Công nghệ sản xuất phim 'bom tấn' thế giới và Việt Nam
Sự thành công của nhiều bộ phim 'bom tấn' không chỉ nhờ vào bàn tay tài ba của đạo diễn, khả năng tưởng tượng phong phú của biên kịch mà phần quan trọng là các công nghệ hiện đại được áp dụng.
Khán giả thế giới từ lâu đã mê mẩn với những bộ phim bom tấn do Holywood sản xuất bởi những cảnh quay hoành tráng như bom nổ, đụng xe, đua tốc độ hoặc cảnh thế giới thần tiên siêu thực.
Có được điều này là nhờ đội ngũ các studio và chuyên gia kỹ xảo - công nghệ đứng sau mỗi cảnh quay. Chi phí cho phần kỹ xảo chiếm khá lớn trong tổng kinh phí sản xuất một bộ phim bom tấn.
Chẳng hạn như bộ phim “The Avengers: Endgame” có kinh phí sản xuất là 356 triệu USD, trong đó chi phí cho kỹ xảo chiếm 50% ngân sách, tương đương 170-180 triệu USD. Gần như toàn bộ bộ phim đều dựa vào kỹ xảo để tạo ra các cảnh chiến đấu, hành tinh giả tưởng, các nhân vật siêu anh hùng. Mỗi cảnh kỹ xảo không chỉ yêu cầu thiết kế đẹp mà còn phải hòa hợp hoàn hảo với các cảnh quay thực tế.
Các công ty thực hiện kỹ xảo cho bộ phim “The Avengers: Endgame” là Industrial Light & Magic, Weta Digital và Framestore. Hai công nghệ (kỹ xảo) chính được sử dụng trong bộ phim này là CGI (Computer-Generated Imagery) và Motion Capture.
Công nghệ CGI
CGI là công nghệ sử dụng máy tính để tạo ra các hình ảnh, đồ họa, hoặc hiệu ứng đặc biệt trong các lĩnh vực như điện ảnh,truyền hình, video game, và quảng cáo.
CGI có thể được dùng để tạo bối cảnh, nhân vật, hoặc vật thể không tồn tại trong thực tế. Ví dụ những con rồng trong “Game of Thrones”, thế giới Pandora trong phim “Avatar”, hay nhân vật Hulk trong loạt phim Marvel. Những người từng xem phim The Lion King (2019) đều phải kinh ngạc khi nhìn những con thú nói chuyện và hành động như con người.
CGI cũng được dùng để mô phỏng các hiện tượng tự nhiên như sóng biển, khói lửa, ánh sáng, hoặc thời tiết phức tạp. Ngoài ra công nghệ này còn được dùng để chỉnh sửa hình ảnh quay thực tế như thêm hiệu ứng cháy nổ hoặc làm đẹp bối cảnh.
Có thể nói, với CGI, các chuyên gia kỹ xảo có thể tạo ra bất cứ hình ảnh nào theo yêu cầu của đạo diễn.
Motion Capture - Công nghệ chụp chuyển động
Các tín đồ của màn ảnh nhỏ được thấy các nhân vật ảo trong các bộ phim có chuyển động tay chân giống như người thật, đó là nhờ công nghệ Motion Capture. Công nghệ này ghi lại chuyển động của diễn viên, sau đó dùng kỹ thuật để đưa vào các nhân vật ảo, tạo ra những biểu cảm và cử động tự nhiên.
Avatar chính là bộ phim tiên phong trong việc sử dụng công nghệ này khi mang đến nhân vật người Na'vi với nước da xanh, cao lớn nhưng cử chỉ sống động và chân thực, thậm chí còn siêu thực như cảnh nhảy lên cánh máy bay để chiến đấu.
Công nghệ LED Volume (StageCraft)
Một công nghệ khác cũng được sử dụng khá phổ biến trong các bộ phim là LED Volume.Đây là công nghệ thay vì sử dụng phông xanh truyền thống để tách hình ảnh, thì dùng màn hình LED khổng lồ. Những màn hình này hiển thị hình ảnh nền trực tiếp trong khi quay, giúp ánh sáng và môi trường phản chiếu tự nhiên hơn.
