Công chức làm việc tại nhà có được không?

Theo Bộ Nội vụ, cần cân nhắc, bổ sung quy định chế độ làm việc bán thời gian, làm việc từ xa, chú trọng vào hiệu quả công việc đối với công chức.

Bộ Nội vụ mới đây đã đưa ra những nhận định và đề xuất liên quan đến việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức. Đáng chú ý trong đó có đề xuất cho công chức làm việc bán thời gian, làm việc ở nhà.

Theo Bộ Nội vụ, trong bối cảnh chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, chính quyền số và công dân số, nhu cầu linh hoạt trong phương thức làm việc của công chức ngày càng trở nên cấp thiết.

Một số công việc không đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp với người dân; hoàn cảnh công chức nuôi con nhỏ, chăm sóc cha mẹ già yếu, hoặc gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực trung tâm đô thị… là những lý do nên cho phép công chức làm việc từ xa.

Bộ Nội vụ cho rằng nên bổ sung chế độ làm việc bán thời gian, làm việc từ xa vào luật, với trọng tâm là nâng cao hiệu quả công việc. Làm việc tại nhà không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành cho cơ quan nhà nước như điện, điều hòa, thiết bị, văn phòng… mà còn tạo điều kiện cho công chức cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.

Ảnh minh họa: Thạch Thảo

Ảnh minh họa: Thạch Thảo

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ủng hộ đề xuất trên. Ông cho rằng, công chức làm việc tại nhà sẽ giảm áp lực giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội và các thành phố lớn.

Theo ông Lợi, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngày càng rộng rãi, công chức cấp trung ương và cấp tỉnh hoàn toàn có thể làm việc từ xa, tùy theo tính chất công việc. Riêng cấp xã, phường do thường xuyên tiếp xúc với người dân có thể duy trì làm việc tại trụ sở.

“Với những người vừa sinh con hoặc có người thân ốm đau, nếu họ vẫn đảm bảo được công việc khi làm tại nhà, hiệu quả còn cao hơn nhờ có thời gian chủ động”, ông Lợi nhấn mạnh.

Một chuyên gia về lao động và tiền lương cũng cho rằng, trong xu hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính hiện nay, luật sửa đổi nên quy định cho phép công chức đăng ký làm việc từ xa theo tỷ lệ phù hợp. Đối tượng phù hợp là các chuyên viên, nhân viên xử lý công việc nội bộ – những người không trực tiếp ban hành quyết định hành chính.

Thực tế, trong thời kỳ giãn cách do dịch Covid-19 năm 2021, công chức và người lao động nói chung đã nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc trực tuyến. Việc tiếp nhận hồ sơ, xử lý văn bản đến giải quyết công việc trên môi trường số đã đem lại hiệu quả trong điều kiện hạn chế tiếp xúc.

Do vậy, với những công chức không thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân hay doanh nghiệp, làm việc từ xa sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Việc các cơ quan nhà nước hiện nay đang đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng là tiền đề quan trọng để từng bước triển khai mô hình làm việc linh hoạt cho công chức.

Cần có cơ chế giám sát làm việc tại nhà

Vị chuyên gia lao động tiền lương cũng cho rằng, để đảm bảo hiệu quả công việc khi công chức làm từ xa cần có cơ chế giám sát rõ ràng để đảm bảo kỷ luật và trách nhiệm.

Việc giám sát công chức làm việc tại nhà cần được thực hiện thông qua các cơ chế rõ ràng và hiệu quả. Trước tiên, công chức phải đăng ký kế hoạch làm việc từ xa và được cấp trên phê duyệt dựa trên tính chất công việc.

Cơ quan quản lý cần giao nhiệm vụ cụ thể, có chỉ tiêu và thời hạn rõ ràng. Việc ứng dụng công nghệ là yếu tố then chốt, bao gồm sử dụng phần mềm quản lý công việc, họp trực tuyến và theo dõi tiến độ qua hệ thống số.

Công chức phải báo cáo định kỳ kết quả công việc, kèm theo sản phẩm đã hoàn thành. Quá trình giám sát nên kết hợp cả đánh giá định lượng (hiệu suất, tiến độ) và định tính (tinh thần hợp tác, thái độ làm việc).

Ngoài ra, cần có quy định xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo tính kỷ luật và hiệu quả chung.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cong-chuc-lam-viec-tai-nha-co-duoc-khong-2392653.html
Zalo