đang thu nhận dữ liệu viễn thám từ các vệ tinh VNREDSAT-1 (độ phân giải 2,5m), SPOT6 (độ phân giải 1,5m), KOMSAT-3A (độ phân giải 0,5m). Đây là dữ liệu có thể phục vụ tốt hầu hết các ứng dụng với nhiều mức độ khác nhau của địa phương. Trong năm 2024, riêng SPOT6 tỷ lệ phủ trùm đạt khoảng 60% lãnh thổ, Cục đã công bố siêu dữ liệu viễn thám SPOT6 từ tháng 01/2024 đến tháng 12/2024 trên trang thông tin điện tử của Cục theo địa chỉ http://nrsd.monre.gov.vn.

Năm 2024, Cục Viễn thám quốc gia được giao vận hành hệ thống Sentinel Asia giám sát thiên tai trên lãnh thổ Việt Nam. Cục đã tiến hành kích hoạt hệ thống với yêu cầu cung cấp dữ liệu chụp ảnh từ vệ tinh quan trắc khẩn cấp từ tổ chức hỗ trợ giám sát thiên tai Châu Á - Thái Bình Dương (Sentinel Asia) phục vụ công tác giám sát nhanh tình hình mưa lớn gây ngập lụt tại: khu vực thành phố Hải Phòng, thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), khu vực đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang), thành phố Hà Nội, các tỉnh Đông Bắc bị ảnh hưởng do bão và mưa lớn, các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do bão và mưa lớn. Toàn bộ các sản phẩm giám sát ngập lụt do bão và mưa lớn gây ra đã được đóng gói và bàn giao kịp thời đến Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia trong và sau mỗi đợt thiên tai bão lũ xảy ra.

Bên cạnh đó, Cục triển khai khảo sát thực tế và thực hiện các nội dung, nhiệm vụ phục vụ giám sát ô nhiễm môi trường nước khu vực Bắc Hưng Hải trên cơ sở sử dụng dữ liệu viễn thám kết hợp khảo sát thực địa và bay chụp ảnh từ máy bay không người lái. Kết quả đã xây dựng được Cơ sở dữ liệu phục vụ giám sát ô nhiễm môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, hoàn thành và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tháng 8/2024.

Cục tiếp tục thực hiện Đề án “Ứng dụng viễn thám giám sát thường xuyên phục vụ các lĩnh vực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Đây là một trong những sản phẩm có tính ứng dụng liên quan đến hầu hết các lĩnh vực quản lý của Bộ. Mục tiêu của đề án nhằm sử dụng viễn thám cung cấp thường xuyên, đột xuất thông tin về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường phục vụ các lĩnh vực của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sản phẩm của đề án hằng năm được bàn giao đến các cơ quan sử dụng dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước của lĩnh vực cũng như ngành Tài nguyên và Môi trường. Đề án đã cung cấp các thông tin, sản phẩm thiết yếu phục vụ khai thác sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới phía thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mê Công; cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ giám sát thường xuyên diện tích đất ngập nước và các khu bảo tồn thiên nhiên phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học; giám sát, theo dõi định kỳ (3 tháng/lần) các thông số về nhiệt độ, hàm lượng diệp lục, hàm lượng muối bề mặt nước biển; theo dõi cảnh báo dị thường nhiệt độ, hàm lượng diệp lục, hàm lượng muối bề mặt nước biển; giám sát thường xuyên, đột xuất tình hình biến động các đảo trọng điểm xa bờ; cung cấp thường xuyên thông tin, dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính phục vụ xây dựng báo cáo quốc gia và đóng góp của Việt Nam cho công ước khí hậu…

Việc áp dụng công nghệ viễn thám đã mang lại những hiệu quả trong giám sát tài nguyên thiên nhiên, quan trắc môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Công nghệ viễn thám được ứng dụng mạnh mẽ trong quản tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, trở thành một trong các hướng đi chủ đạo của ngành Tài nguyên và Môi trường nhằm quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Hoàng Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/cong-nghe-vien-tham-phuc-vu-giam-sat-tai-nguyen-va-bao-ve-moi-truong-20250210160145625.htm
Zalo