Công luận Nhật sục sôi sau vụ ám sát cố Thủ tướng Abe
Nhiều hãng truyền thông lớn tại Nhật Bản coi vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe là 'cuộc tấn công vào nền dân chủ nước này', và là 'hành động khủng bố'.
Sự phẫn nộ từ công chúng, tuyên bố cứng rắn từ những chính trị gia trên mạng xã hội đã bùng nổ sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe bằng súng tự chế. Dù từ chức vào năm 2020, ông Abe vẫn có ảnh hưởng lớn đến chính trị trong nước và là chính khách quan trọng của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.
“Viên đạn đã xuyên thủng nền tảng dân chủ”, tờ Asahi của Nhật Bản viết trên trang nhất sau ngày vụ ám sát xảy ra. “Chúng ta run rẩy trong cơn thịnh nộ".
Sự phẫn nộ của dư luận Nhật Bản xuất phát từ cơ sở bàng hoàng ở một đất nước được cho là yên bình và tỷ lệ tội phạm rất thấp. Tại nhiều quán cà phê, việc điện thoại hay ví tiền ở trên bàn không ai trông coi là chuyện thường gặp. Các vụ tấn công bằng súng còn hiếm hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là hầu như không xảy ra với các sự kiện chính trị.
"Hành động khủng bố"
Mikito Chinen, một nhà văn kiêm bác sĩ, nói rằng ông đã bỏ phiếu vào hôm 10/7 vì “phải chứng minh rằng nền dân chủ sẽ không bị đánh bại bởi bạo lực”.
Trong khi đó, giáo sư Mitsuru Fukuda tại Đại học Nihon cho biết vụ tấn công lần này đánh dấu lần đầu tiên một người đã hoặc đang làm thủ tướng Nhật bị ám sát kể từ sau Thế chiến II, và hậu quả của vụ việc có thể rất nghiêm trọng.
“Xã hội của chúng ta đã biến thành nơi mà các chính trị gia và chức sắc có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Điều này khiến mọi người bất an về việc bị tấn công vì tự do bày tỏ quan điểm của mình”, giáo sư Fukuda nói.
Nhiều người Nhật Bản nhớ về tình trạng chính trị và xã hội hỗn loạn tại nước này trước chiến tranh, khi các quan chức yêu cầu người dân ở quê hương phục tùng không nghi ngờ, trong lúc quân đội phát xít bành trướng ở châu Á. Đó là thời kỳ các vụ ám sát, đe dọa và hạn chế xuất hiện đầy rẫy.
Trong các nền dân chủ hiện đại, việc ám sát một người do quan điểm chính trị hầu như chưa xảy ra. Nên việc một vụ ám sát diễn ra ngay trước thềm bầu cử, tại một trong những quốc gia giàu có và ổn định nhất thế giới, dấy lên những lo ngại về sự toàn vẹn của các giá trị cơ bản.
“Nhật Bản là một nước dân chủ, vì vậy việc sát hại một cựu thủ tướng đồng nghĩa với việc tấn công vào tất cả chúng ta”, tờ Japan Times nói trong một bài xã luận. “Đây là hành động khủng bố”.
Giới lãnh đạo vẫn phải tiếp tục chiến dịch sau cái chết của ông Abe, và đảng Dân chủ Tự do (LDP) của cựu thủ tướng đã giành chiến thắng áp đảo hơn dự kiến, sau khi có kết quả bỏ phiếu hôm 10/7.
Câu hỏi về sự an toàn
Nhật Bản thuộc những quốc gia có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt nhất thế giới. Theo báo cáo hàng năm của Bộ Tư pháp, cảnh sát bắt giữ 21 trường hợp liên quan đến sử dụng súng vào năm 2020, với 12 vụ liên quan đến các băng đảng.
Năm 1994, một tay súng đã bắn hụt ông Morihiro Hosokawa, người khi đó là thủ tướng, lúc ông đang phát biểu. Ngoài ra còn có trường hợp Thị trưởng Nagasaki, ông Iccho Ito, bị bắn chết vào năm 2007.
Stephen Nagy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế (Tokyo), nói rằng nhiều người ông trò chuyện coi vụ ám sát ông Abe là “vụ việc của một cá nhân”, không phải cuộc tấn công vào nền dân chủ.
“Mối quan tâm hàng đầu là khoảng trống lãnh đạo khi đảng LDP vừa mất đi một người dẫn dắt, và điều này sẽ tác động đến quỹ đạo chính trị trong nước”, ông Nagy nói.
So với Mỹ và châu Âu, an ninh dành cho các nhà lãnh đạo chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp ở Nhật Bản thường ít nghiêm ngặt hơn, ngoại trừ các sự kiện cấp cao đặc biệt.
Điều này một phần từ nhận thức rằng mối đe dọa từ trong nước là rất thấp. Song, vụ tấn công ông Abe ở nơi công cộng có thể khiến Nhật Bản xem xét lại cách nước này bảo vệ các quan chức và thắt chặt an ninh tại chiến dịch tranh cử hay các sự kiện quy mô lớn.
Nhật Bản từng được biết đến với sự an toàn khi các chính trị gia có thể đến gần người dân để trò chuyện và bắt tay, ông Fukuda nói. “Điều đó từng là một vẻ đẹp, nhưng chúng ta có thể sẽ đánh mất nó”.
Ông nói thêm trong một xã hội mà nguy cơ bị ám sát đã hiện hữu thì việc tăng cường an ninh là điều tất yếu. “Đó là điều đáng tiếc, nhưng chúng ta sẽ không thể đảm bảo an toàn nếu không làm vậy”.