Công bố phần 2 phim 'Cô Ba Sài Gòn'
Nhà sản xuất Xưởng Phim Màu Hồng ngày 23-12 công bố phần 2 'Cô Ba Sài Gòn' được thực hiện với tên 'Cô Sáu Bạc Liêu – Ngao Du Sài Gòn'.
Sau 7 năm kể từ khi phim "Cô Ba Sài Gòn" với sự phối hợp thành công giữa Ngô Thanh Vân và Ninh Dương Lan Ngọc thì nay phim có phần 2. Đặc biệt, chủ nhà may Thanh Nữ trong phim "Cô Ba Sài Gòn" không phải bà Thanh Mai (Ngô Thanh Vân đóng) mà là cô Sáu trong "Công tử Bạc Liêu" (Kaity Nguyễn đóng).
Sự liên kết giữa hai phim cùng tạo ra "chất liệu" cho phần 2 của tác phẩm "Cô Sáu Bạc Liêu – Ngao Du Sài Gòn" với một "vũ trụ điện ảnh" mới.
Xưởng Phim Màu Hồng chia sẻ câu chuyện chính sẽ đi theo hướng nói về hành trình của cô Sáu sau khi được ông bà hội đồng Lịnh chấp nhận cho tự mở một cửa hàng thời trang riêng và được anh ba Hơn truyền cảm hứng.
Có thể, một mình cô sẽ vượt qua thử thách, đi tìm cho chính mình cái gọi là "sự nghiệp" để rồi làm rạng danh thương hiệu áo dài mang tên nhà may Thanh Nữ. Hoặc ở phần 2 này, nhà sản xuất sẽ tiếp tục hướng đi đã từng làm nên thành công của "Cô Ba Sài Gòn" trước đó với ý đồ "xuyên không" để kết nối 3 tuyến nhân vật chính: cô Sáu, bà Thanh Mai và Như Ý. Tình cảm gia đình sẽ một lần nữa là điểm chạm cảm xúc khi cô Sáu chính là mẹ của bà Thanh Mai và là bà ngoại của Như Ý.
Một vài cái tên đáng chú ý như Ngọc Xuân, Nguyễn Lâm Thảo Tâm… có thể mang đến làn gió mới cho nhân vật cô Sáu ở phần 2 này.
Đây hứa hẹn là dự án mang lại không chỉ một nhân vật mới thú vị dựa trên hai bộ phim. Cái tên nhân vật chính diễn vai cô Sáu vẫn còn là ẩn số, phim dự kiến ra mắt vào năm 2027.
"Công tử Bạc Liêu" hiện vẫn còn trụ rạp với suất chiếu không cao, doanh thu hơn 36 tỉ đồng. Gần đây, phim tạo ý kiến trái chiều với một bên cho rằng tác phẩm nói về nhân vật có thật nhưng thay đổi tên, nhiều chi tiết hư cấu khác biệt, nội dung không hay, gây thất vọng.
Một số lại cho rằng phim là tác phẩm hư cấu dựa trên những giai thoại về Công tử Bạc Liêu, không phải tác phẩm tài liệu nên không thể đòi hỏi giống hệt như thật. Tác phẩm giải trí, không nên dùng tư duy o ép sáng tạo, chê bai, dìm tác phẩm.
Mặc dù kịch bản còn nhiều điểm chưa hợp lý, liền mạch, một số cảnh dựng trông rất giả khi lên trường quay nhưng "Công tử Bạc Liêu" có điểm cộng sự đầu tư trang phục, bối cảnh của ê-kíp.