Series phim "The Mandalorian" đã áp dụng công nghệ này, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian so với việc quay ngoại cảnh truyền thống. Phim “Batman” cũng sử dụng Virtual Studio để quay các cảnh thành phố Gotham với hiệu ứng mưa và ánh sáng phức tạp, đạt chất lượng điện ảnh cao.
Công nghệ sử dụng màn hình LED còn được phát triển với các mô hình như Virtual Production/ Virtual Studio/ The Volume.
Ưu điểm của LED Volume hay Virtual Studio là loại bỏ nhiều công đoạn hậu kỳ phức tạp khi sử dụng phông xanh. Nó cũng giúp giảm chi phí quay ngoại cảnh hoặc dựng bối cảnh thực, không phụ thuộc vào thời tiết hay điều kiện ngoại cảnh. Kỹ thuật viên dễ dàng điều chỉnh bối cảnh và ánh sáng theo yêu cầu của đạo diễn. Đồng thời, diễn viên có thể nhìn thấy và tương tác với bối cảnh ngay khi quay, giúp diễn xuất chân thực hơn.
Một công nghệ khác có thể kể đến là AI - được tích hợp vào quy trình sản xuất phim để tự động hóa và tối ưu hóa nhiều công đoạn, từ chỉnh sửa âm thanh, video đến xử lý kỹ xảo. Việc ứng dụng AI giúp giảm thời gian và chi phí sản xuất, đồng thời mở ra nhiều cơ hội sáng tạo mới cho các nhà làm phim.
Phim Việt đã ứng dụng công nghệ gì?
Chia sẻ với VietTimes, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết bộ phim Việt ứng dụng nhiều kỹ xảo nhất đến nay là “Trạng Tí phiêu lưu ký” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, cũng chính là bộ phim do ông làm đạo diễn.BadClay Studio phụ trách phần kỹ xảo, sử dụng công nghệ CGI vẽ 3D, quay diễn viên trên phông xanh cũng như tạo ra các “diễn viên ảo” là các vị thần trong phim.
Ngoài ra, kỹ xảo còn được áp dụng trong các cảnh quay hoành tráng về làng Phan Thị, các hiệu ứng đặc biệt trong những phân cảnh hành động và các yếu tố kỳ ảo nhằm tái hiện thế giới trong truyện tranh.
Bộ phim này có kinh phí sản xuất là 43 tỷ đồng, ước tính chi cho kỹ xảo và hậu kỳ chiếm 40%.
Một bộ phim khác cũng ứng dụng khá nhiều kỹ xảo là “Khu rừng kỳ diệu”. Bộ phim kể về cuộc đi tìm ba mẹ của cặp đôi bạn thân là chú chó ToTo và cậu bạn khỉ KingKong. Trên hành trình đó, Toto và KingKong đã gặp gỡ, làm quen thêm với những người bạn mới đầy thú vị.
Bộ phim có sự xuất hiện của dàn diễn viên động vật như chó corgi, khỉ, mèo Anh, vẹt cockatoo, ngựa, thỏ Hà Lan, rùa Sulcata, dê, bò ... mỗi nhân vật đều có màu sắc riêng, trở nên sinh động, gần gũi nhờ được áp dụng công nghệ AI để tạo cảm xúc cho các diễn viên động vật.
Trong vài năm trở lại đây, nhiều studio kỹ xảo của Việt Nam đã góp mặt trong một số bộ phim bom tấn của Netflix. Chẳng hạn các bộ phim nổi tiếng như “My Name”, “Hellbound”, “The Silent Sea” và đặc biệt là “Squid Game” đều do các studio Việt thực hiện phần kỹ xảo.
Đây là minh chứng cho thấy tài năng của các chuyên gia kỹ xảo Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào. Ngành công nghiệp phim Việt hoàn toàn có thể tạo nên những tác phẩm “bom tấn” nếu nhận về sự đầu tư tương xứng.