Công đoàn Công Thương Việt Nam: Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển

Công đoàn Công Thương Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công đoàn Công nghiệp Việt Nam và Công đoàn Thương mại và Du lịch Việt Nam.

Lấy đoàn viên, người lao động làm đối tượng vận động

Ngày 11/10/2007, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định thành lập Công đoàn Công Thương Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Công đoàn Công nghiệp Việt Nam và Công đoàn Thương mại và Du lịch Việt Nam.

Ông Phan Văn Bản – Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam – cho biết: Hiện nay, Công đoàn Công Thương Việt Nam có gần 150.000 công nhân lao động đang công tác tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Công đoàn Công Thương Việt Nam đang cùng các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố phối hợp chỉ đạo 20 công đoàn ngành Công Thương địa phương.

Ban Chấp hành Công đoàn Công Thương Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: Cấn Dũng

Ban Chấp hành Công đoàn Công Thương Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: Cấn Dũng

Nhìn chung, đội ngũ công nhân viên chức lao động ngành Công Thương được đào tạo cơ bản, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp có trình độ tay nghề cao, có khả năng thích ứng quản lý các công nghệ và thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Ngành cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam đánh giá.

Hầu hết đoàn viên, công nhân viên chức lao động đều tin tưởng vào đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị, gắn bó với nghề và doanh nghiệp; có ý thức phấn đấu vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Từ khi thành lập đến nay, Công đoàn Công Thương Việt Nam luôn chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với các loại hình cơ sở thuộc các thành phần kinh tế, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, người lao động làm đối tượng vận động; chuyển mạnh hoạt động công đoàn vào việc tổ chức, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

Thực hiện Chương trình số 2494/CTr-TLĐ của Tổng Liên đoàn về “Nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giai đoạn 2018-2023”, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã ban hành Chương trình số 18/Ctr-CĐCT để cụ thể hóa, tổ chức phổ biến nội dung chương trình đến các cấp công đoàn; tham gia các nội dung chế độ liên quan đến người lao động trong việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể cấp ngành, nhóm doanh nghiệp; tổ chức tập huấn, đào tạo về kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể cho 1.000 lượt cán bộ công đoàn phụ trách về công tác đối thoại, thương lượng.

Kết quả, đa số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở ký kết thỏa ước lao động tập thể, đạt trên 90%, với trên 70% các bản thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Đến nay, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã cập nhật 406 bản thỏa ước lao động (gồm 203 thỏa ước của doanh nghiệp nhà nước, 173 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) vào thư viện thỏa ước lao động tập thể. 86,27% doanh nghiệp đã tổ chức đối thoại tại nơi làm việc với người lao động; 87,94% đơn vị có quy chế dân chủ. Các công đoàn cơ sở của khối doanh nghiệp tích cực xây dựng kế hoạch đối thoại, thành lập tổ, ban đối thoại và tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

Đáng chú ý, phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo’’ được Công đoàn Công Thương Việt Nam tích cực triển khai, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao. Tính riêng 5 năm gần đây, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tôn vinh trên 1.000 công nhân lao động trực tiếp có nhiều sáng kiến trong lao động sáng tạo; gần 800 công nhân lao động có thành tích xuất sắc trong phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” ngành Công Thương.

Từ định hướng của Công đoàn Công Thương Việt Nam, các cấp công đoàn đã vận dụng sáng tạo và tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều hội thi mang tính ngành, nghề phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; công tác khen thưởng, tôn vinh, động viên người lao động được chú trọng, tỷ lệ công nhân trực tiếp có nhiều sáng kiến, sáng tạo ngày càng tăng.

Nhờ đó, đời sống tinh thần của công nhân viên chức lao động toàn ngành từng bước được nâng cao, thông qua việc sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa và xây dựng văn hóa đặc trưng của từng nhóm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức với các nội dung phong phú, đa dạng, thu hút được đông đảo đoàn viên công đoàn và người lao động tham gia.

Qua số liệu thống kê, việc làm, đời sống của người lao động cơ bản ổn định, thu nhập bình quân hiện nay khoảng 8,9 triệu đồng/người/tháng, cao nhất là lương bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (10,5 triệu đồng/người).

Tập trung nâng cao đời sống của đoàn viên, người lao động

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các cấp công đoàn ngành Công Thương thời gian qua vẫn còn những khó khăn, như: Một số đơn vị chưa chủ động, tích cực trong việc phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, nội dung kiểm tra chưa sâu; chưa kiên quyết kiến nghị xử lý hành vi vi phạm; công tác theo dõi, đôn đốc đơn vị được kiểm tra, giám sát khắc phục các tồn tại chưa thực sự được chú trọng.

Chất lượng tham gia của một số công đoàn cơ sở vào việc xây dựng, sửa đổi các nội quy, quy chế, chính sách lương, thưởng, đãi ngộ, tái sản xuất sức lao động của đơn vị còn yếu; việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa cao.

Những năm gần đây, việc thực hiện chủ trương sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dẫn đến một số đơn vị phải thu hẹp sản xuất, có những thời điểm giảm hoặc tạm ngừng sản xuất; cùng với đó, biến động lao động do người lao động chuyển việc, do sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp; gây nên tình trạng thiếu hụt lao động, chủ yếu ở các doanh nghiệp da giầy, cơ khí. Tính chung giai đoạn 2018 - 2023, tỷ lệ thiếu việc làm trong toàn ngành là 1,63% so với tổng số lao động.

Trước những khó khăn đang tồn tại, cùng với xu thế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ; công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiếp tục được đẩy mạnh trên nền tảng của tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo... ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động ngành Công Thương, tác động tới phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.

Sự chuyển dịch lao động vào khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ sẽ tăng nhanh về số lượng và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong lực lượng lao động xã hội. Cơ cấu lao động ngành Công Thương tiếp tục có sự thay đổi mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh có thể bị giải thể, phá sản, làm mất đi cơ hội việc làm của người lao động; ở những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, có mức độ ứng dụng khoa học - công nghệ cao, nhiều người lao động không có hoặc trình độ tay nghề thấp sẽ trở nên thất nghiệp.

Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu ngành Công Thương phải đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, phát huy vai trò đầu tàu trong việc phát triển và đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế. Các cấp công đoàn cần phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức, số lượng cán bộ công đoàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn; tập trung các nguồn lực thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn ngành, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện trong thời gian tới.

Đồng thời, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tập trung công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, vì việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động theo hướng thiết thực, hiệu quả; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; phát huy vai trò tiên phong, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng ngành Công Thương phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đó, 3 khâu đột phá Công đoàn Công Thương Việt cần đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn hiện nay, đó là: Tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, tập thể người lao động ở cơ sở, trọng tâm là đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, trọng tâm là chủ tịch công đoàn cơ sở có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn, trong đó ưu tiên các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành, quản lý tài chính, quản lý đoàn viên, thu hút, tập hợp, tuyên truyền, vận động người lao động.

Công đoàn Công Thương Việt Nam đặt chỉ tiêu phấn đấu hết năm 2028: Toàn ngành có 182.258 đoàn viên công đoàn; ít nhất 85% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; 80% số vụ việc của đoàn viên có nhu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án sẽ có đại diện công đoàn tham gia hoặc được công đoàn hỗ trợ.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-doan-cong-thuong-viet-nam-doi-moi-dan-chu-doan-ket-phat-trien-347368.html
Zalo