Cộng điểm ưu tiên vào lớp 10: Bỏ quy định không hợp lý

Dự thảo Thông tư quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT mà Bộ GDĐT đang lấy ý kiến có quy định đối tượng được tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh vào lớp 10. Trong đó, đề xuất cộng điểm cho con của người hoạt động cách mạng trước năm 1945 đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Cộng điểm ưu tiên cho 3 nhóm đối tượng

Theo dự thảo Thông tư quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, có 3 đối tượng diện chính sách được đề xuất cộng điểm ưu tiên, tối đa 2 điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thực hiện thống nhất tại các địa phương trong cả nước.

Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh tại Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 tại Hà Nội.

Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh tại Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 tại Hà Nội.

Điểm ưu tiên được cộng vào tổng điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 đối với mỗi môn thi. Trong đó, nhóm 1 được cộng 2 điểm; nhóm 2 được cộng 1,5 điểm; nhóm 3 được cộng 1 điểm.

Nhóm đối tượng 1 bao gồm: Con liệt sĩ; con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên; con của người được cấp "Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên"; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Nhóm đối tượng 2: Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con thương binh mất sức lao động dưới 81%; Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; con của người được cấp "Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%".

Nhóm đối tượng 3: Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; người dân tộc thiểu số; học sinh đang sinh sống, học tập ở các xã khu vực I, khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát, bỏ quy định không hợp lý

Trong số những đối tượng được cộng điểm ưu tiên nêu trên, nhiều ý kiến băn khoăn về đối tượng là: "Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày Khởi nghĩa tháng tám năm 1945”, được nêu ở nhóm 1, cộng ưu tiên 2 điểm.

Hầu hết ý kiến cho rằng, quy định cộng điểm ưu tiên cho 2 trường hợp trên không hợp lý, không phù hợp với thực tiễn. Lý do vì những người tham gia hoạt động cách mạng ở giai đoạn này đa phần không còn hoặc nếu còn cũng đã ngoài 95 tuổi, không thể có con 15 tuổi, tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT từ năm học 2025-2026 trở đi.

Làm rõ nội dung này, đại diện ban soạn thảo thông tư của Bộ GDĐT cho biết, đây là chính sách áp dụng cho cả con đẻ và con nuôi hợp pháp của cán bộ cách mạng.

Đề xuất này căn cứ theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Có thể xảy ra tình huống người tham gia hoạt động cách mạng từ 15 tuổi nhưng đến 70-80 tuổi, thậm chí nhiều tuổi hơn mới nhận con nuôi.

Ban soạn thảo tính toán kỹ và cho rằng vẫn có khả năng nên đưa vào để không bỏ sót người đáng được hưởng chế độ ưu tiên, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học.

Về nội dung này, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp Hà Nội cho hay, nếu xét về mặt lý thuyết, quy định này phù hợp với chính sách người có công, với hiến pháp và mang tính nhân văn. Song trên thực tế, tính khả thi là không cao. Lý do là những người hoạt động trước Cách mạng tháng Tám đến nay đều trên dưới 100 tuổi, trường hợp có con học lớp 10 là rất hiếm gặp. Quy định này nếu đưa ra cách đây 40-50 năm trước thì sẽ phù hợp và khả thi hơn.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, văn bản pháp luật ngoài việc phải phù hợp với các chính sách của Nhà nước và Hiến pháp thì còn phải đảm bảo tính khả thi. Nếu tính khả thi không cao, không áp dụng được vào thực tế thì sẽ trở nên lãng phí và không cần thiết. Do đó, Bộ GDĐT nên rà soát và bỏ quy định này.

Cũng theo Luật sư Đặng Văn Cường, để không bỏ lọt đối tượng người có công, thông qua dữ liệu của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, cần thống kê, rà soát xem trên cả nước hiện còn bao nhiêu cán bộ lão thành cách mạng. Trên cơ sở đó, đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp hơn, nhân văn và có tính khả thi cao hơn với nhóm đối tượng này.

Dự thảo Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT được Bộ GDĐT đăng tải công khai tại Cổng thông tin điện tử https://moet.gov.vn.

Thời gian lấy ý kiến góp ý đến ngày 18/12/2024.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cong-diem-uu-tien-vao-lop-10-bo-quy-dinh-khong-hop-ly-10293240.html
Zalo