Cộng đồng quốc tế kêu gọi ngăn xung đột lan rộng tại Trung Đông
* Nhiều hãng hàng không châu Âu tạm dừng chuyến bay đến và đi từ Israel và Liban
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Libăng leo thang nghiêm trọng, cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi các bên kiềm chế để tránh nguy cơ xung đột lan rộng.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty và người đồng cấp Nhật Bản Yoko Kamikawa đã nhất trí trong cuộc họp vào ngày 25/8 về sự cần thiết phải ngăn căng thẳng leo thang trên mặt trận Libăng, để tránh cuộc chiến tranh toàn diện ở khu vực.
Trong cuộc hội đàm, Ngoại trưởng hai nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các nỗ lực chung, phối hợp với các đối tác quốc tế và khu vực, nhằm ngăn ngừa cuộc xung đột rộng lớn hơn, có nguy cơ đe dọa an ninh và sự ổn định tại Trung Đông.
Ngoài ra, hai bên kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza, đảm bảo việc thả con tin và tù nhân, cũng như việc tiếp cận một cách vô điều kiện hàng viện trợ nhân đạo và vật tư y tế để giảm bớt đau khổ cho người dân Palestine.
Đây là cuộc gặp thứ 2 tại Tokyo (Nhật Bản) trong 48 giờ giữa ông Abdelatty và bà Kamikawa, bên lề Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD)cấp bộ trưởng.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập, việc tổ chức cuộc hội đàm lần thứ 2 giữa hai ngoại trưởng phản ánh mối quan tâm trong việc tham vấn và phối hợp giữa Nhật Bản và Ai Cập - quốc gia đã đóng vai trò quan trọng trong việc hòa giải để ngăn căng thẳng leo thang ở Trung Đông ngay từ đầu.
Cuộc gặp cũng cho thấy rõ cam kết của Nhật Bản trong việc ngăn chặn leo thang trong khu vực và đạt được hòa bình.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trả lời phỏng vấn báo chí trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Đông, Tướng Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, khẳng định mục tiêu của ông là cùng các đối tác khu vực đạt nhất trí về những bước đi cần thiết để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng và nguy cơ xung đột lan rộng.
Ông cho biết sẽ thảo luận với các tướng lĩnh Israel về kế hoạch phản ứng của quân đội Israel trước nguy cơ Iran tấn công trong thời gian tới.
Tướng Brown ngày 23/8 đã tới Jordan và bắt đầu chuyến công du không thông báo trước tại Trung Đông. Ngày 24/8, ông Brown đến Ai Cập để tiếp kiến Tổng thống Abdel Fatah al-Sisi và trao đổi với các tướng lĩnh quân đội sở tại về triển vọng xung đột tại Gaza.
Ngày 25/8, ông Brown đã đến Israel và có các cuộc làm việc với các quan chức cao cấp nước chủ nhà.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Savatt cho hay Tổng thống Joe Biden và các quan chức chính quyền Mỹ đang theo dõi sát diễn biến tại biên giới Libăng, cũng như liên lạc thường xuyên với các đối tác Israel để hạn chế nguy cơ xung đột lan rộng.
Tương tự, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ ngày 25/8 đã ra thông báo bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Trên mạng xã hội X, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên ưu tiên đối thoại và kiềm chế các hành động leo thang hơn nữa. Thụy Sĩ cũng kêu gọi các bên liên quan tham gia đàm phán ngừng bắn tại Dải Gaza”.
Trước đó, máy bay chiến đấu của Israel đã tiến hành hơn 40 cuộc không kích vào các vị trí của lực lượng Hezbollah ở miền Nam Libăng. Đây là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất kể từ khi xảy ra xung đột giữa phong trào Hamas và Israel. Quân đội Israel tuyên bố rằng các cuộc tấn công này nhằm ngăn chặn một loạt tên lửa của Hezbollah.
Cùng ngày, nhóm Hezbollah cho biết đã phóng hàng trăm tên lửa vào sâu trong lãnh thổ Israel. Đây được cho là "giai đoạn đầu tiên" trong phản ứng của tổ chức này với vụ ám sát chỉ huy cấp cao Fouad Shukr vào tháng trước.
Căng thẳng leo thang diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza khiến hơn 40.300 người Palestine thiệt mạng. Chiến dịch quân sự đã biến phần lớn lãnh thổ của Palestine thành đống đổ nát và khiến nhiều người dân trở thành vô gia cư, đói khát và dễ mắc bệnh.
* Theo kênh tin tức BFMTV của Pháp, Air France đã quyết định đình chỉ các chuyến bay đến các thành phố Tel Aviv của Israel và Beirut của Libăng cho đến ít nhất là ngày 26/8 do căng thẳng gia tăng trong khu vực này.
Phát ngôn viên của Air France cho biết quyết định đình chỉ nói trên có thể được kéo dài sau khi công ty tiến hành đánh giá lại tình hình vào ngày 26/8.
Trước đó, Air France, thường xuyên vận hành dịch vụ bay hàng ngày đến cả hai thành phố nói trên, đã tạm dừng các chuyến bay đến Beirut từ ngày 29/7-15/8, nhưng vẫn tiếp tục các chuyến bay đến Tel Aviv.
Transavia, công ty con của Air France, cũng đang ngừng các chuyến bay đến cả hai điểm đến này. Tương tự, British Airways cũng thông báo đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv của Israel cho đến ngày 28/8.
“Gã khổng lồ” hàng không Đức Lufthansa đã kéo dài thời gian đình chỉ các chuyến bay đến Beirut cho đến ngày 30/9 và đến Tel Aviv và Tehran cho đến ngày 2/9.
Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ Wizz Air của Hungary ngày 25/8 cũng cho biết đang tạm thời đình chỉ các chuyến bay giữa Sân bay Luton, gần London (Anh), và Israel do tình hình leo thang căng thẳng.
Một hãng hàng không lớn khác là Virgin Atlantic cho biết sẽ kéo dài thời gian đình chỉ các chuyến bay hàng ngày từ Sân bay Heathrow đến Tel Aviv cho đến ngày 25/9 sau khi xem xét tình hình an ninh.