Công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 5 và mưa lớn
Ngày 18/10/2023 Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có Công điện số 05/CĐ-BCH về việc chủ động ứng phó với bão số 5 và mưa lớn.
Theo bản tin của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, hồi 13 giờ ngày 17/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 160km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9. Di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 5km/h.
Thực hiện Công điện số 16/CĐ-QG hồi 12h ngày 18/10/2023 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Để chủ động ứng phó với bão số 5 và mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Ninh Bình yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố tập trung thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 04 và tập trung triển khai các nội dung sau:
1. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai các huyện, thành phố:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ có thể mạnh lên thành bão; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm (Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: từ 14,5 - 18,5 độ vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 111,5; trong 48 giờ tới: từ 15,0 - 21,0 độ vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 110,5 và được điều chỉnh trong các bản tin dự báo), không để chủ quan gây thiệt hại về người, tàu thuyền do ATNĐ, bão gần bờ.
- Chủ động cấm biển và đảm bảo an toàn cho người, tài sản tại các chòi canh, lồng bè tùy theo diễn biến của ATNĐ, bão.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
- Triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, sạt lở đất.
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn kịp thời xử lý khi có tình huống.
2. Đài Phát thanh và truyền hình Ninh Bình, Báo Ninh Bình, Đài Khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ, tăng cường dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến ATNĐ, bão, mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất cho các cơ quan chức năng và địa phương, chủ phương tiện đang hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn nuôi trồng thủy sản; an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công.
4. Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Ninh Bình đảm bảo an toàn lưới điện, cung cấp đủ điện phục vụ tiêu úng, sản xuất và sinh hoạt.
5. Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải phối hợp với địa phương chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải; chỉ đạo khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt.
6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
7. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Ninh Bình./.
KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH