Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị với đại diện các ngân hàng nước ngoài
Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú yêu cầu người giữ vị trí trong các ngân hàng nước ngoài tham gia tư vấn với đại diện ngân hàng mẹ cho phép người lao động tham gia Công đoàn Việt Nam.
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam: Điểm tựa vững chắc cho người lao động
Ngày 17/2, tại TP. Hồ Chí Minh, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị với đại diện của các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Hội nghị diễn ra đầu Xuân cho một khởi đầu mới và đánh giá tình hình hoạt động chăm lo cho người lao động Tết cổ truyền Ất Tỵ - 2025 tại các tổ chức tín dụng có yếu tố nước ngoài. Trong bối cảnh, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đang triển khai thực hiện Đề án thí điểm sắp xếp Công đoàn Ngành tập trung, xuyên suốt hiệu quả.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho rằng, người lao động tham gia công đoàn là tự nguyên nhưng mỗi tổ chức tín dụng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cần thành lập tổ chức công đoàn - Ảnh: Đình Hải
Một ngân hàng Singapore công bố sẽ thành lập Công đoàn ngay tại hội nghị
Theo số liệu thống kê, hiện có 60 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 5 đơn vị đã thành lập tổ chức công đoàn, còn lại chưa có tổ chức công đoàn với số lượng khoảng 8.250 người lao động.
Theo các tổ chức tín dụng nước ngoài, khó khăn lớn nhất của các đơn vị đang hoạt động tại Việt Nam phải xin ý kiến của ngân hàng mẹ hoặc ngân hàng khu vực ở quốc tế, trong khi luật pháp công đoàn giữa các quốc gia có sự khác biệt.
Đại diện Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, thời gian qua ngân hàng toàn cầu này hoạt động tại Việt Nam đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, nhưng thành lập một tổ chức công đoàn trong lòng HSBC Việt Nam lại phụ thuộc rất nhiều vào quyết định tại trụ sở khu vực của ngân hàng này.
Trong khi đó Sumitomo Mitsui chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nêu lên những thách thức chung của các ngân hàng nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hiện nay khi thành lập tổ chức công đoàn là không có nguồn nhân lực.
Các ngân hàng nước ngoài tối đa hóa hiệu quả hoạt động nên tiết giảm tối đa các chi phí, chỉ tuyển dụng nhân sự làm chuyên môn là chủ yếu. Trong trường hợp sử dụng nhân sự chuyên môn, kiêm nhiệm hoạt động công đoàn, người lao động ngại va chạm nếu xảy ra các vụ việc không đồng thuận và kỷ luật lao động…
Có chung những khó khăn trên, bà Nguyễn Khánh Ninh Trang – Giám đốc cao cấp Phòng Nhân sự của Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, ngân hàng của Singapore này đang lên kế hoạch và thành lập tổ chức công đoàn, bởi số lượng người lao động cho UOB Việt Nam hiện nay đã lên đến hơn 1.500 nhân sự và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Đại diện của UOB Việt Nam cho biết thêm, việc thành lập tổ chức công đoàn trong ngân hàng này sẽ cần thêm thời gian do đơn vị còn phải thuê luật sư để thực hiện các thủ tục, tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam.
Tham gia Công đoàn Việt Nam để bảo vệ quyền lợi người lao động
Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú, biểu dương các tổ chức tín dụng nước ngoài thời gian qua đã tịch cực tuân thủ pháp luật Việt Nam. Trong đó có những ngân hàng hoạt động có hiệu quả cao, làm đa dạng các sản phẩm và kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng cho nhà đầu nước ngoài và người dân Việt Nam.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN thông tin, Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị Việt Nam, được thiết lập từ Trung ương đến địa phương và vào đến từng đơn vị. Theo đó, trong các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam có những chính sách cho công đoàn, người lao động và người lao động tham gia tự nguyện.
Trên cơ sở này, các ngân hàng nước ngoài nên tham gia vào tổ chức Công đoàn Việt Nam để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, ngược lại người lao động có tổ chức sinh hoạt, chung chuyên môn sẽ có trách nhiệm đóng góp cho chính tổ chức đang phục vụ. Tất cả các tổ chức tín dụng có vốn nhà nước và tư nhân của Việt Nam hiện nay đều đã có tổ chức công đoàn đứng bên cạnh người lao động trong các thỏa ước về lao động, tiền lương, thu nhập…
Người lao động trong các tổ chức tín dụng nước ngoài hiện nay phần lớn là người Việt Nam và đang sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú yêu cầu, những người có vị trí trong các tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia tư vấn cho người có trách nhiệm ở ngân hàng mẹ, đại diện khu vực ở quốc tế cho phép thành lập tổ chức công đoàn và người lao động tham gia tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Trường hợp không tăng được nhân sự chuyên trách làm công đoàn, có thể sử dụng nhân lực chuyên môn kiêm nhiệm công đoàn, để bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm cho người lao động. Đặc biệt là để các ngân hàng mẹ cũng nắm được các đơn vị kinh doanh tại Việt Nam đang được cơ quan quản lý tiền tệ triển khai hoạt động bảo vệ người lao động đến ngân hàng mình. Qua đó, các tổ chức này đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội và có trách nhiệm với cộng đồng.

Bà Nguyễn Khánh Chi – Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cho biết, Công đoàn ở Việt Nam có đặc thù là hoạt động vì mục đích ổn định và chia sẻ, không phải công đoàn đối lập với giới chủ như ở một số quốc gia khác. Thời gian qua, quan hệ giữa người lao động và bên sử dụng lao động của ngành Ngân hàng rất tích cực, không có tranh chấp. Các tổ chức công đoàn đồng hành với người lao động để thực hiện một mục đích phát triển chung và thực hiện các thỏa ước lao động tập thể. Công đoàn Ngân hàng Việt Nam mong muốn các đơn vị trong ngành Ngân hàng chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động.
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị làm việc với các tổ chức tín dụng có yếu tố nước ngoài khu vực phía Nam về việc thành lập công đoàn cơ sở là một sự kiện quan trọng, không chỉ nhằm thúc đẩy việc xây dựng tổ chức công đoàn tại các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, mà còn hướng đến việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động trong ngành Ngân hàng. Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đang triển khai thực hiện Đề án thí điểm sắp xếp Công đoàn Ngành tập trung, xuyên suốt hiệu quả.
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam trong những năm qua đã thực hiện tốt việc phối hợp với đại diện người lao động tại các đơn vị chưa thành lập công đoàn cơ sở để chăm lo cho người lao động từ nguồn 2% kinh phí công đoàn thông qua việc chi cho các hoạt động phong trào văn hóa thể thao mang lại lợi ích thiết thực, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.
Có thể kể đến như: Citibank tổ chức các chương trình tư vấn sức khỏe cho nhân viên, tổ chức Hội thao, du lịch. HSBC tổ chức ngày hội sức khỏe, ngày hội thể thao. Woori Bank tổ chức thi tài năng Woori Bank got Talent, hoạt động chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam, Tết Trung thu. Ngân hàng Standard Chartered tổ chức giải bóng đá và giải chạy marathon; thực hiện chi chăm lo cho người lao động được hưởng các chế độ tương tự như đoàn viên công đoàn như: tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do đơn vị và Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức; tổ chức khen thưởng tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua; hỗ trợ đi tham quan, nghỉ mát; được hưởng các chính sách vào các dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, ngày Dân số Việt Nam 26/12; chi trợ cấp khó khăn, ốm đau, thai sản; chi việc hiếu hỉ, chi quà cho con người lao động và các dịp Trung thu, 1/6; khen thưởng con người lao động đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện…