CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP QUÂN ĐOÀN 34

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định giải thể Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 thành lập Quân đoàn 34.

Đại tướng Phan Văn Giang cùng các đại biểu dâng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của Quân đoàn 34.

Đại tướng Phan Văn Giang cùng các đại biểu dâng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của Quân đoàn 34.

Đại tướng Phan Văn Giang và các đại biểu tham quan Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên. Ảnh QĐND

Đại tướng Phan Văn Giang và các đại biểu tham quan Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên. Ảnh QĐND

Giải thể Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, thành lập Quân đoàn 34

Ngày 15/12, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 34 tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Quân đoàn.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự và phát biểu chỉ đạo.

Theo báo QĐND, dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương: Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Cùng dự buổi lễ có các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục II; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trong toàn quân; cấp ủy, chính quyền địa phương…

Về phía Quân đoàn 34 có các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Bá Lực, Tư lệnh Quân đoàn; Thiếu tướng Lê Minh Quang, Chính ủy Quân đoàn, cùng các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 34; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà trường và đại biểu cán bộ các phòng, ban của Quân đoàn 34.

Buổi lễ sẽ công bố Quyết định số 5901/QĐ-BQP, ngày 7/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc giải thể Quân đoàn 3; Quyết định số 5902/QĐ-BQP, ngày 7/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc giải thể Quân đoàn 4 và Quyết định số 5989/QĐ-BQP, ngày 10/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập Quân đoàn 34.

Quá trình hình thành và phát triển Quân đoàn 3

Theo Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng: Quân đoàn 3 là quân đoàn chủ lực cơ động của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 26/3/1975. Tư lệnh, Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn 3 là các đồng chí Vũ Lăng, Đặng Vũ Hiệp.

Quân đoàn 3 có Tư lệnh và các Phó Tư lệnh, Chính ủy, Phó Chính ủy; các cơ quan chức năng đảm nhiệm các mặt công tác tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật và các đơn vị trực thuộc khác.

Ngay sau khi Tây Nguyên được giải phóng, ngày 26/3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định số 54/QĐ-QĐ thành lập Quân đoàn 3 trực thuộc Bộ Quốc phòng. Quân đoàn 3 được thành lập có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu sự ra đời của quân đoàn chủ lực cơ động thứ 4 của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo quyết định của Bộ Quốc phòng, cơ cấu tổ chức của Quân đoàn 3 bao gồm: Bộ Tư lệnh, các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần và các đơn vị trực thuộc.

Với thành phần là các đơn vị thuộc khối chủ lực B3 đang trong quá trình phát triển chiến dịch Tây Nguyên, Quân đoàn 3 là một binh đoàn chủ lực binh chủng hợp thành hoàn chỉnh, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, ổn định, sức cơ động cao, hỏa lực mạnh, có trình độ và kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng binh chủng; có thể độc lập tiến hành một chiến dịch hoặc đảm nhiệm hướng chủ yếu trong đội hình chiến dịch lớn của cấp trên, làm lực lượng quyết định trong các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu nhất của chiến dịch từ Tây Bắc vào Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã nhanh chóng tổ chức quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm chiến đấu, phương án tác chiến, gấp rút điều động lực lượng từ các hướng cơ động về Tây Bắc Sài Gòn tham gia chiến dịch.

Phát huy truyền thống “Quyết thắng, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, nghiêm túc, tự lực”, với phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến: “Mạnh bạo, chắc thắng, đánh mạnh, đánh liên tục nắm chắc thời cơ thọc sâu phát triển nhanh”, Quân đoàn 3 đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang địa phương, các cánh quân tiến công Sài Gòn từ các hướng, lần lượt đánh chiếm và làm chủ Gò Dầu Hạ, Trảng Bàng, Đồng Dù, Hóc Môn, Trung tâm huấn luyện Quang Trung, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu Ngụy… hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, Quân đoàn 3 được lệnh nhanh chóng cơ động lực lượng lên Tây Ninh đánh địch. Với phương châm vừa chiến đấu, vừa xây dựng củng cố, quân đoàn đã mở nhiều chiến dịch và các đợt hoạt động, đánh bại quân địch; đồng thời với tinh thần quốc tế cao cả, Quân đoàn 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp đỡ lực lượng cách mạng Cămpuchia phát triển, giúp nhân dân Cămpuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Tháng 7/1979, Quân đoàn 3 cơ động toàn bộ lực lượng từ Cămpuchia về nước làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, xây dựng chính quy, củng cố nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn chiến lược xung yếu.

Ngày truyền thống: 26/3/1975

Phần thưởng cao quý: Với những chiến công hiển hách trong chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm nghĩa vụ quốc tế, Quân đoàn 3 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 20/12/1979) và được nhà nước Cămpuchia tặng thưởng Huân chương Ăngco (năm 1979).

