Công nghệ giúp kết nối cung - cầu hàng hóa
Rất nhiều đơn hàng được chốt thành công qua 19 phiên livestream tại hội nghị kết nối cung - cầu
Lần đầu tiên tại Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành, Sở Công Thương TP HCM đã phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp (DN) tổ chức chương trình livestream bán hàng quy mô lớn. Việc này vừa để quảng bá vừa đưa các sản phẩm OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"), đặc sản vùng miền đến gần hơn với cộng đồng thông qua một kênh bán hàng đang phát triển mạnh mẽ.
Doanh nghiệp ở địa phương còn bỡ ngỡ
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, liên tục từ 9 giờ đến 23 giờ ngày 26-9, tại Hội nghị Kết nối cung - cầu TP HCM và các tỉnh, thành năm 2024 (diễn ra ở Nhà Thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ, quận 11), 20 nhà sáng tạo nội dung (KOL) đã thực hiện 19 phiên livestream trên nền tảng TikTok. Họ tích cực quảng bá hơn 300 sản phẩm đến từ hơn 45 tỉnh, thành trên cả nước. Không khí diễn ra vô cùng sôi động.
Bên cạnh những đặc sản nổi tiếng như yến đảo Cần Giờ, dừa sáp Trà Vinh, mật ong Gia Lai, ba khía Đầm Dơi Cà Mau, pate cột đèn Hải Phòng, cà phê Arabica Cầu Đất, sâm Thừa Thiên - Huế, miến dong Tây Bắc, gạo ST25..., rất nhiều sản phẩm, thương hiệu mới toanh cũng lần đầu được giới thiệu đến người tiêu dùng qua các phiên livestream. Ban tổ chức ước tính rất nhiều đơn đặt hàng đã được "chốt" trong suốt 19 phiên livestream.
Tinh thần hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền tiếp cận tệp khách hàng mới thông qua livestream được thống nhất triệt để từ các đơn vị đồng tổ chức đến các KOL. Anh Tạ Công Bằng, KOL của MCN House of Deera với 5,1 triệu lượt theo dõi, cho biết đã chuẩn bị rất kỹ cho chương trình này, với mục tiêu hàng đầu là quảng bá, giới thiệu và thu hút được nhiều người mua sản phẩm của DN.
"Tôi livestream xuyên suốt đến 23 giờ, dự kiến có hơn 100 dòng sản phẩm là đặc sản, OCOP xuất hiện. Mục tiêu của phiên livestream này không phải là doanh số mà tôi muốn dùng hết sức mình giúp sản phẩm của các DN được nhiều người tiêu dùng biết đến" - Tạ Công Bằng bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Đạt, quản lý KOL Huỳnh Bảo (hơn 320.000 lượt theo dõi), cho hay phiên livestream trong chương trình này không hướng đến doanh số mà kỳ vọng lớn nhất là quảng bá, lan tỏa sản phẩm rộng rãi hơn. Qua đây, DN sẽ có cái nhìn nghiêm túc về hoạt động livestream bán hàng, từ đó tập trung đầu tư, phát triển kênh bán hàng này một cách hiệu quả, mở rộng quy mô thay vì chỉ làm theo cách truyền thống.
Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc Cấp cao về Chiến lược và Kế hoạch - Công ty Mitub Việt Nam, cho biết đây là chương trình phi thương mại, chỉ tập trung quảng bá nhiều nhất có thể những sản phẩm địa phương thông qua hình thức mới, được giới trẻ yêu thích.
"Đây là lần tổ chức livestream đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị kết nối cung cầu. DN ở các địa phương chưa tiếp cận hình thức này nên còn vấp váp khá nhiều. Gần sát giờ, vẫn còn một số DN chưa gửi kịp mẫu sản phẩm đúng tiến độ, đành phải bỏ lỡ đợt livestream này. Tuy vậy, các KOL rất hào hứng giới thiệu những sản phẩm mới mẻ, kể câu chuyện của sản phẩm thông qua việc mô tả, trải nghiệm sản phẩm ngay trên màn hình chứ không đặt nặng vấn đề doanh thu" - ông Nhi cho biết.
Ông Nhi nhìn nhận livestream là 1 kênh tốt để làm thương hiệu cho các sản phẩm OCOP địa phương. Về lâu dài, khi các chủ thể có cách tiếp cận bài bản thì livestream có thể là đầu ra lớn cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Đẩy mạnh kênh kết nối trực tiếp
Ở kênh kết nối trực tiếp, chỉ trong ngày 26-9, hơn 300 DN đã đăng ký hơn 1.000 lượt kết nối trực tiếp (B2B) với 16 đơn vị phân phối là siêu thị, sàn thương mại điện tử, chợ đầu mối... để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.
Còn ở khu vực hội chợ, 700 gian hàng của hơn 2.000 DN từ 45 tỉnh, thành đã giới thiệu nhiều mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng chế biến sâu từ nguồn nguyên liệu bản địa. Hầu hết các DN đều giảm giá sản phẩm và tích cực giao lưu, tìm thêm đại lý, nhà phân phối để mở rộng đầu ra, nhất là trong mùa kinh doanh cuối năm này.
Bà Nguyễn Thị Nguyên, đại diện gian hàng Công ty TNHH Yến sào Thọ An (TP HCM), cho biết tất cả các sản phẩm mang tới chương trình như tổ yến, yến chưng… đều được khuyến mãi 20%. Ngày 27-9, gian hàng còn triển khai thêm chương trình quay trúng thưởng, phiếu giảm giá 10%-30%.
"Tất cả sản phẩm mang tới sự kiện dù giảm giá nhưng chất lượng bảo đảm. Hy vọng với mức giá hấp dẫn này, công ty sẽ kết nối thêm nhiều khách hàng mới nhằm mở rộng mạng lưới bán hàng, cùng nhau phát triển và cũng mong là sản phẩm có thể lên kệ siêu thị sớm nhất" - bà Nguyên kỳ vọng.
Ông Trương Quang Trung, đại diện Công ty TNHH Cá sấu Huy Hoàng - chuyên bán đồ da cao cấp, cũng giảm giá 30%-50% cho hơn 100 mã hàng, từ giày dép, túi xách, ví... "Với bất kỳ khách hàng nào có nhu cầu mở đại lý, chúng tôi sẽ hỗ trợ tủ, kệ, bảng hiệu và cam kết hỗ trợ doanh số, marketing, trưng bày sản phẩm trong thời gian đầu để đại lý thuận lợi nhất trong việc kinh doanh" - ông Trung khẳng định.
Mang sản phẩm từ Quảng Trị đến TP HCM để quảng bá, đại diện Khe Sanh Coffee cũng áp dụng giảm giá 10% và có chính sách đặc biệt dành cho đại lý. "Tại sự kiện, một số khách đến trải nghiệm cà phê của chúng tôi và họ khá hài lòng. Mong là sản phẩm sẽ được nhiều người biết đến hơn và tiếp cận thêm nhiều khách hàng hơn" - đại diện này bày tỏ.
Ông Nguyễn Võ Đức Nhã, đại diện Công ty TNHH Định Sơn Cao Dược liệu Mai Thị Thủy (tỉnh Quảng Trị), đem đến nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe như trà cà gai leo, bột ngũ cốc, cao đinh lăng...; giảm giá 15% cho sản phẩm đầu tiên, 30% cho sản phẩm tiếp theo. "Công ty mong được tiếp cận nhiều khách hàng, đại lý, DN cũng như chuỗi siêu thị để sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến hơn " - ông nói.
Tiếp tục các giải pháp "sau kết nối"
Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành do UBND TP HCM chỉ đạo, Sở Công Thương chủ trì tổ chức, kéo dài từ ngày 26 đến 29-9. Phát biểu tại lễ khai mạc sáng 26-9, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho rằng kết nối cung cầu không chỉ dừng lại là kết nối người mua với người bán mà phải là kết nối nâng cao trách nhiệm.
"Hoạt động kết nối năm nay không chỉ, không được dừng lại ở giai đoạn gặp gỡ giữa các bên. Tôi đề nghị Sở Công Thương tiếp tục tập trung giải pháp "sau kết nối". Những DN có sản phẩm được hệ thống phân phối lựa chọn phải được hỗ trợ hoàn thiện về sản phẩm, hồ sơ cung ứng, giải quyết những khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, tồn kho..., nhất là trong giai đoạn đầu vì nhiều DN còn bỡ ngỡ" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Hoan cũng yêu cầu Sở Công Thương tổ chức thường xuyên hoạt động kết nối trực tuyến, qua đó hỗ trợ DN có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sắc...