Cộng đồng doanh nghiệp Đồng Tháp với khát vọng cùng nhau kiến tạo, đột phá
Việc sáp nhập tỉnh Đồng Tháp - tỉnh Tiền Giang thành tỉnh Đồng Tháp mới không chỉ đơn thuần là sự hợp nhất về địa giới hành chính mà còn tạo ra “cú hích” mạnh mẽ, thúc đẩy bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển. Trên vùng đất mới rộng lớn hơn, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Đồng Tháp nhanh chóng nắm bắt cơ hội, hiện thực hóa khát vọng vươn lên bằng những dự án sáng tạo, mô hình sản xuất xanh. Bên cạnh tinh thần tiên phong, các DN còn kỳ vọng sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền tỉnh để cùng nhau kiến tạo những bước tiến đột phá.

Một góc phường Mỹ Tho nhìn từ trên cao(Ảnh: Thượng Toàn)
Doanh nghiệp tiên phong - khát vọng bứt phá trên vùng đất mới
Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đông Nghi, xã Long Hưng, tỉnh Đồng Tháp (thuộc xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cũ) đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi dê sữa khép kín, từ việc phát triển đàn dê chất lượng cao đến chế biến đa dạng các sản phẩm từ sữa dê tươi. Hiện tại, với 14 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được công nhận, HTX Nông nghiệp Đông Nghi không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn góp phần nâng tầm giá trị nông sản địa phương. Sở hữu vị trí địa giới gần khu vực phường Mỹ Tho, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô, HTX Nông nghiệp Đông Nghi đang “ấp ủ” nhiều dự định lớn, từ việc tăng sản lượng, nâng cấp công nghệ chế biến đến đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm vươn ra các thị trường lớn hơn trong và ngoài tỉnh.
Chia sẻ về những kỳ vọng sau cột mốc sáp nhập, chị Lê Khắc Đông Nghi - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Nghi, cho biết: “Sau khi sáp nhập tỉnh, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh mới. Cụ thể, HTX rất mong muốn tỉnh sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như: quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông lớn, tạo điều kiện về quỹ đất hoặc mặt bằng thuận lợi để mở rộng cơ sở sản xuất và tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Những hỗ trợ này sẽ là động lực quan trọng giúp HTX phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương”.
Nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển, hiện tại, tỉnh đang gấp rút hoàn thiện quy hoạch, tổ chức các hội nghị đối thoại và công khai thủ tục hành chính qua cổng trực tuyến nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi, giúp DN tiết kiệm nhân lực và chi phí. Sự chủ động này là minh chứng cho quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng DN phát triển.

Việc sáp nhập tỉnh Đồng Tháp - tỉnh Tiền Giang thành tỉnh Đồng Tháp mới mở ra không gian phát triển rộng lớn, tạo sự bứt phá cho nền kinh tế tỉnh nhà trong tương lai (Ảnh: Thượng Toàn)
Lĩnh vực xây dựng và bất động sản cũng không đứng ngoài xu hướng tích cực này. Công ty TNHH Xây dựng Vietbuild Design, phường Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (Phường 1, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũ) đang chủ động “bắt sóng” những điều chỉnh về không gian phát triển. Ông Lê Anh Bảo - Giám đốc công ty nhận định, việc sáp nhập đi kèm với quy hoạch mở rộng hạ tầng kỹ thuật và phát triển nhà ở xã hội tại vùng nông thôn.
Với sự minh bạch và chủ động cung cấp thông tin của tỉnh được xem là “chìa khóa” để Công ty TNHH Xây dựng Vietbuild Design và các DN cùng ngành kịp thời triển khai khảo sát, thiết kế, thi công, đồng thời thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ thị trường. Điều này không chỉ giúp DN đẩy nhanh tiến độ dự án mà còn góp phần vào sự phát triển đô thị và nông thôn mới của địa phương.
Bên cạnh đó, đối với tầm nhìn dài hạn về năng lực cạnh tranh cũng được các DN đề cao. Ông Lê Hồng Tín - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Tín Tiến, phường Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (Phường 1, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũ) nhấn mạnh: “Tinh thần đổi mới, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh sẽ quyết định việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Không gian mở rộng, tiềm lực tăng lên, nếu có chiến lược đồng bộ, tỉnh Đồng Tháp mới hoàn toàn có thể bứt phá vào nhóm dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
Đi đôi với kỳ vọng về hạ tầng và môi trường đầu tư, xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn đang tạo nên sức hút mới đối với các DN. Công ty TNHH Công nghệ ENDOTA, phường Mỹ Ngãi (xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũ) là minh chứng rõ ràng cho mô hình tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp - từ cùi, vỏ đến hạt xoài để sản xuất than sinh học, than hoạt tính, giấm gỗ và thức ăn cho ấu trùng ruồi lính đen. Đây là một hướng đi chiến lược, vừa giải quyết vấn đề môi trường, vừa tạo ra giá trị kinh tế.
Theo kế hoạch, Công ty TNHH Công nghệ ENDOTA sẽ mở rộng vùng thu gom nguyên liệu, xây dựng sân phơi tập trung và triển khai dây chuyền pyrolysis hiện đại. Công ty TNHH Công nghệ ENDOTA kỳ vọng sản lượng và doanh thu tăng thêm 20 - 25% trong năm tới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, DN mong tỉnh mới ưu tiên quỹ đất cho sân phơi, hỗ trợ vốn vay và chính sách thuê đất ưu đãi. “DN cần sự đồng hành về cơ chế đầu tư thiết bị, công nghệ và nguồn vốn khởi nghiệp. Khi đó, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ phát huy tối đa hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường vừa tạo việc làm cho lao động địa phương” ông Võ Duy Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ ENDOTA chia sẻ.

Công ty TNHH Xây dựng Vietbuild Design (phường Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) kỳ vọng việc mở rộng không gian sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản
Chính quyền đồng hành - điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp
Chia sẻ về sự cam kết đồng hành của lãnh đạo tỉnh cùng cộng đồng DN tỉnh nhà, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang khẳng định: “Sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát lại quy hoạch tổng thể, tích hợp không gian phát triển một cách khoa học, hiệu quả. Mục tiêu là phát huy tối đa thế mạnh truyền thống của vùng trái cây và nông nghiệp, đồng thời quyết liệt khắc phục những hạn chế, thách thức còn tồn tại. Với địa bàn rộng lớn và tiềm lực mới được mở ra sau sáp nhập, tỉnh cần cách tiếp cận tích hợp và đồng bộ. Điều này nhằm tạo mọi điều kiện để DN yên tâm đầu tư, đổi mới sáng tạo, từ đó cùng tỉnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững và thịnh vượng chung”.
Sự quan tâm sát sao của lãnh đạo tỉnh đã và đang trở thành “điểm tựa” vững chắc, tạo niềm tin cho cộng đồng DN Đồng Tháp. Từ việc cắt giảm thủ tục hành chính, đến ban hành gói hỗ trợ khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tất cả đều hướng về mục tiêu chung, biến khát vọng sáp nhập thành động lực đột phá.
Việc sáp nhập không chỉ là gộp lại 2 vùng đất mà đó còn là sự cộng hưởng của thế mạnh, khát vọng và tinh thần đổi mới. Trên vùng đất Đồng Tháp mới, mỗi DN chính là “hạt nhân” lan tỏa giá trị, là nhân chứng cho sức bật của nền kinh tế địa phương. Khi chính quyền và DN cùng đồng hành, trao gửi niềm tin và hành động thiết thực, tương lai phát triển vượt bậc trở thành điều không còn xa.