Công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Trưởng Ban Quản lý lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình đặc biệt, yêu cầu kỹ thuật đặc thù, có nhiều thiết bị đơn chiếc, sản xuất đặt hàng từ nước ngoài. Trong trường hợp tình hình thế giới có biến động, việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị, đào tạo nhân lực ở nước ngoài gặp không ít khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành pháp lệnh là hết sức cần thiết.

 Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 3/4, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua ngày 13/3/2025.

Theo Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Trưởng ban quản lý lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 55 năm qua, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Trưởng Ban Quản lý lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Trưởng Ban Quản lý lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, phần lớn các quy định pháp luật hiện hành chỉ mới tập trung vào việc quản lý, bảo vệ công trình trong Khu di tích lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhiều vấn đề quan trọng vẫn chưa được quy định.

Trong thực tiễn công tác quản lý còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập vì đây là nhiệm vụ có tính chất đặc thù, vừa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ công trình lăng, vừa thực hiện đón tiếp nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác và tham quan khu vực, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa của Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình đặc biệt, yêu cầu kỹ thuật đặc thù, có nhiều thiết bị đơn chiếc, sản xuất đặt hàng từ nước ngoài. Trong trường hợp tình hình thế giới có biến động, việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị, đào tạo nhân lực ở nước ngoài gặp không ít khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành pháp lệnh là hết sức cần thiết.

Pháp lệnh được ban hành là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất tính đến thời điểm hiện nay để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh buổi họp báo

Toàn cảnh buổi họp báo

Pháp lệnh gồm có 6 chương, 32 điều. Phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh quy định về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý, bảo vệ các công trình, khu vực và tổ chức các hoạt động trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo đó, Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là các công trình, khu vực có giá trị chính trị, lịch sử - văn hóa, quốc phòng, an ninh đặc biệt của quốc gia bao gồm: a) Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình; b) Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; c) Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội (Khu Di tích K9); d) Công trình hỗ trợ, phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Điều 30 quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị kỹ thuật các công trình, khu vực thuộc Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; bảo đảm an ninh, an toàn Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đón tiếp, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa của Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Pháp lệnh quy định, người thuộc lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hưởng chế độ tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật và các chế độ phụ cấp đặc thù, trợ cấp, hỗ trợ phù hợp với tính chất nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ.

Ưu tiên thu hút, tuyển chọn, tuyển dụng người có tài năng, nhà khoa học có chuyên môn sâu, học viên, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và có đủ các tiêu chuẩn quy định vào lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2025.

Minh Châu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cong-bo-phap-lenh-quan-ly-bao-ve-khu-di-tich-lang-chu-tich-ho-chi-minh-20250403105718648.htm
Zalo