Cộng đồng quản lý rủi ro thiên tai từ cơ sở
Trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, việc nâng cao nhận thức cộng đồng và tổ chức hiệu quả mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có vai trò rất quan trọng. Do đó, nhiều địa phương đã phát huy mô hình phòng, chống thiên tai tại cơ sở, góp phần giảm thiểu rủi ro, hướng tới xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai.
Thực tế tại địa phương
Huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là một trong những địa phương được Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam triển khai chương trình phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng từ năm 2007. Hàng năm, tất cả các thôn bản tham gia chương trình đều sử dụng công cụ đánh giá rủi ro để lập kế hoạch phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, ông Lục Giang Bằng thông tin, hàng năm, các cấp chính quyền phối hợp với cấp thôn, bản tổ chức huấn luyện phòng, chống thiên tai cho nhân dân, qua đó, nhận thức của người dân về công tác phòng, chống thiên tai được nâng lên rõ rệt. Trước thiên tai, người dân đã chủ động sửa chữa nhà, chằng néo mái nhà, sử dụng bao tải để che chắn trước các cơn gió lốc trên địa bàn. Đối với nông nghiệp, người dân chủ động thu hoạch lúa, hoa màu trước mùa mưa để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho cuộc sống.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Đỗ Quang Dũng, thực hiện Chương trình phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng, đến nay, 100% cấp xã ở huyện Quản Bạ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng phó thiên tai; xây dựng bài bản kế hoạch ứng phó, phòng, chống tiên tai; thường xuyên cập nhật tình hình dự báo thời tiết, mưa đá, lốc sét, lũ quét… thông qua mạng xã hội, Zalo. Hiện nay, huyện đã thành lập được Đội cứu hộ cứu nạn với 80 thành viên; đội xung kích phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã có từ 20 thành viên trở lên. Toàn huyện có 107 thôn, bản thì tất cả các thôn, bản này đều có đội xung kích với sự tham gia của lực lượng thanh niên, dân quân.
“Trong ba tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng lớn của các đợt rét hại. Các thông tin dự báo, cảnh báo hình thái thời tiết này được cập nhật kịp thời trên các nhóm Zalo kết nối từ cơ quan thường trực là Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của huyện đến 107 thôn bản. Do đó, huyện Quản Bạ không có thiệt hại về người và gia súc bởi đã làm tốt công tác phòng ngừa”, ông Đỗ Quang Dũng nêu ví dụ.
Nghệ An cũng là tỉnh thường xuyên hứng chịu nhiều loại hình thiên tai hàng năm, tuy nhiên thời gian qua, tỉnh đã nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai. Các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 92 lớp đào tạo, tập huấn; 63 hội nghị, hội thảo và 11 đợt diễn tập tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức trong phòng, chống thiên tai cho trên 50.000 đối tượng là cán bộ, người dân, người cao tuổi, người dễ bị tổn thương. Tổng kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền là hơn 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung ương, tỉnh hỗ trợ các địa phương sửa chữa, khắc phục, xây dựng 170 công trình quy mô nhỏ phòng, chống thiên tai, xây dựng 6 nhà cộng đồng chống lũ với tổng kinh phí trên 235 tỷ đồng.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Nghệ An Nguyễn Trường Thành cho biết, với vai trò là cơ quan đầu mối, hàng năm, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đều có văn bản đề nghị các địa phương phổ biến kiến thức ứng phó thiên tai được đăng tải trên trang web của Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đơn vị cũng cử cán bộ xuống các huyện trực tiếp giảng dạy, truyền đạt kiến thức phòng, chống thiên tai tới người dân.
Để giúp người dân kịp thời nắm bắt các thông tin về cảnh báo, dự báo thiên tai, tin tức phòng, chống thiên tai, công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó với từng loại hình thiên tai, Ban Chỉ huy đã hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng “PCTT” trên điện thoại; đăng thông tin trên các trang Facebook “Thông tin Phòng, chống thiên tai ” do Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai quản lý; trên trang “Thông tin phòng chống thiên tai Nghệ An” do Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An lập…
Các đơn vị như Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Tỉnh đoàn, Công an tỉnh tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, đào tạo, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn Nghệ An.
Xây dựng địa phương an toàn
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Vài, ông Lục Giang Bằng, để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai trong cộng đồng, UBND xã đã xây dựng kế hoạch ứng phó với thiên tai theo phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “Ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả). Trong đó, xã tập trung vào việc tập huấn sơ cấp cứu, cứu hộ cho Ban phòng, chống thiên tai xã, thôn; bổ sung các dụng cụ sơ cấp cứu - cứu hộ; nâng cấp hệ thống cảnh báo của toàn xã (loa cầm tay, loa cố định, phân công con người); tổ chức diễn tập kiểm tra tính khả thi của phương án cảnh báo, sơ tán dân; chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm để hỗ trợ các thôn ứng phó thiên tai...
Đối với huyện Quản Bạ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Quang Dũng cho hay, trên cơ sở các kế hoạch phòng, chống thiên tai của Trung ương, tỉnh Hà Giang, huyện Quản Bạ mong muốn các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ, trang bị kiến thức cho người dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên nhận thức đầy đủ về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, các công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, thực hiện các giải pháp như trồng cây xanh, trồng rừng, nông nghiệp sinh thái… để giảm thiểu rủi ro, xây dựng địa phương an toàn trước thiên tai.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất có thể xảy ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ đề xuất tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp kiến thức về phòng, chống thiên tai và tác động của thiên tai đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, đặc biệt là tuyên truyền tới người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra bão, lũ quét, sạt lở đất. Cùng với đó, các địa phương, cơ quan chức năng trong tỉnh xây dựng kịch bản ứng phó với thiên tai, bão lụt sát với thực tế, điều kiện của địa phương để không bị động, bất ngờ.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Nguyễn Văn Tiến nêu rõ, để công tác nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai được thực hiện hiệu quả hơn, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tập trung triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” (Đề án 553); trong đó tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan đến nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai, đề xuất các giải pháp hoàn thiện.
Cục phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng giáo án, bộ bài giảng phục vụ đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; xây dựng sổ tay phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, cán bộ đài truyền thanh cấp xã…
Cùng với đó, Cục rà soát, hướng dẫn, củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, tập huấn viên cấp Trung ương và địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng phục vụ việc triển khai Đề án 553; hỗ trợ các chương trình, đề án có liên quan và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng mô hình lồng ghép nội dung, hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng vào các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội...