Công nghệ tiên tiến: Kinh tế số hay Kinh tế công nghệ cao và chính sách?

Cho đến nay, chưa có một định nghĩa thật rõ ràng được cộng đồng thế giới chấp nhận về hoạt động nào được đưa vào kinh tế số.

Kinh tế số được coi là bao hàm các hoạt động kinh tế phát sinh từ việc kết nối các cá nhân, doanh nghiệp, thiết bị, dữ liệu và hoạt động thông qua công nghệ số. Nó bao gồm các kết nối và giao dịch trực tuyến diễn ra trên nhiều lĩnh vực và công nghệ, chẳng hạn như Internet, công nghệ di động, dữ liệu lớn và công nghệ thông tin và truyền thông. Phần cứng như máy tính, hệ thống Internet, các dụng cụ công nghệ khác và ngay cả nhà xưởng phần cứng là tài sản đầu tư cần thiết giúp giao dịch.

Cục Phân tích kinh tế Mỹ (BEA) định nghĩa kinh tế số bao gồm: (1) cơ sở hạ tầng hỗ trợ kỹ thuật số cần thiết để mạng máy tính tồn tại và hoạt động, (2) các giao dịch dựa trên kỹ thuật số diễn ra bằng hệ thống đó (thương mại điện tử) và (3) nội dung mà người dùng nền kinh tế kỹ thuật số tạo ra và truy cập (phương tiện kỹ thuật số).

Trên cơ sở đó, BEA phải làm việc với các chuyên gia để chọn lựa trong phân loại thống kê công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) những gì thuộc kinh tế số. Thí dụ loại hoạt động sản xuất điện thoại để bàn, băng đĩa... và dịch vụ buôn bán hàng hóa qua mạng (nhưng vận chuyển lại theo hình thức cửu vạn) không thuộc kinh tế số.

Từ đó, BEA tính GDP từ kinh tế số. Đồ thị Graph 1 dưới đây cho thấy, kinh tế số chỉ đóng góp 9,9% vào GDP năm 2022. Số lao động trong kinh tế số chiếm chỉ 5,6% thị trường lao động năm 2022. Như vậy, kinh tế số có năng suất lao động cao hơn năng suất lao động trung bình của nền kinh tế là 74%.

Về phát triển, tính từ năm 2017 đến 2022, tỷ lệ đóng góp của nó vào GDP không có thay đổi đáng kể. Hàng năm GDP của khu vực này tăng trung bình 7%, nhưng lao động chỉ tăng 3% và giá dịch vụ số tăng giảm so với giá trung bình tăng trong nền kinh tế.

Nguồn: USBEA

Nguồn: USBEA

Bảng 1 tổng hợp các hoạt động sản xuất rất chi tiết trong bảng 2. Bảng 2 phản ánh việc sử dụng thông tin chi tiết trong Bảng Sử dụng thuộc Hệ thống Bảng Nguồn và Sử dụng (Supply and Use Tables ) để tính GDP từ các hoạt động sản xuất rất chi tiết thuộc kinh tế số, dựa vào hệ số giá trị tăng thêm trên sản lượng của từng hoạt động được xếp vào kinh tế số.

Tỷ phần lớn nhất trong kinh tế số là dịch thông tin số hóa qua mạng (42%), thương mại điện tử (23%), phần cứng mang tính hạ tầng như máy tính, điện thoại ...chỉ 11.3%, phần mềm hạ tầng (23.6%). Có thể thấy ngay trong khai thác mỏ, hay điện khí cũng có phần sản xuất dịch vụ số, dù rất nhỏ, phục vụ ngành, như sửa chữa máy tính, dịch vụ mạng. Và có thể nói góp phần chủ yếu vào kinh tế số là công nghệ thông tin và truyền thông ICT.

Nguồn: The Digital Economy Satellite Account.

Nguồn: The Digital Economy Satellite Account.

Nguồn: The Digital Economy Satellite Account.

Nguồn: The Digital Economy Satellite Account.

Định nghĩa kinh tế số như thế nào?

Cho đến nay, chưa có một định nghĩa thật rõ ràng được cộng đồng thế giới chấp nhận về hoạt động nào được đưa vào kinh tế số. Câu hỏi quan trọng đặt ra về định nghĩa là kinh tế số chỉ bao gồm hoạt động sản xuất dịch vụ số, hay bao gồm cả công nghiệp sản xuất công cụ như máy tính, điện thoại di động và cả xây dựng nhà xưởng nhằm lưu trữ phần cứng phục vụ kinh tế số, nhất là khi phần cứng sản xuất chỉ để xuất khẩu chứ không nhằm phục vụ nền kinh tế nội địa?

Phần cứng này trong kinh tế ở Mỹ khá nhỏ, năm 2022 chỉ chiếm 8,4% kinh tế số và nếu loại trừ nó, sẽ chỉ làm giảm tỷ trọng kinh tế số trong GDP 1,1%, tức là giảm từ 9,9% xuống 8,75% GDP. Nhưng ở các nước khác có thể khác.

