Công đoàn Việt Nam tích cực hưởng ứng, thực hiện nghiêm việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu vừa ký công văn gửi Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; các Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và các đơn vị trực thuộc về việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo Kết luận số 106-KL/TW ngày 13/12/2024 của Bộ Chính trị

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo Kết luận số 106-KL/TW ngày 13/12/2024 của Bộ Chính trị

Thực hiện Kết luận số 106-KL/TW, ngày 13/12/2024 của Bộ Chính trị về việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và các văn bản có liên quan, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, người lao động, tích cực hưởng ứng, thực hiện nghiêm việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị:

Bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn trong thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để chủ động tham mưu với cấp có thẩm quyền việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, bố trí cán bộ trong các cơ quan, đơn vị của công đoàn đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; phát huy vai trò của công đoàn trong việc tham gia sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động, nhất là chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc và phân công nhiệm vụ với chức danh thấp hơn.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về chủ trương, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong tình hình mới. Tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, người lao động để thường xuyên báo cáo, phản ánh với cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị có phương án xử lý phù hợp.

Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, người lao động về sự cấp bách, cần thiết phải thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế phục vụ yêu cầu phát triển tổ chức Công đoàn, phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chủ động tham mưu với cấp ủy về nhân sự cán bộ công đoàn để sau khi triển khai sắp xếp, tinh gọn, phải có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống công đoàn thực sự đủ trình độ, phẩm chất, năng lực ngang tầm với nhiệm vụ; đảm bảo bộ máy công đoàn các cấp hoạt động liên tục, hiệu quả.

Nơi công đoàn có chính quyền, cơ quan chuyên môn trong diện kết thúc hoạt động, hợp nhất, giải thể, sáp nhập cần chủ động chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và khẩn trương quyết toán tài chính công đoàn để phục vụ công tác bàn giao và thực hiện nhiệm vụ bình thường ngay khi bộ máy được sắp xếp.

Việc sắp xếp tổ chức Công đoàn sẽ giúp bộ máy ngày càng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả để thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện cho giai cấp công nhân, lao động

Việc sắp xếp tổ chức Công đoàn sẽ giúp bộ máy ngày càng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả để thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện cho giai cấp công nhân, lao động

Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết liệt thực hiện Kế hoạch số 04-KH/BCĐ ngày 13/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

Căn cứ tình hình thực tiễn, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao đổi và đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy phối hợp sắp xếp tổ chức bộ máy liên đoàn lao động tỉnh, thành phố.

Theo đó, Công đoàn sẽ giảm các ban chuyên môn thuộc cơ quan liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiến hành sắp xếp các ban chuyên môn, giảm từ 1 đến 2 ban tùy theo mô hình hiện tại. Cụ thể:

Các đơn vị có 7 ban sẽ giảm xuống còn tối đa 5 ban (giảm 28.6%).

Các đơn vị có 6 ban sẽ giảm xuống còn tối đa 4 ban (giảm 33.3%).

Các đơn vị có 4 ban sẽ giảm xuống còn tối đa 3 ban (giảm 25%).

Đề xuất giữ nguyên công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất. Do tính chất và vị trí quan trọng của công đoàn khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong tình hình mới, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất các tỉnh ủy, thành ủy giữ nguyên mô hình đối với công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao mà không thuộc diện giải thể hay sáp nhập, hợp nhất.

Một điểm đáng chú ý là Công đoàn Việt Nam sẽ giải thể toàn bộ các công đoàn ngành địa phương và tương đương (bao gồm công đoàn ngành giáo dục, y tế, công thương tại các địa phương không thực hiện thí điểm).

Thay vào đó, các công đoàn cơ sở và đoàn viên công đoàn của các đơn vị này sẽ chuyển sang quản lý của Công đoàn Khối đảng và Công đoàn Khối chính quyền trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, các công đoàn ngành đang thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 02-NQ/TW sẽ chưa bị sắp xếp, giải thể./.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/cong-doan-viet-nam-tich-cuc-huong-ung-thuc-hien-nghiem-viec-doi-moi-sap-xep-to-chuc-bo-may-37356.html
Zalo