Công nghệ không gian đằng sau tên lửa Oreshnik của Nga
Tiết lộ mới nhất của Tổng giám đốc Roscosmos khiến người ta suy đoán về công nghệ không gian đằng sau tên lửa Oreshnik mới của Nga.
Trong một tuyên bố với đài truyền hình nhà nước Nga VGTRK, Tổng giám đốc Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) Yuri Borisov cho biết, Roscosmos sẵn sàng cung cấp “toàn bộ hệ thống tên lửa Oreshnik cho Bộ Quốc phòng”.
“Trong hơn 2 năm qua, chúng tôi đã tăng sản lượng vũ khí chính xác lên gấp nhiều lần. Về Oreshnik, chúng tôi có mọi khả năng cần thiết để cung cấp cho Bộ Quốc phòng số lượng mà họ cần”, ông Borisov nói.
Thông báo của ông Borisov làm sáng tỏ thêm về hệ thống Oreshnik và khiến người ta nghĩ về nó theo một hướng mới.
Kể từ sau cuộc tấn công của Nga ngày 21/11 vào thành phố Dinpro ở Ukraine, các thông tin chính thức liên quan đến Oreshnik tương đối ít ỏi và giới chuyên gia có nhiều suy đoán về loại tên lửa mà Nga tuyên bố là hoàn toàn mới này.
Dự án tên lửa đẩy Oreshnik
Chức năng chính của Roscosmos liên quan đến công nghệ thám hiểm không gian và vệ tinh, nhưng cơ quan này cũng tham gia phát triển tên lửa phục vụ mục đích quân sự, thường là hợp tác với các tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga.
Vì tên lửa Oreshnik là sản phẩm của Roscosmos, nên người ta cho rằng có khả năng ban đầu nó được thiết kế như một tên lửa đẩy.
Thực tế, Roscosmos cũng có một dự án mang tên Oreshnik và hệ thống này được phát triển như một phương tiện phóng các vệ tinh nhỏ. Đây là một trong những nỗ lực của Nga nhằm chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trên toàn cầu trong lĩnh vực phóng vệ tinh nhỏ, vốn đang phát triển nhanh chóng do các ứng dụng thương mại và khoa học.
Dự án Oreshnik được hình thành như một giải pháp tiết kiệm chi phí thay cho các phương tiện phóng lớn hơn và phức tạp hơn, chẳng hạn như tên lửa Soyuz và Angara - được thiết kế cho các nhiệm vụ lớn và mang tải trọng nặng hơn.
Về mặt công nghệ, Oreshnik sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, chủ yếu là metan lỏng và oxy. Điều này giúp nó có khả năng cạnh tranh với các hệ thống của phương Tây như tên lửa do SpaceX và Rocket Lab phát triển, vốn cũng chú trọng vào việc giảm lượng khí thải độc hại.
Ngoài các lợi thế về môi trường, Oreshnik còn được tối ưu hóa để rút nhắn thời gian chuẩn bị và phóng tên lửa. Dự án cũng chú trọng vào tính di động và tính linh hoạt. Tên lửa có thể được phóng từ các địa điểm phóng truyền thống như như Plesetsk hay Baikonur, nhưng cũng có thể phóng từ các bệ phóng di động nhỏ hơn.
Việc Nga tập trung vào các phương tiện phóng gọn nhẹ không phải là ngẫu nhiên bởi đây là lĩnh vực mà hiệu quả về chi phí và khả năng sản xuất hàng loạt sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thu hút khách hàng quốc tế. Nếu dự án thành công, đây sẽ là một bước tiến đáng kể trong việc hiện đại hóa chương trình không gian của Nga.
Hệ thống tên lửa lưỡng dụng
Tuyên bố của ông Borisov cùng với sự tồn tại của một tên lửa không gian cùng tên, có thể cho rằng Oreshnik là một dự án lai ghép với các thành phần bắt nguồn từ công nghệ vũ trụ và công nghệ quân sự của Nga.
Tên lửa Oreshnik được đánh giá là vũ khí hiện đại có tốc độ cao, khả năng cơ động cao và sở hữu các công nghệ khiến đối phương rất khó đánh chặn.
Theo các nguồn tin của Nga, tên lửa Oreshnik sử dụng trong cuộc tấn công vào Dnipro hôm 21/11 được trang bị đầu đạn thông thường và đạt tốc độ hơn 13.000 km/h khi chạm mục tiêu.
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Borisov hoàn toàn trái ngược với nhận định của các chuyên gia phương Tây. Họ cho rằng tên lửa Oreshnik là bước tiến mới trong chiến lược quân sự của Nga nhưng nó không phải là công nghệ mới mà là sự phát triển từ các tên lửa hiện có của Moscow.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng, Oreshnik có khả năng bắt nguồn từ RS-26 Rubezh, một tên lửa đạn đạo tầm trung được phát triển cách đây hơn một thập kỷ, nhưng là biến thể được cải tiến và điều chỉnh cho các mục đích mới.
Cũng có những phân tích cho rằng tên lửa Oreshnik mang tính phô diễn hơn là một cải tiến chiến lược thực sự. Theo họ, mục đích của Nga là nhằm tạo ấn tượng quân sự, tạo ấn tượng về sự tiến bộ công nghệ trong khi thực tế chỉ là điều chỉnh các tên lửa cũ.
Công nghệ của Oreshnik có thể có nhiều đặc điểm giống với tên lửa tầm trung và tầm xa của Nga, chẳng hạn như khả năng né tránh mạng lưới radar, cũng như tốc độ cao trong khí quyển.
Khi ông Borisov đề cập việc Roscosmos có thể trao cho Bộ Quốc phòng Nga toàn quyền kiểm soát hệ thống tên lửa Oreshnik, nó cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa chương trình không gian của Nga và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.
Điều này chỉ ra rằng công nghệ do Roscosmos phát triển có thể được điều chỉnh và sử dụng cho mục đích quân sự như một phần của việc tích hợp các công nghệ không gian vào cơ sở hạ tầng quốc phòng.
Tuyên bố của ông Borisov cũng cho thấy, tên lửa Oreshnik có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự. Việc chuyển từ chức năng phóng vệ tinh nhỏ sang mục đích quân sự cũng rất hợp lý với Nga khi có thể tận dụng cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện có để mở rộng sức mạnh quân sự.
Khả năng chuyển giao quyền kiểm soát nhanh chóng và dễ dàng đối với các tên lửa như vậy làm nổi bật hiệu quả và tính linh hoạt của dự án, vốn được phát triển không chỉ cho mục đích phóng vệ tinh.
Hơn nữa, tuyên bố này là một tín hiệu rõ ràng cho Nga rằng các công nghệ vũ trụ của họ có thể nhanh chóng được điều chỉnh cho mục đích quân sự, từ đó mở rộng tiềm năng của Moscow trong việc tạo ra các chiến lược mới cho an ninh vũ trụ và quân sự.
Sự tích hợp giữa các công nghệ dân sự và quân sự như vậy có thể là chìa khóa để củng cố vị thế của Nga trên trường quốc tế trong các cuộc xung đột địa chính trị trong tương lai.