Công chức, viên chức có thể được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

Dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc mở rộng đối tượng dân sự tham gia, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.

Chiều 14/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang trình bày tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về đối tượng dân sự là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang trình bày tờ trình. Ảnh: Media Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang trình bày tờ trình. Ảnh: Media Quốc hội.

Theo quy định hiện hành, lực lượng được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ gồm: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, việc mở rộng đối tượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích tiềm năng.

Mặt khác, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các phái bộ thực địa và tại Trụ sở Liên hợp quốc hiện nay cũng bao gồm 3 đối tượng chính là quân đội, cảnh sát và dân sự, trong đó đối tượng dân sự thường có tính ổn định cao và nắm giữ các vị trí quan trọng.

Việc bổ sung đối tượng dân sự sẽ giúp huy động thêm nguồn nhân lực để tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhất là các vị trí lãnh đạo, các vị trí tại các cơ quan hoạch định chính sách của Liên hợp quốc, qua đó, giúp mở rộng tầm ảnh hưởng, nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, thực tế hiện nay có rất nhiều quốc gia đã và đang cử các viên chức chính phủ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ thực địa và tại các cơ quan hoạch định chính sách, Trụ sở Liên hợp quốc.

Viên chức dân sự được các chính phủ cử tham gia thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, xây dựng năng lực và hỗ trợ cho chính quyền nước sở tại mà phái bộ yêu cầu.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, qua đó mở ra các kênh hợp tác đối ngoại đa phương, song phương; giúp cân bằng các lợi ích chiến lược; tranh thủ, thu hút được các nguồn tài trợ, hỗ trợ từ các nước đối tác, các tổ chức quốc tế và của Liên hợp quốc.

Từ đó, giúp tiết kiệm nguồn ngân sách nhà nước cho việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình; góp phần thúc đẩy hỗ trợ kinh tế; tăng cường lòng tin và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước và cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới. Ảnh: Media Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới. Ảnh: Media Quốc hội.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật.

Việc mở rộng đối tượng phù hợp với yêu cầu thực tiễn trên cơ sở tổng kết thi hành Nghị quyết số 130/2020/QH14, phù hợp với các quy định của Liên hợp quốc về cử viên chức dân sự tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình và phái bộ chính trị đặc biệt của Liên hợp quốc.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với cá nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị bệnh sau khi kết thúc nhiệm vụ.

Ngoài ra cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về chế độ, chính sách mang tính ưu tiên, khuyến khích đối với lực lượng là nữ giới tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình củaLiên hợp quốc.

Từ đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp, thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Dự thảo Luật đề xuất quy định ngày truyền thống của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là ngày 27/5 hàng năm.

Cơ quan soạn thảo cho biết, đây là ngày có ý nghĩa quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam cử cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (ngày 27/5/2014); từ đó đến nay đã được 10 năm, đủ điều kiện về ngày truyền thống theo quy định.

Theo thống kê, từ tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ UNMISS (Nam Xu-đăng), Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), Phái bộ EUTM-RCA (Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi) và Trụ sở Liên hợp quốc.

Yến Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/cong-chuc-vien-chuc-co-the-duoc-cu-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-192250514150740757.htm
Zalo