Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda ký kết thỏa thuận hòa bìnhChương mới cho sự ổn định tại Trung Phi

Trong một động thái được cộng đồng quốc tế đánh giá là mang tính bước ngoặt, Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo và Rwanda đã chính thức ký thỏa thuận hòa bình dưới sự bảo trợ và trung gian của Mỹ. Động thái này mở ra hy vọng chấm dứt xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa hai quốc gia láng giềng và góp phần thúc đẩy ổn định khu vực Trung Phi.

Bước ngoặt mang tính biểu tượng

Thỏa thuận hòa bình vừa được ký kết tại Thủ đô Washington là kết quả của nhiều vòng đàm phán kín giữa đại diện hai nước, với sự tham gia tích cực của Ngoại trưởng Mỹ, đại diện Liên Hợp Quốc và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi (AU).

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cùng hai ngoại trưởng Rwanda Olivier Nduhungirehe và CHDC Congo Therese Kayikwamba Wagner tại lễ ký thỏa thuận hòa bình tại Washington, D.C. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cùng hai ngoại trưởng Rwanda Olivier Nduhungirehe và CHDC Congo Therese Kayikwamba Wagner tại lễ ký thỏa thuận hòa bình tại Washington, D.C. Ảnh: AFP

Washington đã tận dụng đòn bẩy viện trợ phát triển, ảnh hưởng ngoại giao và cả áp lực chính trị để thúc đẩy quá trình đàm phán. Đây là lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, lãnh đạo CHDC Congo và Rwanda cùng ngồi lại đối thoại trực tiếp nhằm giải quyết những căng thẳng kéo dài tại khu vực biên giới phía Đông Congo, nơi nhóm phiến quân M23 vẫn là điểm nóng tranh cãi.

Không những vậy, sự kiện này còn đánh dấu một bước đi nổi bật trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Phi, cho thấy Washington đang từng bước củng cố lại ảnh hưởng tại châu Phi trong bối cảnh khu vực này ngày càng trở thành nơi cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc như Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU).

Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí chấm dứt ngay lập tức và vô điều kiện mọi hình thức hỗ trợ nhà nước đối với các nhóm vũ trang phi chính phủ hoạt động trong khu vực. Rwanda cam kết rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ CHDC Congo trong vòng 90 ngày, với sự giám sát và xác minh của một cơ chế phối hợp chung. Bên cạnh đó, hai nước sẽ thiết lập một Cơ chế điều phối an ninh phối hợp trong vòng 30 ngày đầu tiên nhằm giám sát việc thực thi các điều khoản của thỏa thuận.

Thỏa thuận cũng bao gồm kế hoạch giải giáp và tái hòa nhập các nhóm vũ trang phi nhà nước như M23 và FDLR, đồng thời bảo đảm trung lập hóa các lực lượng này để tiến tới ổn định lâu dài. Hai quốc gia cam kết tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nhau và ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm biên giới.

Ngoài các nội dung quân sự và an ninh, thỏa thuận còn đặt nền tảng cho hợp tác kinh tế và nhân đạo. Trong vòng 90 ngày, một khung hợp tác kinh tế khu vực sẽ được triển khai, nhằm thúc đẩy thương mại, xuất khẩu khoáng sản minh bạch và bền vững. Đáng chú ý, Mỹ sẽ được dành quyền tiếp cận ưu tiên đối với các nguồn khoáng sản chiến lược như cobalt, lithium, tantalum và vàng - yếu tố được xem là nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng do Trung Quốc kiểm soát.

Thỏa thuận cũng cam kết hỗ trợ người tị nạn và người di cư nội địa quay trở về, đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận viện trợ nhân đạo cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cùng hai ngoại trưởng Rwanda và CHDC Congo bắt tay sau lễ ký thỏa thuận hòa bình tại Washington, D.C. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cùng hai ngoại trưởng Rwanda và CHDC Congo bắt tay sau lễ ký thỏa thuận hòa bình tại Washington, D.C. Ảnh: AFP

Cơ hội tái thiết nền kinh tế

Thỏa thuận hòa bình vừa được ký kết không chỉ mang ý nghĩa chính trị - ngoại giao giữa CHDC Congo và Rwanda, mà còn mở ra những cơ hội thực chất cho tiến trình ổn định và phát triển tại khu vực. Giới quan sát nhận định, đây là một trong những thời điểm hiếm hoi trong gần hai thập kỷ mà cả hai quốc gia đạt được sự đồng thuận chính thức và công khai về việc thiết lập hòa bình. Việc có sự trung gian của một cường quốc như Mỹ được xem là yếu tố then chốt, khi tạo ra một bên giám sát có đủ ảnh hưởng và cam kết lâu dài, giúp duy trì sức ép nhằm bảo đảm việc thực thi nghiêm túc các cam kết từ cả hai phía.

Quan trọng hơn, nếu hòa bình được bảo đảm, đây sẽ là điều kiện tiên quyết để tái thiết nền kinh tế miền Đông Congo. Hiện nay, phần lớn các mỏ khoáng sản chiến lược của khu vực vẫn nằm trong tay các nhóm vũ trang hoặc bị khai thác lậu, khiến nhà nước Congo thất thu nghiêm trọng. Hòa bình sẽ tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phục hồi hoạt động khai thác chính quy, đồng thời thúc đẩy tạo việc làm, tăng thu ngân sách và củng cố nguồn lực cho phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, sự can dự lâu dài của cộng đồng quốc tế, đặc biệt thông qua các cơ chế như phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, các chương trình tái thiết của Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ mở ra cơ hội để Congo kết nối trở lại với các đối tác phát triển, sau nhiều năm bị cô lập bởi xung đột và bất ổn kéo dài.