Việc loại trừ sản xuất phần cứng này đáng đặt ra vì nhiều nước chủ yếu sản xuất công cụ để xuất khẩu, chứ không dùng chúng nhằm tạo dịch vụ kinh tế số. Bản thân phần cứng và cả phần mềm nếu được sử dụng trong nước để tạo ra kinh tế số sẽ được đưa vào tích lũy và tạo thêm giá trị tăng thêm khi khấu hao (hay 1 phần của GDP) trong thời gian sau đó. Cách tính có thể không khác gì cách tính dịch vụ nhà ở của người sở hữu nhà trong GDP, tức là tính theo giá thuê nhà đất tương tự (đây là nguyên tắc mang tính quốc tế khi tính GDP hiện nay).

Sản xuất công cụ dùng trong kinh tế để xuất khẩu này nằm trong trường hợp Việt Nam và có thể cả Trung Quốc. Việt Nam rõ ràng chủ yếu làm gia công trong sản xuất điện thoại di động, do đó việc tính vào kinh tế số là có vấn đề.

Theo báo cáo của Trung Quốc được UNDP trích trong báo cáo của họ, kinh tế số ở Trung Quốc đóng góp tới 41,5% GDP, còn Việt Nam đóng góp trên 13% GDP. Thế nhưng, ở các tỉnh chuyên gia công điện thoại di động cho Samsung như Bắc Ninh và Bắc Giang, kinh tế số đóng góp trên 40% GDP tỉnh. Và hơn 40% xuất nhập khẩu của Việt Nam là nhằm gia công cho kinh tế số (bảng 3).

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Số liệu của Việt Nam lấy từ Asian Development Bank.

Nguồn: Số liệu của Việt Nam lấy từ Asian Development Bank.

Kinh tế số ở Trung Quốc và Việt Nam vượt hẳn Mỹ nói lên điều gì? Tất nhiên việc định nghĩa là kinh tế số có vấn đề.

Thứ nhất, việc sản xuất công cụ để sử dụng trong việc tạo ra dịch vụ kinh tế số là cần tính, nhưng nếu không dùng trong nội địa mà chỉ nhằm để xuất khẩu thì có nên tính không?

Thứ hai, là vì tính gia công, nên phần lớn giá trị tăng thêm này được chuyển cho sở hữu chủ công ty và rồi chuyển ra nước ngoài. Trường hợp này Tổng thu nhập - GNI (gross national income) phù hợp hơn sau khi trừ đi chi trả sở hữu cho chủ nước ngoài khỏi GDP.

Nhiều năm nay, nhóm các nước thuộc Liên hợp châu Âu bàn luận rất nhiều về kinh tế số, nhưng họ tập trung vào đánh giá việc sử dụng các công cụ thông tin số, tình hình sử dụng băng tần rộng, 5G đối với dân chúng và đủ loại doanh nghiệp. Năm 2020, đã xuất hiện một bài mang tính nghiên cứu phục vụ đánh giá kinh tế của Ngân hàng trung ương của Liên minh châu Âu, tính GDP cho kinh tế số và đưa ra số liệu, với các kết luận như sau:

I. Kinh tế số chỉ đóng góp khoảng trên 6% GDP, trong đó ICT chiếm 5,5% (bảng 4), thấp hơn nhiều so với 10% của Mỹ.

II. Nhiều nước ở châu Âu có trình độ phát triển thấp, năng suất thấp nhưng tỷ lệ kinh tế số trong GDP lại lớn hơn các nước phát triển cao hơn. Cộng hòa Séc (CZ), Hungary (HU), Estonia (EE) lại có kinh tế số vượt Đức (DE), Anh (UK). Còn nếu chỉ là ICT (phần trọng tâm của kinh tế số), Đảo Síp và Malta là hai nước ít phát triển nhất thì đóng góp của nó vào GDP cao nhất châu Âu.

Từ đó, bài viết kết luận không rõ liệu số hóa có làm sâu sắc thêm sự khác biệt giữa các quốc gia hay làm giảm chúng?

Nguồn: ecb

Nguồn: ecb

Kinh tế số hay kinh tế công nghệ cao và chính sách?

Vậy thì đóng góp của kinh tế số vào GDP theo cách tính như hiện nay nói lên điều gì? Có lẽ rất ít hữu ích. Không biết đây có phải là lý do US-BEA đã tuyên bố chấm dứt tính GDP kể từ tháng 12/2023 với lý do thiếu ngân sách?

Hiện nay, Cục Tổng điều tra (US Census Bureau - Mỹ) đang trong vòng thu thập thông tin rất chi tiết về cái gọi là kinh tế công nghệ cao (High-tech Industry hay economy). Định nghĩa công nghệ cao của Census bao gồm các doanh nghiệp thuộc ngành nghề khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (gọi chung là STEM) bao gồm máy tính, công việc kỹ sư và toán học, thống kê học, kiến trúc và kỹ thuật, khoa học đời sống và vật lý, cũng như các ngành quản lý và giảng dạy sau trung học liên quan đến các lĩnh vực chức năng này.