Quá trình hình thành và phát triển Quân đoàn 4

Quân đoàn 4 là quân đoàn chủ lực cơ động của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 20/7/1974. Tư lệnh và Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn 4 là các đồng chí Hoàng Cầm, Hoàng Thế Thiện.

Quân đoàn 4 có Tư lệnh và các Phó Tư lệnh, Chính ủy, Phó Chính ủy; các cơ quan chức năng đảm nhiệm các mặt công tác tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật và các đơn vị trực thuộc khác.

Chấp hành Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường quân sự tiến tới thống nhất đất nước, tháng 10/1973 Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Chính trị thành lập các quân đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam, ở Nam bộ và Cực Nam Trung Bộ, từ đầu năm 1974 Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền đã chỉ đạo lập phương án tổ chức biên chế, dự thảo chức năng nhiệm vụ của một quân đoàn chủ lực trên chiến trường.

Sau khi thông qua kế hoạch tổ chức biên chế, ngày 20/7/1974, đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục chính thức công bố quyết định thành lập Quân đoàn 4 tại chiến khu Dương Minh Châu, miền Đông Nam Bộ.

Với chức năng là quả đấm chủ lực mạnh, lực lượng cơ động của Bộ ở chiến trường B2, nhiệm vụ của Quân đoàn 4 là tiêu diệt quân địch, giải phóng nhân dân, làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang 3 thứ quân, làm chỗ dựa vững chắc cho lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng, đảm nhận một hướng chiến lược, một khu vực chiến trường, mục tiêu cuối cùng là giải phóng Sài Gòn.

Sau khi thành lập, căn cứ vào kế hoạch chiến lược hai năm 1975 - 1976 và nhiệm vụ chiến đấu trước mắt trong mùa khô 1974 - 1975, Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 mở chiến dịch ở Đường số 14 - Phước Long, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một đoạn đường số 14; tiếp đó đánh bại quân địch nếu chúng phản kích, giữ vững vùng giải phóng.

Bằng cách đánh linh hoạt, mưu trí sáng tạo và dũng cảm Quân đoàn đã giành thắng lợi trong chiến dịch Đường số 14 - Phước Long, phối hợp với Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng theo kế hoạch tác chiến chiến lược, vừa tạo địa bàn đứng chân, tập kết lực lượng và mở các hướng tiến công quan trọng cho các lực lượng bạn đánh vào Sài Gòn.

Đây là thắng lợi có ý nghĩa như một đoàn trinh sát chiến lược giúp Bộ Chính trị đưa ra quyết định chính xác quyết tâm giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước trong năm 1975.

Ngày 02/4/1975, tại căn cứ Vĩnh An, Thượng tướng Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 triển khai lực lượng trên hai hướng tiến công chiến lược là Đông và Tây Nam Sài Gòn.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến dịch và để tạo điều kiện chiến lược cho Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn với phương châm tác chiến “Đánh thắng, tiến chắc”, ngày 09/4/1975 các lực lượng của Quân đoàn bắt đầu nổ súng tiến công phòng tuyến Xuân Lộc của quân địch.

Sau nhiều lần tiến công quyết liệt, ngày 21/4/1975, Quân đoàn đã đập tan phòng tuyến Xuân Lộc, giải phóng thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh.

Với đội hình chiến đấu mạnh, cách đánh linh hoạt, các mũi tiến công của Quân đoàn lần lượt đánh chiếm Trảng Bom, tuyến phòng thủ Hố Nai, khu vực phòng thủ Biên Hòa của địch, phát triển tiến công vào nội thành Sài gòn, cùng với các cánh quân khác kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau năm 1975 Quân đoàn ngoài làm nhiệm vụ quân quản ở thành phố Sài Gòn - Gia Định, tham gia vào bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, làm tốt nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nhân dân Cămpuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của chế độ Pôn Pốt - Yêngxari; đồng thời, quân đoàn còn giúp xây dựng, huấn luyện lực lượng vũ trang cách mạng Cămpuchia, xây dựng và củng cố chính quyền mới, góp phần củng cố và thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Cămpuchia anh em.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Quân đoàn 4 đang tập trung huấn luyện, nâng cao chất lượng tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo cho Quân đoàn có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Xây dựng quân đoàn chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện, đảm bảo tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, chăm lo cho đời sống bộ đội và tích cực xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh, xứng đáng là quân đoàn cơ động, chủ lực của Bộ đóng ở phía Nam của Tổ quốc, phát huy truyền thống “Trung thành, đoàn kết, anh dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng”.

Ngày truyền thống: 20/7/1974

Phần thưởng cao quý: Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, Quân đoàn 4 vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1980).

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/cong-bo-quyet-dinh-thanh-lap-quan-doan-34-119241215103454169.htm
Zalo