Thử thách phía trước

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng không có nền hòa bình nào là dễ dàng, và vòng đàm phán vừa qua mới chỉ là bước khởi đầu trong một tiến trình đầy chông gai.

CHDC Congo hiện đang đối mặt với nhiều lớp thách thức đan xen, khi các nhóm vũ trang như M23, FDLR cùng hàng chục tổ chức khác vốn không hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Việc thuyết phục họ từ bỏ vũ khí, rút khỏi các khu vực chiếm đóng và tái hòa nhập vào xã hội sẽ là một quá trình kéo dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ đổ vỡ.

Bên cạnh đó, tâm lý hoài nghi giữa hai chính phủ tiếp tục là lực cản lớn đối với cam kết chính trị lâu dài. Tại Congo, một bộ phận tướng lĩnh quân đội và quan chức địa phương vẫn coi Rwanda là mối đe dọa chiến lược, không tin tưởng vào thiện chí từ phía Kigali. Ở chiều ngược lại, giới lãnh đạo Rwanda vẫn giữ thái độ dè chừng trước các động thái từ Kinshasa, trong bối cảnh lo ngại về an ninh biên giới chưa được giải tỏa.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, những điểm yếu cố hữu trong cơ cấu quyền lực và năng lực quản trị của Congo tiếp tục là rào cản lớn. Nếu chính quyền không thể nhanh chóng thiết lập bộ máy hành chính hiệu quả tại các vùng từng do phiến quân kiểm soát, thì nguy cơ hòa bình chỉ tồn tại trên giấy là rất cao. Tình trạng tham nhũng, thiếu đầu tư hạ tầng, cùng sự yếu kém trong cung cấp các dịch vụ công thiết yếu sẽ tiếp tục tạo môi trường cho bạo lực tái phát và làm xói mòn niềm tin vào tiến trình hòa bình.

Hòa bình cần cam kết thực chất

Việc DRC và Rwanda ký kết thỏa thuận hòa bình dưới sự trung gian của Mỹ là một bước tiến tích cực và cần thiết trong nỗ lực giải quyết xung đột tại Trung Phi. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của thỏa thuận vẫn phụ thuộc vào ý chí chính trị của hai bên, sự đồng thuận từ các lực lượng trong nước và sự giám sát nghiêm túc từ cộng đồng quốc tế. Trong một khu vực mang nặng quá khứ xung đột và thiếu niềm tin, hòa bình chỉ có thể thành hiện thực nếu các bên không chỉ ký kết, mà còn cam kết hành động vì một tương lai chung ổn định và bền vững.

Dù vẫn còn nhiều nghi ngại, đây vẫn là cơ hội để Congo và Rwanda tái khởi động quan hệ láng giềng dựa trên tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng phát triển. Mỹ với vai trò trung gian không chỉ chứng minh năng lực ngoại giao, mà còn cần tiếp tục theo sát để bảo đảm các cam kết được thực thi một cách thực chất.

Lịch sử khu vực từng chứng kiến không ít cơ hội bị bỏ lỡ, nhưng lần này thế giới đang kỳ vọng vào một kết quả tích cực - một nền hòa bình thực chất không chỉ được ký trên giấy, mà còn hiện hữu trong đời sống của hàng triệu người dân Congo và Rwanda.

Nguồn cơn xung đột

Xung đột giữa CHDC Congo và Rwanda không đơn thuần là tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia láng giềng, mà là sự giao thoa phức tạp của các yếu tố lịch sử, sắc tộc, chính trị và kinh tế.

Sau cuộc diệt chủng tại Rwanda vào năm 1994, khoảng 2 triệu người Hutu, trong đó có cả các thành viên dân quân tham gia thảm sát, chạy sang Congo (khi đó là Zaire) để lánh nạn. Kể từ đó, các nhóm vũ trang Hutu, đặc biệt là Lực lượng Dân chủ Giải phóng Rwanda (FDLR), tiếp tục hoạt động ở miền Đông Congo, trở thành mối đe dọa thường trực đối với Rwanda. Để đối phó, Rwanda nhiều lần triển khai quân hoặc hậu thuẫn lực lượng nổi dậy Tutsi M23 nhằm tiêu diệt các nhóm này.

Bên cạnh đó, xung đột càng trở nên phức tạp hơn bởi lợi ích kinh tế. Miền Đông Congo vốn khu vực giàu tài nguyên, với trữ lượng lớn các loại khoáng sản chiến lược như coban, coltan, thiếc, vàng và tungsten - những nguyên liệu thiết yếu cho ngành công nghiệp nặng, điện tử và sản xuất pin xe điện. Chính sự dồi dào tài nguyên này khiến khu vực trở thành điểm nóng bị tranh giành giữa các nhóm vũ trang và các thế lực bên ngoài.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cong-hoa-dan-chu-congo-va-rwanda-ky-ket-thoa-thuan-hoa-binh-chuong-moi-cho-su-on-dinh-tai-trung-phi-10378527.html
Zalo