Và để được xếp vào doanh nghiệp công nghệ cao, Census quy định phải hoạt động trong các ngành thuộc STEM trên và phải có số lao động STEM (thường phải tốt nghiệp đại học hay chuyên) cao gấp 5 lần các doanh nghiệp trong cùng phân ngành; và chỉ được xếp vào nếu như đảm bảo điều kiện trong 2 lần điều tra (tức là 10 năm có 5 năm thực hiện được điều trên và sẽ bị loại nếu 2 năm liền không thực hiện được). Nhiều thông tin mang tính bảo mật vì liên quan đến công nghệ của từng công ty và từng địa điểm sản xuất của họ nên việc xử lý thông tin mất thì giờ và việc nghiên cứu sâu cũng không dễ thực hiện.

Thông tin tổng hợp của Census Mỹ cho thấy, lao động thuộc STEM và gần STEM ở Mỹ khoảng 22,7 triệu người, chiếm 14,6% tổng số lao động 156,4 triệu. Tỷ lệ STEM trong số lao động từ 16 đến 24 tuổi chỉ chiếm 7,2%; điều không thật phấn khởi (bảng 5).

Nguồn: Census

Nguồn: Census

Đây là vấn đề Tổng cục Thống kê Việt Nam cần thu thập thông tin để theo dõi.

Như đã trình bày trong bài, kinh tế số ở Việt Nam vượt Mỹ là vì gia công sản xuất hàng điện thoại di động và hàng hóa tương tự cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để xuất khẩu. Và Việt Nam lại chủ yếu nhập siêu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.

Xuất siêu của Việt Nam với Mỹ năm 2013 là 81 tỷ USD (nhưng theo Mỹ là 104 tỷ USD). Và năm 2024 có thể hơn 114 tỷ USD, bằng 27% GDP Việt Nam. Tất nhiên là sẽ gây xung đột với Mỹ trong tình hình chính trị hiện nay nếu như Mỹ đánh thuế đòi giảm xuất siêu. Vấn đề không chỉ liên quan đến kinh tế số mà là chính sách của Việt Nam về vấn đề đầu tư nước ngoài nhằm gia công xuất khẩu này.

Nguồn: Số liệu của Việt Nam lấy từ Asian Development Bank.

Nguồn: Số liệu của Việt Nam lấy từ Asian Development Bank.

Việt Nam nên làm gì?

Để đạt mục tiêu trở thành một nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2045 trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận như xu hướng bảo hộ thương mại, giảm toàn cầu hóa và già hóa dân số trong nước ngày một rõ, Việt Nam cần đột phá trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Việt Nam không thể bỏ quên nền công nghiệp thông thường như dệt may nhằm tạo công ăn việc làm cho lao động, cũng không thể bỏ qua công nghiệp tiên tiến hơn, sản xuất các chip bình thường sử dụng trong các công cụ hàng ngày nhằm để tạo việc làm, nhưng cần hướng trọng tâm vào phát triển nền tảng cho khoa học - công nghệ tiên tiến. Cần kết hợp giữa mở cửa, thu hút FDI công nghệ cao từ bên ngoài với mục đích xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước ở những lĩnh vực mới nổi như AI, dữ liệu lớn, bán dẫn…

Sửa Đổi Luật đầu tư nước ngoài cùng với phát triển mạnh đào tạo STEM sẽ góp phần quan trọng. Cụ thể như sau:

Việt Nam nên xem xét lại chính sách đầu tư nước ngoài. Luật chỉ cho phép FDI nếu ít nhất 30-40% giá trị sản phẩm có nguồn gốc nội địa, và chỉ khuyến khích đầu tư có chuyển giao công nghệ. Điều này chỉ có thể áp dụng với FDI mới, giúp Việt Nam tập trung thu hút đầu tư nước ngoài với mục đích nâng cao khả năng kỹ thuật trong nước.

Về kinh tế trong nước, rõ ràng là cần chính sách nâng cao tỷ phần lao động cơ sở khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong nền kinh tế, mà cơ bản là đặt trọng tâm hơn vào việc xây dựng nền giáo dục chuyên nghiệp và sau đại học trên cơ sở STEM. Đây cũng đã từng là ưu điểm của nền giáo dục Việt Nam ở cả hai miền trước đây. Hiện nay số sinh viên STEM ở đại học theo thông tin không chính thức chỉ bằng một nửa Singapore và Malaysia. Và thêm nữa, tỷ lệ học sinh Việt Nam vào đại học (28.6%) cũng chỉ bằng một nửa các nước khác.

Vũ Quang Việt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cong-nghe-tien-tien-kinh-te-so-hay-kinh-te-cong-nghe-cao-va-chinh-sach-2368333.html
Zalo