Công bố quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng
Chiều nay (16/1), Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao Quyết định số 1511/QĐ-TTg về việc thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng cho TP. Hải Phòng.
Báo cáo về việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tại Hội nghị, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng khẳng định: Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển của Thành phố Hải Phòng, mở ra một không gian phát triển, một động lực tăng trưởng mới.
Từ đó, hướng tới mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành một thành phố Cảng biển thông minh, hiện đại, và phát triển bền vững, xứng tầm khu vực và quốc tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị và Kết luận số 96-KL/TW ngày 30/9/2024 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng.
Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với quy mô khoảng 20.000 ha được định hướng là một khu kinh tế đa ngành, mang tầm quốc tế, với các trụ cột phát triển là công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics hiện đại, đô thị thông minh, du lịch sinh thái, và khu thương mại tự do thí điểm.
Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng dự kiến phát triển với khoảng hơn 3.000 ha cảng biển với chiều dài 12 km, hơn 4.000 ha đất công nghiệp, 1.800 ha đất đô thị và trên 1.000 ha Khu thương mại tự do. Dự kiến, tổng mức đầu tư đến năm 2030 khoảng 8 tỷ USD; đến năm 2040 thu hút đầu tư khoảng 40 tỷ USD, xuất nhập khẩu đạt trên 70 tỷ USD, thu hút 400.000 lao động, tạo chỗ ở cho trên 500.000 người.
Với vị trí chiến lược, cửa ngõ ra biển của miền Bắc, Hải Phòng nằm trong vùng động lực tăng trưởng phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), thuộc hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình), giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Xây dựng khu kinh tế ven biển phía Nam không chỉ riêng cho Hải Phòng mà còn tạo sự liên kết phát triển vùng, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tận dụng tối đa lợi thế vị trí chiến lược và hạ tầng giao thông kết nối vùng đang dần hoàn thiện.
Bên cạnh đó, tuyến đường ven biển đi xuyên tâm khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng đang dần hình thành. Đồng thời, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng được quy hoạch hoàn thành trước năm 2030 sẽ giúp hàng hóa của các tỉnh duyên hải Bắc bộ rút ngắn quãng đường kết nối và thuận lợi với cảng Nam Đồ Sơn.
Đây không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế mới mà còn là cơ sở để Hải Phòng khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics quốc tế, một cực tăng trưởng quan trọng của vùng và của cả nước. Việc thành lập Khu kinh tế sẽ tạo điều kiện để thành phố thí điểm các cơ chế chính sách mới, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, thu hút các nguồn lực từ trong và ngoài nước để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.
Đến năm 2030, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế TP. Hải Phòng, tương đương với 80% năng lực của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Khu kinh tế này sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các Khu kinh tế lân cận, tạo thành chuỗi Khu kinh tế ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng.
Khu kinh tế mới ven biển phía Nam Hải Phòng được quyết định thành lập cùng với 4 Khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư (Nomura – Hải Phòng giai đoạn 2, Vinh Quang giai đoạn 1, Tràng Duệ 3, Nam Tràng Cát) nâng tổng số Khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố lên 18 KCN với tổng diện tích khoảng 7.378 ha (tăng thêm gần 1.300 ha), 2 Khu kinh tế với tổng diện tích khoảng 42.540 ha sẽ tạo ra dư địa mới cho thành phố Hải Phòng, tạo đà để Hải Phòng bứt phá hơn nữa trong thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Đặc biệt, khu thương mại tự do thế hệ mới sẽ là trọng tâm phát triển của khu kinh tế theo những mô hình đã thành công trên thế giới, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia. Góp phần tạo lợi thế cạnh tranh và xây dựng trung tâm thương mại tự do này trở thanh trung tâm sản xuất, thương mại hàng đầu Việt Nam, thuận lợi hóa thương mại, áp dụng những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội theo Nghị quyết của Quốc hội.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng thể hiện ý chí và khát vọng, tầm nhìn mang dấu ấn thời kỳ mới, giai đoạn phát triển lên tầm cao mới của Hải Phòng. Để xây dựng thành công khu kinh tế, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hải Phòng phát huy lợi thế cả về kinh tế, chính trị, văn hóa. Cùng với đó phát triển hạ tầng có tính đa mục tiêu, bổ trợ cho nhau giữa hạ tầng giao thông với hạ tầng năng lượng, cấp nước, thoát nước, viễn thông.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, thay mặt lãnh đạo Thành phố, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng đã trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, cá nhân Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các Ban, Bộ, ngành Trung ương, tạo hành lang pháp lý quan trọng để Hải Phòng phát triển, hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội trong giai đoạn tới. Đồng thời, Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai xây dựng Khu kinh tế.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng sau cảng, nạo vét luồng cảng nước sâu, triển khai cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc dự án đường bộ ven biển, sớm cho ý kiến về điều chỉnh chung Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.
Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ “chạy đua” để đón “làn sóng” đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang hướng về Hải Phòng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chip, bán dẫn, điện tử. Khi đó, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ là nơi duy nhất tại Việt Nam tới nay triển khai những chính sách hội nhập cao, tạo lợi thế vượt trội thu hút đầu tư nước ngoài, đủ sức cạnh tranh trong khu vực.